Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Đối diện chết chóc - Ám ảnh tâm lý nguy hiểm ở trẻ...



NHIỀU NGƯỜI VẪN CHO RẰNG TRẺ NHỎ CHƯA CÓ KHÁI NIỆM VỀ CÁI CHẾT, SỰ RA ĐI CỦA NGƯỜI THÂN NÊN THƯỜNG CHỦ QUAN, KHÔNG THEO SÁT DIỄN BIẾN TÂM LÝ CỦA CON VÀ DẪN ĐẾN HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG.

Trẻ sốc là chuyện bình thường
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng - chủ nhiệm bộ môn Tâm lý lâm sàng, PGĐ Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết kể cả người lớn, đều có thể bị sốc khi mất đi người thân, càng sốc hơn khi cái chết diễn ra bất ngờ, đột ngột.
Ở độ tuổi quá nhỏ, trẻ chưa nhận thức về cái chết, chúng sẽ trở nên vô tình với sự mất mát này. Khi trẻ bắt đầu có nhận thức về cái chết, chúng sẽ hiểu chết là ra đi vĩnh viễn, nhất là khi người giống mình, bạn bè cùng trang lứa như mình đột ngột ra đi, từ đó khởi phát tâm lý hoang mang, lo sợ.
Đây là phản ứng rất bình thường của con người trước những điều mình không thể kiểm soát, chỉ khác nhau ở mức độ nặng - nhẹ và khả năng ứng phó giữa người lớn và trẻ con.
“Khi một người bên cạnh đột ngột ra đi, trẻ sẽ có những tâm trạng như sốc, hay hoang mang, lo lắng, đau khổ. Dù đó là những trạng thái tâm lý không tích cực nhưng lại là bình thường khi đối diện với sự chia ly, nếu trẻ không có phản ứng này thì mới không bình thường và đáng lo ngại”, PGS.TS Hằng nhận định.
Ám ảnh không nên xem thường
Cũng theo bà Hằng, nhiều bố mẹ chỉ chú trọng đến sức khỏe của con, bỏ qua các vấn đề tâm lý. Thực tế, những đứa trẻ nhạy cảm, ám ảnh rất lâu về cái chết nhất là sự ra đi của một người rất thân thiết hoặc khi tận mắt chứng kiến sự việc.
Những trường hợp này thường xuất hiện nhiều kiểu ám ảnh như về ý nghĩ (lo lắng, sợ chết sau khi chứng kiến sự ra đi của ai đó), hình ảnh (sợ màu đỏ vì từng nhìn thấy máu, sợ bệnh viện), âm thanh (kiểu như sợ tiếng còi xe cứu thương, sợ tiếng phanh xe, tiếng kèn đưa tang), mùi.
Theo PGS Hằng, với tâm hồn non nớt của trẻ con, những thứ ám ảnh này ban đầu sẽ khiến trẻ hoảng sợ, gặp ác mộng, nhưng về lâu dài, trạng thái tâm lý này sẽ theo suốt cả cuộc đời của trẻ và để lại nhiều di chứng. Đây là vấn đề tuyệt đối không thể xem thường.
“Nếu sự hoảng sợ và ám ảnh chỉ diễn ra một vài ngày sau khi bé chứng kiến cái chết thì không đáng lo ngại bởi bố mẹ chỉ cần khéo léo một chút, hoàn toàn có thể cởi nút thắt cho con. Thế nhưng, nếu sau một tuần, trẻ vẫn chưa ổn định về tâm lý, nhất định bố mẹ phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
Trẻ càng gặp nhà tâm lý càng sớm càng có lợi, tốt nhất trong vòng 6 tiếng đầu khi gặp sự cố. Đây là khoảng thời gian trí nhớ chưa kịp lưu lại những hình ảnh đáng sợ, có tính ám ảnh đối với trẻ”, PGS.TS Hằng khẳng định.
Không bắt trẻ né tránh sự chia ly
Khi trẻ đang bị sốc vì sự ra đi đột ngột của người bên cạnh, sự khéo léo và tinh tế của người thân rất quan trọng. Theo PGS.TS Hằng, việc chọn thời điểm thông báo về sự ra đi của ai đó là điều người lớn cần phải cân nhắc.
Nếu gia đình chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho trẻ, người thân nên ở cùng và trò chuyện để xem trẻ đang nhận thức như thế nào, tâm trạng ra sao. Nếu trẻ bị ám ảnh, chúng ta cần phải điều chỉnh ngay lập tức.
“Người lớn tuyệt đối không được né tránh sự việc khi đối diện với trẻ. Chẳng hạn khi một người bạn học của con mất, sai lầm của nhiều bố mẹ là hay lảng tránh việc nhắc đến người bạn đó với con. Điều này càng khiến những tâm lý tiêu cực lớn dần trong trẻ, đến mức trẻ không thể giải tỏa cùng ai và trở thành một điều đáng lo ngại”, PGS.TS Hằng khuyến cáo.
Trong trường hợp trẻ bị ám ảnh về hình ảnh, âm thanh, bố mẹ cần phải tinh ý, trước mắt giúp con tránh xa, dần dần lấy lại sự bình tĩnh và vượt qua những rào cản tâm lý.
Đặc biệt, gia đình phải trò chuyện thường xuyên với con để giúp trẻ giảm bớt gánh nặng trong lòng, tuyệt đối không để những trầm uất lớn dần trong tâm lý. Điều đó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons