Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Ngừa bệnh trọng do thiếu men ở trẻ em

Các nghiên cứu cho thấy: một loại bệnh di truyền do thiếu men gây ra trọng bệnh ở trẻ em gọi là hội chứng Sanfilippo. Trong mùa sinh sản đông xuân, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu căn bệnh này để theo dõi quá trình phát triển của con mình nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh cho trẻ nếu có.
Bệnh khó phát hiện
Hội chứng Sanfilippo thường diễn ra trong nhiều năm nên cha mẹ hay người nhà rất khó phát hiện quá trình mắc bệnh của trẻ. Đặc điểm của bệnh là gây suy thoái về thần kinh. Khi sinh ra, trẻ bình thường nhưng theo thời gian nhiều năm, trẻ bắt đầu bộc lộ những triệu chứng như sau:
Trục trặc hành vi, khó ngủ. Trẻ đã từng biết nói, đã đi học được một thời gian, nhưng sau đó lại mất dần các khả năng này. Một số trẻ lại có biểu hiện bị nhiễm khuẩn thường xuyên đường hô hấp. Một số trẻ khác mắc bệnh nặng hơn với dấu hiệu trí não chậm phát triển. Xương của trẻ bị biến dạng và khớp hóa cứng. Trẻ hay bị động kinh. Những bệnh nhi mắc hội chứng Sanfilippo lớn lên có chiều cao bình thường, tóc dày nhưng sợi tóc thô hơn bình thường, cơ thể mọc nhiều lông hơn. Lông mày thường rậm và mọc giao nhau ở giữa. Mũi thường là hếch lên, sống mũi dẹp, bệnh phát ra sớm hay muộn tùy theo từng trẻ.
Ngừa bệnh trọng do thiếu men ở trẻ em
​Sơ đồ di truyền hội chứng Sanfilippo.
Bệnh thường bệnh diễn ra 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn  đầu:  trong độ tuổi chưa đi học, trẻ rất hiếu động, hay phá phách nhưng sự phát triển có thể có lúc lại chậm so với trẻ cùng tuổi. Nếu gặp được bác sĩ có kinh nghiệm mới nghĩ đến bệnh này và cho trẻ thử nước tiểu, thử máu để xác định bệnh. Nhiều trường hợp bệnh gặp ở gia đình đã có con bị bệnh rồi mới chú ý phát hiện bệnh ở những đứa con sau.
 Giai đoạn hai: ở độ tuổi những năm đầu tiểu học, trẻ có biểu hiện hết sức chộn rộn, ngồi không yên và có những hành vi rất nghịch ngợm. Có trẻ ban đêm ngủ rất ít, nhiều trẻ phá phách đủ mọi chuyện, nhai bất cứ vật gì chúng vớ được như cắn tay, nhai quần áo… Tuy nhiên, thời gian này, ngôn ngữ và tri thức của trẻ bị suy giảm dần, nhiều khi cha mẹ thấy không nói chuyện được với con nên phải tìm mọi cách giao tiếp với trẻ. Có trẻ không tập được để dùng nhà vệ sinh. Trong khi có trẻ thì mất khả năng biết đi vệ sinh.
Giai đoạn ba: trẻ tỏ ra chậm chạp, đi không vững, hay té ngã khi chạy hoặc đi, cuối cùng không thể đi được nữa.
Các biểu hiện cần chú ý
Ở những trẻ mắc bệnh này, có một số triệu chứng mà cha mẹ cần quan tâm đặc biệt gồm:
Điếc do tổn thương tai: khi phát hiện trẻ nghe kém hoặc bị điếc, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tai vì tổn thương tai sẽ ảnh hưởng đến giọng nói và cách đáp ứng khi giao tiếp của trẻ. Nếu trẻ bị đau tai sẽ có biểu hiện hung hăng, hay la khóc.
Bệnh về ruột: nhiều trẻ hay bị tiêu chảy không rõ nguyên nhân, người ta cho rằng do hệ thần kinh điều khiển hoạt động của ruột bị tổn thương. Bệnh này có thể biến mất khi trẻ lớn dần, nhưng cũng có thể bị nặng hơn khi uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh khác. Nếu dùng thuốc làm giảm nhu động ruột, có thể thấy đỡ bệnh. Có thể cho trẻ ăn thức ăn có nhiều chất xơ để cải thiện bệnh. Đối với trẻ lớn và giảm hiếu động, cơ yếu đi thì có thể sinh ra táo bón. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước hoặc dùng thuốc xổ.
Động kinh: một số trẻ đến giai đoạn muộn của bệnh bắt đầu bị động kinh nhỏ hay động kinh lớn, bất tỉnh và tay chân co giật.
Hành vi trục trặc: có một số bệnh nhi có hành vi trục trặc, có thể phải dùng thuốc để kiểm soát hành vi của trẻ.
Khó ngủ: phần lớn trẻ bị hội chứng này thường bị khó ngủ.
Phương pháp điều trị
Hiện nay, các nhà chuyên môn chưa tìm ra cách chữa dứt hội chứng Sanfilippo, do đó, việc điểu trị chủ yếu là dùng các phương pháp thay thế các men mà cơ thể trẻ bị thiếu hụt. Có thể dùng phương pháp ghép tủy xương để điều trị. Đây là bệnh do thần kinh rối loạn, vì vậy, các nhà khoa học đang tìm cách đưa men vào não để điều trị hoặc dùng gen di truyền để sửa chữa lại tế bào. Đưa tế bào lành mạnh vào não hay ghép tế bào gốc về thần kinh.
Đối với trẻ mất ngủ, có thể điều trị bằng chất melatonin có vai trò quan trọng trong việc giúp dễ ngủ ban đêm. Melatonin tỏ ra có hiệu quả cho khoảng 3/4 trẻ em bị bệnh này. Khi dùng thuốc, cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ như đi ngủ đúng giờ, tắt đèn trong phòng ngủ. Nếu trẻ bị điếc, điều trị có thể gắn ống thông grommet.
Lời khuyên của bác sĩ
Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu mới biết cách phát hiện sớm hội chứng Sanfilippo để đưa con đi khám và điều trị sớm. Chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ và người thân cần nhẹ nhàng trong lời nói và việc làm đối với trẻ hiếu động quá mức. Người lớn cần chú ý giúp đỡ khi trẻ mất khả năng sử dụng nhà vệ sinh hoặc không biết đi vệ sinh, để tránh cho trẻ khỏi bị nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục do mất vệ sinh. Những trẻ đi lại khó khăn cần sự giám sát của người lớn để tránh trẻ bị té ngã vào những nơi nguy hiểm như bếp lửa, hồ ao...

ThS. Phạm Thanh Xuân

Tại sao có trẻ cứ uống sữa là tiêu chảy

Tiêu chảy ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân hay gặp là trẻ bất dung nạp với đường lactose, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc điều trị tiêu chảy cấp không đúng thường làm giảm lượng men lactase ở nhung mao ruột.
Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc trở thành tiêu chảy mạn tính. Những trẻ này cứ uống sữa vào là tiêu chảy.
Vậy đường lactose là gì?
Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa động vật và các sản phẩm từ sữa. Lactose là nguồn cung cấp đường glucose cho sự hoạt động của não và cơ thể, làm phân mềm, tạo sự vượt trội của các Bifidus và Lactobacillus là những vi khuẩn có lợi, giúp phát triển hệ miễn dịch và tiêu hóa trong cơ thể trẻ. Lactose khi vào đến ruột sẽ chia ra thành đường glucose và galactose nhờ vào một loại men có tên là lactase (tên khoa học là Beta-D-galactosidase hay Lactase-phlorizin hydrolase), men này do các vi nhung mao của ruột tiết ra. Nếu không có hoặc thiếu hụt men này cơ thể sẽ không dung nạp được lactose (gọi là bất dung nạp đường lactose).
Bất dung nạp lactose là trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, đường lactose dư thừa được chuyển thành acid lactic nên khi ăn sữa có đường này trẻ gây ra các triệu chứng như sau: trẻ trướng bụng, sôi bụng, tiêu chảy, đi phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng thường tùy thuộc vào lượng lactose ăn vào nhiều hay ít...
3 nguyên nguyên nhân dẫn đến bất dung nạp lactose
Nguyên phát: đây là nguyên nhân thường gặp nhất của bất dung nạp lactose do thiếu lactase tương đối, xuất hiện ở trẻ em vào những độ tuổi khác nhau trong những nhóm chủng tộc khác nhau.
Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy
Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy
Thứ phát: do tổn thương ruột non sau viêm dạ dày ruột do siêu vi (Rotavirus), trẻ bị bất dung nạp lactose thoáng qua, có thể hồi phục sau khi vấn đề bênh viêm dạ dày ruột đã được giải quyết hoặc trẻ bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến niêm mạc ruột tổn thương, men lactase không sản sinh đủ nên cơ thể trẻ không thể hấp thu được lactose dẫn đến triệu chứng bất dung nạp lactose. Khi ấy sẽ khiến cho tình trạng tiêu chảy kéo dài và trầm trọng hơn, trẻ bị suy dinh dưỡng và khi trẻ bi suy dinh dưỡng thi lượng men lactase càng giảm, vì vậy suy dinh dưỡng và tiêu chay là vòng luẩn quẩn khó giải quyết.
Bẩm sinh: nguyên nhân này rất hiếm gặp, biểu hiện ngay sau sinh do rối loạn nhiễm sắc thể, gây ngăn cản sản xuất men lactase.
Cần làm gì khi trẻ không dung nạp lactose?
Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú, không được kiêng ăn cho trẻ. Tập quán kiêng ăn, giảm ăn là nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn thích hợp sau khi điều trị bằng dung dịch oresol cho trẻ không dung nạp lactose, vì lactose trong sữa mẹ vẫn được hệ tiêu hoá hấp thu khi thiếu men lactasa ruột.
Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột tổn thương trong nhiễm trùng, trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài giảm hơn so với các trẻ tiếp tục bú sữa bò thông thường.
Thường khi bé bị tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến chuyện cho trẻ dùng kháng sinh, hạn chế các thực phẩm giàu dưỡng chất, không cho trẻ uống sữa. Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì như vậy sẽ làm cho trẻ nhanh chóng thiếu hụt các chất dinh dưỡng, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, biện pháp hết sức quan trọng là loại trừ các thực phẩm có chứa lactose, sử dụng sữa đặc chế không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy hẳn. Sau khoảng 1 - 2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể dùng trở lại chế độ ăn trước đó.
Ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy do các nguyên nhân khác, sử dụng sữa lactofree cùng với các thức ăn khác theo tuổi vẫn là biện pháp hữu hiệu để giúp giảm nhanh tiêu chảy. Việc sử dụng sữa lactofree được xem là giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng đủ để trẻ phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung canxi trong chế độ ăn của trẻ ở giai đoạn này vì chế độ ăn không có lastose sẽ ngăn cản sự hấp thu canxi. Bổ sung sữa chua để hỗ trợ đường ruột sản sinh thêm nhiều lactase. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng cho bé. Nếu bé nhạy cảm với những thực phẩm từ sữa, mẹ nên tăng cường những thực phẩm giàu canxi không có nguồn gốc từ sữa như rau xanh, tôm, cua ốc... để bé phát triển xương, răng.
Khi trẻ đang ăn dặm bị tiêu chảy, cần phải tiếp tục chế độ thức ăn bổ sung bình thường với các thành phần dễ tiêu hóa như: cháo gạo, bột gạo, thịt nạc, sữa chua.
Cuối cùng, các bà mẹ cần nhớ khi trẻ bị tiêu chảy là cần phải đưa trẻ tới cơ sở khám bệnh để trẻ được điều trị và được bác sĩ tư vấn kịp thời. Nhập viện muộn là một lý do khiến trẻ mắc chứng không dung nạp lactose thứ phát. Do vậy, phòng ngừa là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi trẻ đã bị hiện tượng không dung nạp đường lactose, giải pháp dinh dưỡng tối ưu với lựa chọn sữa hợp lý sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI

Tăng tiết mồ hôi ở trẻ em

Tăng tiết mồ hôi ở trẻ em có thể là bẩm sinh do cường hệ thần kinh giao cảm, bệnh thường có tính chất gia đình cha hay mẹ bị bệnh thì con cũng có khả năng bị bệnh. Một nguyên nhân khác là bệnh nhân có thể bị bệnh khác như viêm nhiễm đường hô hấpsuy dinh dưỡng… thiếu canxi hoặc các khoáng chất khác.
Tăng tiết mồ hôi ở trẻ em
Bệnh nhân cần đến bệnh viện để khám và đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe bệnh nhân và từ đó có hướng điều trị cụ thể, vì ở trẻ emviệc điều trị phải hết sức cẩn thận nhằm tránh những tai biến và biến chứng nguy hiểm. Ngay cả việc sử dụng thuốc cũng vậy, cần phải đúng chỉ định và đúng liều lượng.

PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam

Tim nhanh kịch phát ở trẻ em: Không còn là nỗi sợ hãi của cha mẹ

im nhanh kịch phát là loại cấp cứu rối loạn nhịp hay gặp nhất ở trẻ em, bệnh thường do căn nguyên bẩm sinh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện tim bất thường. Cơn tim nhanh có thể xuất hiện ở bất cứ tuổi nào, ngay từ thời kì bào thai; nhưng thường biểu hiện sớm trong năm đầu sau sinh.
Cơn tim nhanh kịch phát có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, kéo dài vài phút đến hàng giờ, tái phát nhiều lần. Bệnh thường gây hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và gia đình.
Biểu hiện bệnh khá phức tạp, từ các triệu chứng mơ hồ hoặc không rõ ràng đến tình trạng nguy kịch xuất hiện đột ngột. Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim; nếu không được cấp cứu cắt cơn, trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện như ngất hoặc đột tử.
Thách thức trong chẩn đoán
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào ghi được điện tâm đồ trong cơn tim nhanh. Đây là bằng chứng cực kì quan trọng giúp định hướng chẩn đoán loại cơn tim nhanh và quyết định phương pháp điều trị hợp lý. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến khám bệnh đã hết cơn tim nhanh và điện tâm đồ đã trở về bình thường. Với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị ngày càng tân tiến. Hầu hết các loại tim nhanh kịch phát đã được chẩn đoán và điều trị triệt để.
Tim nhanh kịch phát ở trẻ em: Không còn là nỗi sợ hãi của cha mẹ
Nguyên nhân gây tim nhanh thường gặp ở trẻ em
Dấu hiệu nhận biết ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi): Các triệu chứng để nhận biết cơn tim nhanh ở trẻ nhỏ thường không đặc hiệu và khó xác định. Trẻ thường biểu hiện bú kém, quấy khóc, thở nhanh. Nặng hơn thì ngủ nhiều hoặc lơ mơ, da lạnh và tái, đái ít. Dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất là nhìn vào lồng ngực trước tim hoặc sờ ngực trước tim thấy tim đập nhanh và mạnh, hoặc quan sát vùng cổ hai bên trên xương đòn thấy “phập phồng theo tim đập” rất nhanh, đếm nhịp tim thường thấy tim đập trên 220 lần/phút trong khi nhịp tim bình thường ở trẻ bú mẹ khi nghỉ là dưới 160 lần/phút.
Dấu hiệu nhận biết cơn tim nhanh ở trẻ lớn: Trẻ thường kêu đột ngột có cơn đánh trống ngực hoặc tim đập nhanh khi nghỉ và mất đi đột ngột, tái diễn nhiều lần. Thường có một trong các triệu chứng kèm theo: đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, khó chịu. Một số trường hợp có thể ngất xỉu và hiếm khi đột tử.
Điện tâm đồ trong cơn tim nhanh: Chẩn đoán xác định cơn tim nhanh phải dựa vào bằng chứng điện tâm đồ ghi được trong lúc tim nhanh. Phải phân biệt tim nhanh do bệnh lý loạn nhịp với nhiều tình trạng bệnh lý khác cũng gây tim nhanh, đây là một thách thức đối với hầu hết các bác sĩ nếu không phải chuyên khoa loạn nhịp.
Phần lớn điện tâm đồ làm khi khám bệnh là bình thường: Hầu hết các trẻ khi đến khám thì cơn nhịp nhanh đã hết hoặc không còn triệu chứng như đã gặp. Ghi điện tâm đồ lúc này phần lớn các trường hợp (80%) có hình ảnh điện tim bình thường.
Các phương pháp ghi điện tim chẩn đoán khác: Để ghi được điện tim trong lúc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ tim nhanh, bệnh nhân cần phải được gắn máy ghi điện tim liên tục trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, hoặc mang theo máy ghi điện tim cầm tay, hoặc được cấy máy tự ghi nhịp tim trong cơ thể.
Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống các bệnh viện nhi của cả nước có thể can thiệp điều trị hầu hết các rối loạn nhịp tim ngay từ thời kì sơ sinh. Từ năm 2012 đến nay, hơn 120 bệnh nhi nhịp tim nhanh đã được điều trị thành công và an toàn bằng kĩ thuật can thiệp điều trị bằng sóng cao tần.
Thăm dò điện sinh lý trong buồng tim: Ngày nay, với phương pháp thăm dò điện sinh lý trong tim cho phép chẩn đoán chính xác hầu hết các rối loạn nhịp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp nghi ngờ loạn nhịp tim có triệu chứng nguy hiểm và khi có chỉ định điều trị triệt để bằng can thiệp.
Xu hướng điều trị tim nhanh trên thất
Điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp: Đây là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế: không điều trị được triệt để, uống thuốc hàng ngày, dùng thuốc kéo dài, tác dụng hạn chế (hiện tượng kháng thuốc), tác dụng phụ của thuốc, chi phí đi lại và thăm khám nhiều lần.
Giải pháp điều trị triệt để:
Phương pháp can thiệp điều trị bằng sóng cao tần được lựa chọn hàng đầu đối với người lớn và trẻ lớn cho hầu hết các loại tim nhanh. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, ít tai biến và biến chứng do kĩ thuật. Đây cũng là phương pháp thay thế cho phương pháp phẫu thuật điều trị loạn nhịp trước đây.
Phương pháp can thiệp điều trị được thực hiện bằng sử dụng một hệ thống các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao cùng với 3 dây điện cực được đưa qua da vào mạch máu rồi vào trong tim. Đầu các dây này được gắn các điện cực và được đặt tại các vị trí khác nhau trong tim, thông qua các điện cực đó, sóng điện tim tại từng vùng được ghi lại và phân tích. Thông qua các điện cực đầu dây tiếp xúc với mô tim, dùng máy kích thích tim theo chương trình nhằm tái hiện cơn tim nhanh và phát hiện các đáp ứng điện tim bất thường. Quá trình này được gọi là kĩ thuật “thăm dò điện sinh lý”. Nhờ đó, các bác sĩ đã xác định được nguyên nhân và cách thức gây tim nhanh. Cụ thể: Một dây điện cực đốt triệt được đưa vào trong tim để dò tìm vị trí mô tim bất thường, sau đó, năng lượng được phát ra từ máy phát sóng radio cao tần được truyền đến đầu điện cực này chuyển thành nhiệt lượng làm tổn thương và vô hiệu hóa mô tim bất thường đó. Thủ phạm gây bệnh là 2 đường dẫn truyền xung điện tim bất thường nối giữa tâm nhĩ và tâm thất đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, phải thận trọng cân nhắc vì lí do an toàn và chỉ nên thực hiện ở những trung tâm tim mạch nhi khoa có đầy đủ các trang thiết bị thích hợp cũng như bác sĩ chuyên khoa được đào tạo và có kinh nghiệm trong can thiệp nhịp trẻ em. Trẻ em càng nhỏ, kích thước giải phẫu mạch máu và tim càng nhỏ thì nguy cơ tổn thương càng cao khi làm can thiệp. Hơn nữa, ở trẻ em, các rối loạn nhịp trên bệnh nhi bị tim bẩm sinh, nhất là sau phẫu thuật tim cũng thường gặp, can thiệp trên những bệnh nhân này cũng khó khăn do những thay đổi về cấu trúc của hệ thống tim mạch.

BS. Nguyễn Thanh Hải (BV Nhi Trung ương)

Cách xử trí khi trẻ bị nôn

Nôn và buồn nôn
Trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, tình trạng nôn trớ rất hay xảy ra. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con nôn trớ rất lo lắng, nhất là khi trẻ nôn vọt thành dòng hay nôn cả ra đường mũi. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, trẻ em bị như vậy là hoàn toàn bình thường, nguyên nhân có nhiều, có thể do cơ thể trẻ, cổ họng bị vướng, bị ép ăn.... Nếu là nguyên nhân bệnh tật có thể do virus dạ dày, đường ruột hoặc nặng hơn do ngộ độc thực phẩm....
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Dấu hiệu nào chứng tỏ con bạn đang mất nước
Một trong những việc mà người chăm sóc trẻ cần phải để ý khi trẻ nôn là xem trẻ có bị mất nước hay không. Khi nôn nhiều lần, với lượng lớn, trẻ em rất dễ bị mất nước, so với người lớn, trẻ thường mất nước nhanh hơn. Nếu trẻ có các dấu hiệu như miệng lưỡi khô, mệt mỏi, cáu kỉnh, đi tiểu ít, mỗi lần đi lượng ít, nước tiểu sậm màu.... thì khi đó trẻ đang bị mất nước.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Điều trị mất nước
Để ngăn chặn và làm giảm tình trạng mất nước, cố gắng cho bé uống nước từng chút một. Ngay cả khi uống vào tiếp tục bị nôn, điều đó không có nghĩa là trẻ đã nôn ra hết lượng nước bạn vừa đưa vào. trẻ sẽ hấp thu một ít lượng nước vừa cho bé uống. Nếu có thể hãy cho bé uống dung dịch bù nước oresol hoặc nước có pha chút muối. Sau khi bé nôn, hãy bắt đầu cho bé uống lại ít một, cách vài phút lại cho uống. Cho bé uống đến lúc bé có thể đi tiểu trở lại.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Chế độ ăn với chất lỏng
Cách vài giờ kể từ lần cuối cùng bị nôn hãy cho bé ăn theo một chế độ ăn lỏng, loãng, chúng sẽ dễ dàng được tiêu hóa hơn, đường ruột dễ hấp thu hơn và không bị quá tải. Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống nước hoa quả, kể cả cam quýt, hay uống sữa. Nhiều bậc cha mẹ thấy con nôn, đi ngoài thường kiêng khem quá mức làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, mệt mỏi, thiếu chất dễ dẫn đến mắc bệnh khác.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Thuốc
Khi con em mình bị nôn ói, cha mẹ không nên sốt ruột, tốt nhất nên quan sát để tìm hướng xử lý phù hợp nhất. Nôn trớ thường xảy ra trong một thời gian nhất định, không nhất thiết phải dùng ngay các loại thuốc chống nôn cho trẻ bởi nếu trẻ bị nôn do một loại virus đường ruột chẳng hạn, thuốc sẽ không thể giải quyết vấn đề. Nếu trẻ bị nôn nặng dẫn đến mất nước hãy cho trẻ đi khám bác sĩ ngay để chẩn đoán và điều trị đúng nguyên nhân khiến trẻ bị nôn.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Từ hàng trăm năm nay, ông cha chúng ta thường sử dụng gừng để làm giảm các cơn đau ở dạ dày và đường ruột. Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng gừng có tác dụng rất lên dạ dày, đường ruột và hệ thần kinh nhằm kiểm soát các triệu chứng buồn nôn. Có thể sử dụng nước gừng ấm pha loãng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên uống từng chút một.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Bấm huyệt
Dùng đầu ngón tay ấn mạnh lên huyệt cổ tay và giữ chừng 3 đến 5 phút sẽ hết.
Tư thế bấm huyệt ở cổ tay: dùng ngón tay cái đặt ở mặt trên cổ tay, các ngón còn lại nằm phía dưới. Ấn ngón cái với lực vừa phải lên vị trí giữa hai gân lớn ở mặt trong cổ tay. Kỹ thuật này đã giúp những người buồn nôn giảm nôn. Nó tương tự như phương pháp châm cứu Trung Quốc cổ đại. Có thể dùng cách này chữa chứng buồn nôn tạm thời cho trẻ.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Một đứa trẻ bị nôn trớ cần được chăm sóc y tế nếu:
• Là trẻ dưới 12 tuần tuổi và nôn nhiều hơn một lần.
Cách xử trí khi trẻ bị nôn
• Có dấu hiệu mất nước, hoặc cha mẹ nghi ngờ trẻ đã ăn hoặc uống thuốc gì đó gây ngộ độc.
• Có cử chỉ mất tri giác; có sốt cao, đau đầu, phát ban, cứng cổ, hoặc đau dạ dày
• Có máu hoặc mật trong chỗ nôn ói, hoặc cha mẹ nghĩ rằng trẻ có thể bịviêm ruột thừa
• Khó thức dậy, nhìn ốm yếu xanh xao, đã nôn ói hơn 8 giờ, hoặc nếu bạn đang lo lắng.
Đây là những dấu hiệu của trẻ đã bị bệnh, cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Dương Bạch (Theo WebMD)

Xử trí đúng cách khi bị sặc sữa

Sặc sữa là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây ngừng thở. Nguyên nhân thường là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, cho bú khi trẻ đang khóc, đang ho, sữa mẹ xuống quá nhiều hoặc núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp. Vì vậy cần khẩn trương sơ cứu để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Nhận biết trẻ bị sặc sữa
Khi trẻ đang bú, (hoặc sau bú) đột ngột ho mạnh, sặc sụa, tím tái, khóc thét. Phụ huynh có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng của trẻ, trẻ bị hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng, lúc này phụ huynh nên nghĩ ngay đến tai nạn trẻ bị sặc sữa. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở và có thể tử vong nếu không được xử trí sơ cấp cứu kịp thời.
Xử trí đúng cách khi bị sặc sữa
Sơ cứu đúng cách trẻ bị sặc sữa
Khi trẻ bắt đầu có biểu hiện bị sặc sữa như ho, sặc sụa, tím tái… ngay lập tức cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần xử trí sơ cứu đúng cách theo các bước sau đây:
- Vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải (tay thuận), dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối 2 vú khoảng 1-2 cm. Lặp lại đến 5 - 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.
- Thông đường thở: Dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
- Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở: Có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.
Để phòng ngừa sặc sữa, cha mẹ hoặc người nuôi trẻ cần cho trẻ bú đúng tư thế (bú mẹ cũng như bú bình) và luôn đồng hành với trẻ cho đến khi trẻ kết thúc cữ bú. Đặc biệt, sau khi trẻ bú no không nên đặt trẻ nằm ngay xuống giường hoặc nôi mà người mẹ nên bế trẻ lên, dùng tay vỗ nhẹ vào sau lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) để trẻ có thể “ợ hơi” sẽ tránh tình trạng trẻ nôn, trớ sữa có thể gây hít sặc vào phổi.

Bác sĩ Đinh Thạc

Làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?

Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng vào những ngày lễ Tết, nếu ăn uống không hợp lý rất dễ xảy ra, trong đó đáng quan tâm hơn cả là trẻ em và người cao niên. Bởi vì, hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh (trẻ nhỏ) hoặc đã bị suy giảm (người già). Tuy vậy, rối loạn tiêu hóa không nhất thiết là bệnh lý, nhiều trường hợp không phải bệnh lý.
Nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý?
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa nhưng không phải do bệnh lý, trong đó, đáng chú ý hơn cả là do chế độ ăn uống không hợp lý. Trẻ em hoặc người già, ngay cả người trưởng thành, ăn quá nhiều bữa, mỗi lần ăn quá no, ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm, tinh bột, trong khi đó ăn ít rau quả tươi, có thể bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, ăn không đúng bữa, ăn thức ăn dự trữ của ngày hôm trước hoặc đã để lâu ngày, nhất là trong những ngày Tết, do thức ăn dư thừa qua mỗi bữa ăn sẽ dẫn đến tình trạng hệ men tiêu hóa không sản xuất kịp hoặc không đủ để tiêu hóa thức ăn biểu hiện đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch khó chịu, thậm chí gây phản xạ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng hoặc nát (người lớn), hoa cà, hoa cải, xanh, có bọt, mùi tanh (trẻ nhỏ).
Làm gì khi bị rối loạn tiêu hóa?
Hệ thống kháng thể chưa hoàn chỉnh khiến trẻ nhỏ rất hay bị rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do dùng quá nhiều kháng sinh hoặc dùng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột cho nên men của chúng sản xuất ra bị đình trệ không góp phần vào tiêu hóa thức ăn làm rối loạn tiêu hóa (gọi là loạn khuẩn). Vì vậy, trong những ngày lễ Tết, mỗi gia đình nên có một số thuốc cơ bản để sử dụng khi cần thiết nhưng tuyệt đối không mua kháng sinh dự phòng, trừ trường hợp có đơn thuốc của bác sĩ. Lý do là thuốc kháng sinh rất dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp dùng kháng sinh liều cao kéo dài có thể gây tình trạng tiêu chảy nặng hơn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế, vì vậy, những ngày Tết nếu không biết tự kiềm chế, uống quá nhiều sẽ đau bụng, nôn mửa, thậm chí gây ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa gây nôn, ọe, thậm chí không ăn uống được do rối loạn nội tiết như một số phụ nữ nghén khi mang thai. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn có thể do ăn quá nhanh, thói quen vừa ăn vừa làm việc (vừa ăn vừa đọc báo, xem truyện, xem Ipad...), hoặc ăn nhiều loại gia vị chua cay (ớt, bồ tạt, chanh, dấm,...).
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý gặp vô vàn lý do khác nhau (hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng dạ dày - tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mạn tính...) và nhiều bệnh ngoài đường tiêu hóa nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa (sỏi tiết niệu, bệnh gan mật, tụy tạng, rối loạn thần kinh thực vật,...).
Khi bị rối loạn tiêu hóa nên làm gì?
Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có từng mức độ khác nhau ở mỗi người, vì vậy, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt khi rối loạn tiêu hóa đầy hơi, trướng bụng, nôn kèm theo đau bụng. Trước hết, để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời (nếu do bệnh lý) để đề phòng mắc bệnh cấp tính (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm), thứ đến là được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý bất kể là lứa tuổi nào (nếu rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý).
Làm sao để phòng bệnh?
Chế độ ăn uống hợp lý là vô cùng quan trọng, nhất là trong các ngày vui Tết. Để tránh rối loạn tiêu hóa, nên tránh ăn thức ăn đã để nhiều giờ hoặc đã để qua đêm mà không được bảo quản cẩn thận, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố, không ăn rau sống. Cần tránh xa các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, gỏi).
Các bà nội trợ nên chọn mua thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt (rau quá xanh, thịt quá thẫm màu,…) và nên mua ở các cơ sở cung cấp có uy tín.
Mọi người nên ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều bữa, quá no. Nên ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá. Tránh lạm dụng rượu, nhất là trong các ngày vui tết.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Sử dụng hợp lý và hiệu quả men vi sinh ở trẻ em

Sử dụng men vi sinh cho trẻ giúp trẻ ăn uống ngon miệng và mau lớn, cải thiện những phiền toái của hệ tiêu hóa như: tình trạng bị đầy hơi, trướng bụng, ăn không tiêu, đi tiêu phân lầy nhầy... Tuy nhiên, nếu việc sử dụng men vi sinh cho trẻ chưa đúng chỉ định và cách sử dụng chưa hợp lý đôi khi gây ra “hiệu ứng ngược”.
Hiểu đúng bản chất của men vi sinh
Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO: “Men vi sinh là các chế phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh và tiết độc tố”.
Bản chất của men vi sinh là các vi khuẩn có lợi, do đó những yếu tố quyết định đến chất lượng của men vi sinh được quy định như sau:
Yếu tố đầu tiên để quyết định chất lượng men vi sinh: các chủng loại vi khuẩn có mặt trong loại men đó. Các chủng vi khuẩn này phải được chọn lọc và nhân giống từ các loại vi khuẩn có lợi trong cơ thể người, tác dụng được kiểm nghiệm và chứng minh qua những nghiên cứu lâm sàng có giá trị. Men vi sinh tốt là chế phẩm chứa các vi khuẩn có lợi đã được WHO khuyến cáo bao gồm chủng Lactobacillus, Bacillus, các chủng nấm men thuộc họ Saccharomycetaceae…
Yếu tố quyết định thứ hai: hàm lượng các loại vi khuẩn, các vi khuẩn có lợi chỉ phát huy được tác dụng trong đường tiêu hóa khi hàm lượng tối thiểu đưa vào cơ thể phải đạt từ 107 đến 1010 CFU/g. Nếu loại men vi sinh đang dùng có hàm lượng vi khuẩn có lợi nhỏ hơn con số trên thì hiệu quả tác dụng của loại men vi sinh đó sẽ rất thấp.
Yếu tố quyết định thứ ba: men vi sinh được dùng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ phải thật sự phát huy tác dụng trị liệu trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột thông qua những biểu hiện là các triệu chứng biếng ăn, tiêu chảy, tiêu phân sống, táo bón...
Phân biệt men vi sinh và men tiêu hóa
Một lưu ý rất quan trọng mà các bậc phụ huynh cần chú ý là cần có phải phân biệt rõ ràng giữa men vi sinh và men tiêu hóa để không gây những tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ.
Men tiêu hóa thường được gọi là men sinh học (các enzyme) do cơ thể tiết ra để tiêu hóa thức ăn, cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu. Men tiêu hóa giúp tiêu hóa chất bột đường, chất đạm, chất béo… biến chúng thành đường glucose, các acid amin cần thiết cho cơ thể, acid béo…Việc sử dụng kéo dài men tiêu hóa có thể làm ức chế việc tự sản xuất men tiêu hóa của cơ thể làm cho tình trạng biếng ăn, rối loạn tiêu hóa ở trẻ trầm trọng hơn. Chính vì lý do đó mà men tiêu hóa chỉ được dùng trong một thời gian ngắn, tối đa là khoảng 10 ngày.
Sử dụng hợp lý và hiệu quả men vi sinh ở trẻ em
Men vi sinh được sử dụng thuận lợi và rộng rãi hơn, phụ huynh có thể cho trẻ dùng dài ngày để bù đắp vi khuẩn có lợi cho đường ruột, thiết lập hệ cân bằng nhanh chóng các chủng vi sinh đường ruột. Phụ huynh có thể sử dụng men vi sinh cho trẻ kéo dài từ 2 - 3 tuần nhưng cần tuân thủ theo lời khuyên và chỉ định của bác sĩ điều trị.
Những chỉ định sử dụng men vi sinh ở trẻ
Phụ huynh sẽ bổ sung men vi sinh cho trẻ trong những trường hợp sau:
- Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, kém hấp thu chất dinh dưỡng, trẻ bị còi xương, chậm tăng cân.
- Trẻ bối loạn tiêu hóa kéo dài với các biểu hiện như: tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, trướng bụng, tiêu phân sống, nôn trớ nhiều.
- Trẻ bị chứng bất dung nạp đường Lactose có trong sữa công thức.
Lợi ích của men vi sinh:
Một số chế phẩm men vi sinh không chỉ chứa các chủng vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn bổ sung cho trẻ thêm các nhóm vitamin thiết yếu, các khoáng chất quan trọng như: sắt, kẽm, canxi giúp hỗ trợ trẻ ăn ngon miệng và mau có cảm giác thèm ăn sau khi khỏi bệnh, đem lại tác dụng toàn diện giúp trẻ có đường tiêu hóa khỏe mạnh vì những tác dụng hữu ích sau đây:
- Điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi sinh trong đường ruột.
- Cạnh tranh và tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa.
- Phòng ngừa tiêu chảy và chứng táo bón ở trẻ.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch của hệ tiêu hóa.
- Tăng cường cung cấp các vitamin và một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
- Cải thiện chứng bất dung nạp đường Lactose.
Sử dụng hợp lý và hiệu quả men vi sinh cho trẻ
Sử dụng hợp lý, hiệu quả men vi sinh cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc sau:
Men vi sinh rất dễ bị hủy bởi nhiệt, do đó phụ huynh tuyệt đối không được pha men vi sinh vào nước, cháo hay sữa còn nóng, điều này sẽ làm giảm hoạt lực của men vi sinh vì các vi khuẩn có lợi trong men sẽ bị tiêu diệt đáng kể làm giảm hiệu quả khi sử dụng.
Nếu bác sĩ kê đơn cho trẻ vừa uống kháng sinh vừa bổ sung cho trẻ men vi sinh, phụ huynh nên cho trẻ uống riêng biệt men vi sinh và kháng sinh để không làm mất tác dụng của men vi sinh, tốt nhất nên cho trẻ uống men vi sinh sau khi trẻ uống kháng sinh ít nhất 30 phút.
Mặc dù khi đi qua đường tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột non, môi trường acid ở dạ dày có khả năng phá hủy, tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn, kết quả là số lượng vi khuẩn có lợi tồn tại đến khi có mặt ở đường tiêu hóa dưới bị giảm đi đáng kể, do đó việc sử dụng men vi sinh cho trẻ cần đảm bảo liều lượng “đầy đủ” do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không nên tự ý sử dụng men vi sinh cho trẻ.
Một trong những cách bổ sung men vi sinh tự nhiên và an toàn nhất cho trẻ là cho trẻ ăn yaourt hoặc uống sữa chua theo những khuyến cáo dưới đây:
Bắt đầu tập cho trẻ từ 6 tháng tuổi làm quen với sữa chua hoặc yaourt, lượng sữa chua sẽ tùy theo từng độ tuổi của trẻ. Cụ thể, trẻ từ 6 - 10 tháng tuổi nên tập và cho ăn khoảng 50g sữa chua mỗi ngày, trẻ 1 - 2 tuổi nên ăn khoảng 80g, trẻ trên 2 tuổi ăn 100g, sẽ tương đương một hộp sữa chua.
Ngay cả vào mùa đông lạnh, cha mẹ cũng không nên hâm nóng sữa chua trước khi cho trẻ sử dụng, việc này sẽ làm tiêu diệt, hạn chế tác dụng của vi khuẩn có lợi, làm mất khả năng kích thích tiêu hóa cũng như giá trị dinh dưỡng của sữa chua. Để tránh bé bị viêm họng, cha mẹ có thể bỏ sữa chua ra khỏi tủ lạnh khoảng 10 - 15 phút trước khi cho trẻ ăn hoặc uống.
Sữa chua cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh 6 - 8oC và cho trẻ dùng sau bữa ăn khoảng 30 phút.
ThS.BS. Đinh Thạc (

Những lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ

Đảm bảo thuốc dùng cho trẻ là an toàn
Mặc dù các thuốc không kê đơn không đòi hỏi phải có đơn thuốc của bác sĩ, song chúng vẫn có thể nguy hiểm.
Theo Hội Nhi khoa Mỹ, nhiều nghiên cứu đã có thấy các thuốc điều trị cảm không cần đơn bác sĩ thường là không có tác dụng ở trẻ dưới 6 tuổi và có thể gây ra những tác dụng phụ nặng. Vì thế, cần luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc.
Hiện nay, ngày càng nhiều bác sĩ khuyên cha mẹ sử dụng các phương thuốccổ truyền để thay thế (uống nhiều nước, nghỉ ngơi và các biện pháp không dùng thuốc).
Vì thế tốt nhất hãy luôn hỏi bác sĩ hoăc dược sĩ xem một thuốc cụ thể nào đó có an toàn không. Ví dụ, nếu bé bị cảm lạnh, cúm hoặc thủy đậu, tuyệt đối không cho bé dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa aspirin hoặc các salicylate (bao gồm ibuprofen và Pepto-Bismol), vì chúng có thể gây một chứng bệnh hiếm gặp nhưng chết người là hội chứng Reye.
Trong trường hợp này acetaminophen (Tylenol) là thuốc thay thế an toàn hơn.
Cũng vậy, một số công thức thuốc ho và cảm lạnh có chứa cồn, chất mà bác sĩ không khuyên dùng.
Giống như với các thuốc kê đơn, hãy hỏi kỹ bác sĩ những điều sau trước khi ra về:
- Đây là thuốc gì, và để làm gì?
- Thuốc có ảnh hưởng đến những thuốc khác mà bé đang dùng không?
- Bé cần uống thuốc bao nhiêu lần một ngày, và trong thời gian bao lâu?
- Thuốc có thể có những tác dụng phụ gì và những tác dụng phụ gì đáng lo ngại?
- Nếu bé quên mất một liều thì sao?
- Bao lâu sau thì triệu chứng sẽ cải thiện?
- Có loại thuốc gốc nào hiệu quả tương đương mà rẻ tiền hơn không?
Khi mua thuốc, hãy xem kỹ trước khi rời khỏi nhà thuốc. Đó có phải là thứ thuốc bạn mường tượng không – loại viên nhai mà bác sĩ kê đơn chứ không phải là viên nang? Cũng cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc. Nếu có bất kỳ điều gì chưa rõ? Hãy hỏi dược sĩ hoặc hỏi lại bác sĩ.
Chọn dụng cụ đong thuốc đúng
Các thuốc dạng dung dịch thường đi kèm với cốc, thìa hoặc bơm để đảm bảo bạn cho trẻ uống đúng lượng thuốc đã định. Luôn sử dụng dụng cụ đong đi kèm với thuốc.
Chúng chính xác hơn nhiều so với thìa ăn, có thể rất khác nhau về kích thước và khiến cho việc đong thuốc trở nên không nhất quán và không chính xác. Nếu bị mất dụng cụ đong thuốc, bạn có thể sử dụng dụng cụ đong của một thuốc khác hoặc mua đồ thay thế ở nhà thuốc. (Hãy đảm bảo là dụng cụ mới có đánh dấu đơn vị mà bạn cần, như ml, thìa cà phê hoặc cả hai.)
Cốc đong Dùng cho trẻ lớn có thể uống thuốc bằng cốc mà không bị đổ, những cốc này có đánh số bên cạnh để giúp bạn đổ đúng lượng thuốc cần thiết. Hãy đong thuốc bằng cách đặt cốc trên mặt phẳng ngang tầm mắt.
Thìa đong dụng cụ này trông giống một ống nghiệm có thìa ở đầu và dùng tốt nhất cho những bé có thể uống bằng cốc, nhưng dễ bị đổ ra ngoài. Để thìa ở ngang tầm mắt khi đong thuốc, sau đó cho trẻ uống từ thìa.
Ống nhỏ giọt dành cho những bé chưa uống được bằng cốc. Sau khi đong thuốc với dụng cụ để ngang tầm mắt, hãy nhỏ thuốc vào miệng trẻ thật nhanh vì thuốc có thể bị rớt ra.
Bơm thuốc dụng cụ này cho phép bạn phun thuốc vào phía sau miệng của bé, nơi bé khó nhè ra nhất. Một số bơm thuốc có nắp ở đầu để ngăn không cho thuốc chảy ra. Những nắp này có thể gây sặc, vì thế cần đảm bảo tháo nắp ra trước khi đưa bơm thuốc vào miệng bé.
Nghiên cứu cho thấy các bậc phụ huynh thường đong thuốc chính xác nhất bằng bơm hơn là bằng cốc. Vì thế khi liều thuốc chính xác thực sự là một vấn đề, thì trước tiên hãy đong bằng bơm và sau đó cho thuốc vào cốc, nếu bé thích uống cốc hơn.
Khi nào cần vứt bỏ thuốc cũ?
Khi nào cần vứt bỏ thuốc cũ?
Nếu bạn cũng giống như rất nhiều phụ huynh khác, thì các loại thuốc cũ và thuốc thừa còn lại sau mỗi đợt bé ốm đang chiếm khá nhiều chỗ trong tủ thuốc. Cần vứt bỏ những gì:
- Hãy vứt hết tất cả những thuốc cũ mà bạn không dùng nữa hoặc đã hết hạn, cộng với những sản phẩm đã lỗi thời như si rô ipecac (không được Hội Nhi khoa Mỹ khuyên dùng), nhiệt kế thủy ngân (có thể vỡ và khiến bé tiếp xúc với thủy ngân), ô xi già (tốt cho giặt tẩy, nhưng xà phòng làm sạch vết thương tốt hơn), aspirin cho trẻ em (có thể gây hội chứng Reye), cùng các thuốc trị ho và cảm lạnh không cần đơn dành cho trẻ dưới 6 tuổi (không được FDA Mỹ khuyên dùng).
- Vứt bỏ tất cả các thuốc kháng sinh cũ. Luôn đi khám bác sĩ nếu bé có những triệu chứng mà bạn nghĩ là cần điều trị kháng sinh. Việc bác sĩ nhi khoa sẽ quyết định bé có cần dùng kháng sinh không là rất quan trọng. Dùng kháng sinh khi không cần thiết, dùng sai kháng sinh hoặc dùng sai liều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons