Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Phòng ngừa rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên

Rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên thường xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, ở thành thị cao hơn nông thôn; tỉ lệ này ở nước ta trước đây chiếm khoảng 3,7% và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Nên chủ động có các biện pháp phòng ngừa.
Rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên được xác định qua các động thái thường gặp trong cuộc sống đời thường hàng ngày như: tự ý bỏ nhà qua đêm và ở lại đêm tại nơi khác ngoài gia đình mặc dù cha mẹ cấm đoán, không cho phép; bắt đầu trước tuổi 13 đã thường bỏ nhà qua đêm ít nhất 2 lần hoặc 1 lần không trở về nhà trong thời gian dài ngày và hay bỏ trốn học ở trường... Đồng thời, có thể có có các rối loạn hành vi nặng hơn như: gây bạo lực, gây thương tích, đâm chém nhau, càn quấy, trộm cắp, cướp giật, tụ tập đua xe máy mạo hiểm trên đường phố đông người, nghiện ma túy; chống đối người thi hành công vụ, người có chức trách... Các hành vi này thường lặp đi lặp lại và kéo dài, ít nhất là trong thời gian 6 tháng.
Nguyên nhân gây rối loạn hành vi
Ban đầu là do thanh thiếu niên bắt chước hành vi không đúng đắn, chuẩn mực của người lớn như cha mẹ, anh chị, thầy cô... với những hành vi cư xử ngược đãi người khác; ngược đãi người già, phụ nữ, trẻ em; có hành động đánh nhau, sử dụng bạo lực đối với người khác... Thực tế hiện nay, rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên còn có nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn của phim ảnh, sách báo; văn hóa phẩm có nội dung bạo lực, bạo dâm, đồi trụy... Đồng thời cũng do ảnh hưởng của bạn bè, băng nhóm, phe phái... từ những thanh thiếu niên lớn tuổi hơn nhưng có phẩm chất đạo đức yếu kém lôi kéo, dẫn dắt, xúi giục, sai khiến, ám thị... Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là do stress xảy ra ngày càng nhiều trong cuộc sống đời thường hiện nay.
Rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng gia tăng
Rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng gia tăng
Biểu hiện và diễn biến rối loạn hành vi
Biểu hiện rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên được thể hiện qua các hành động như: càn quấy, bắt nạt, đe dọa, dùng sức mạnh áp chế, uy hiếp người khác yếu thế hơn; dùng các loại hung khí gồm gậy gộc, gạch đá, mảnh chai sắc nhọn, dao, búa, súng, gươm... để gây gổ, gây thương tích cho người khác. Đồng thời có hành vi độc ác, thô bạo, hành hạ người khác cũng như hành vi độc ác, hành hạ các loại súc vật. Ngoài ra, còn biểu lộ những hành vi khác như: trộm cắp, cướp giật có sử dụng hoặc không sử dụng hung khí; lừa đảo, tống tiền; gây ra vụ cháy, nổ; cưỡng dâm, phá hoại tài sản của người khác...
Diễn biến rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên thường tiến triển tùy theo các mức độ ảnh hưởng. Khi bị rối loạn hành vi ở mức độ nhẹ, nếu thanh thiếu niên có môi trường giáo dục tốt thì tình trạng rối loạn sẽ thuyên giảm theo thời gian. Đối với những trường hợp rối loạn hành vi ở mức độ nặng sẽ có khuynh hướng trở thành mãn tính. Thực tế ghi nhận những thanh thiếu niên khó thích ứng với môi trường xã hội, có rối loạn hành vi xuất hiện sớm thì đến tuổi trưởng thành các hành vi này vẫn được tiếp tục duy trì; một số trường hợp có thể có các hoạt động xã hội thích hợp nhưng vẫn tiếp tục có những hành vi phạm pháp. Có những thanh thiếu niên có rối loạn hành vi nhưng khi đến tuổi trưởng thành có thể thích ứng hòa nhập cộng đồng xã hội và có hoạt động nghề nghiệp với mức độ vừa phải.
Biện pháp xử trí và cách phòng ngừa
Việc xử trí rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên được thực hiện bằng nhiều biện pháp phối hợp để giải quyết những vấn đề về gia đình, rối loạn hành vi cá nhân và các tác động ảnh hưởng khác.
Đối với gia đình, thanh thiếu niên có rối loạn hành vi nặng thường sống trong gia đình có môi trường sinh hoạt phức tạp. Vì vậy, biện pháp xử trí là cần phải có sự điều chỉnh, thu xếp, giải quyết những mối quan hệ có liên quan; tạo lập lại không khí và môi trường lành mạnh, bình thường trong phạm vi nội bộ gia đình trước khi giải quyết các rối loạn hành vi cá nhân của thanh thiếu niên.
Đối với rối loạn hành vi cá nhân, việc xử trí điều chỉnh hành vi có ý nghĩa quan trọng trong các trường hợp thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi nặng. Phải thực hiện các biện pháp cần thiết với sự tham gia vào việc tạo dựng một môi trường gia đình tích cực, lành mạnh; trong đó vai trò chủ đạo chính là của cha mẹ và những người thân.
Đối với các tác động ảnh hưởng khác, việc xử trí cần chú ý đến môi trường học tập, tâm lý cá nhân, tâm lý nhóm, quản lý tập trung và ngay cả việc sử dụng thuốc men nếu cần. Môi trường học tập của thanh thiếu niên rối loạn hành vi cần có sự hợp tác tốt giữa gia đình và nhà trường, có sự tiếp xúc giữa giáo viên và cán bộ tư vấn, nhà tâm lý học để nhà trường hiểu rõ hơn về nhu cầu của thanh thiếu niên và gia đình. Tâm lý cá nhân là biện pháp được sử dụng trong thực hành chữa bệnh tâm thần nhưng thường ít kết quả trong xử trí trường hợp rối loạn hành vi. Thực tế thanh thiếu niên ít muốn hoặc không muốn được áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu vì hiếm khi thấy phàn nàn về vấn đề hiện tại và thường thỏa mãn về những hành vi của mình. Tuy vậy, có một ít thanh thiếu niên lo lắng, muốn được sửa đổi cách sống của mình và trường hợp này biện pháp tâm lý cá nhân có thể có hiệu quả. Tâm lý nhóm cũng là một biện pháp nâng cao khả năng tự đánh giá của thanh thiếu niên, tạo cơ hội để thực hành các kỹ năng sinh hoạt xã hội như vui chơi, đóng kịch, các hình thức nghệ thuật khác... Việc quản lý tập trung tại các cơ sở trung tâm thường áp dụng cho những thanh thiếu niên bị rối loạn hành vi nặng nhưng kết quả mang lại không được như mong muốn; kết quả tốt nhất được sử dụng tại các trung tâm là thực hiện những biện pháp hành vi tích cực và cần phải kết hợp với gia đình, hướng dẫn cho cha mẹ nguyên tắc xử trí rối loạn hành vi, các biện pháp thực hành áp dụng tại gia đình; tạo cho gia đình có một môi trường thực sự tốt và lành mạnh, kiểm tra và giám sát được hành vi của thanh thiếu niên. Việc sử dụng thuốc men trên thực tế không có ý nghĩa trong điều trị rối loạn hành vi của thanh thiếu niên trừ trường hợp có mắc bệnh động kinh kết hợp thì phải dùng thuốc để điều trị bệnh; cần tư vấn giải thích cho thanh thiếu niên và gia đình hiểu rõ là việc dùng thuốc không thể giải quyết được tình trạng rối loạn hành vi.

Phòng ngừa rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên có hiệu quả tốt nhất được thực hiện bằng biện pháp chủ yếu là loại trừ, hạn chế sự hiện diện và tồn tại của các nhân tố độc hại xảy ra hàng ngày trong môi trường sống ở chung quanh thanh thiếu niên; đặc biệt và quan trọng nhất là môi trường gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội. Muốn thực hiện được các biện pháp này, đòi hỏi phải có sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc đối tượng thanh thiếu niên của tất cả mọi người trong gia đình, trường học và cộng đồng xã hội. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể có liên quan để phát huy tinh thần trách nhiệm giải quyết một vấn đề phổ biến, bức xúc, nhạy cảm, phức tạp và ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội đang phát triển hiện nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons