Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Thời tiết thất thường, 60% bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi

Nằm ghép vì nhập viện tăng quá nhanh
Đến khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) cnhững ngày gần đây, hai bệnh chiếm đại đa số trẻ em phải nhập viện điều trị là viêm phổi và tiêu chảy, trong đó viêm phổi chiếm tới 60% số bệnh nhi nhập viện. Nguyên nhân là do kiểu thời tiết sáng sớm, chiều tối lạnh, trưa nóng....
Cụ thể, tại thời điểm này, đang có 110 bệnh nhi điều trị nội trú nhưng khoa Nhi chỉ có 60 giường bệnh. Số khám ngoại trú cũng tăng mạnh với hơn 200 bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Cá biệt, ngày Chủ nhật (25/1) chỉ có 2 bác sĩ trực nhưng đã phải “vật lộn” khám cho khoảng 140 bệnh nhi, trong đó số nhập viện là 10 cháu và đại đa số là viêm phổi.
Các bác sĩ hội chẩn một ca viêm phổi nặng phải thở máy. Ảnh: H.Hải
Các bác sĩ hội chẩn một ca viêm phổi nặng phải thở máy. Ảnh: H.Hải
“Thực sự là một ngày trực rã rời chân tay vì khám, khám và khám bệnh. Bệnh nhi đến khám đại đa số là sốt, ho, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và nhiễm vi rút đường tiêu hóa gây sốt, nôn”, Bác sĩ Nguyễn Đông Hải, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng chia sẻ.
“Chỉ định nhập viện được đưa ra rất ngặt nghèo vì số bệnh nhi quá đông, nên hầu hết số ca nhập viện là nặng. Cả khoa có 10 máy thở thì đã phải sử dụng 9 máy, chỉ còn 1 máy dự phòng cấp cứu. Với kiểu thời tiết này, trong 1-2 ngày tới, bệnh nhi sẽ còn tăng lên”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) nhận định.
Theo TS Dũng, bệnh viêm phổi thường tăng bắt đầu từ thời điểm chuyển mùa thu đông, xen kẽ những đợt nóng “đổ mồ hôi” như hiện nay.
“Đã thành quy luật, thời tiết cứ đang lạnh lại trở nóng là trẻ dễ mắc viêm phổi. Nguyên nhân là khi trời rét, các gia đình luôn chú tâm đến việc chống rét cho con, mặc nhiều quần áo. Khi trời ấm lên, như nhiệt độ của ngày 27/1 lên đến 25-26 độ C nhưng chắc chắn, không một bố mẹ nào dám cho con mặc áo ngắn tay, thậm chí vẫn áo chùm, áo đụp vì sợ trẻ rét. Trong khi thực tế, trẻ mặc một áo thu đông mỏng cũng tuốt mồ hôi nhất là khi chạy nhảy. Mồ hôi ra thấm vào lớp quần áo, thấm trở lại cơ thể nên trẻ bị nhiễm lạnh, rất dễ bị đường hô hấp rồi biến chứng viêm phổi”, TS Dũng nói.
Học cách đếm nhịp thở của trẻ dưới 6 tháng tuổi
ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, cho biết: Trong đợt này, đối tượng viêm phổi nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng. Nhiều bà mẹ rất thảng thốt, không tin vào tai mình khi bác sĩ chỉ định con nhập viện vì viêm phổi. Bởi vừa sáng trẻ còn chơi, bú tốt, chiều thấy con mệt lả đi viện khám thì đã là viêm phổi”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khám cho một bệnh nhi viêm nặng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khám cho một bệnh nhi viêm nặng. Các ca bệnh trẻ dưới 6 tháng tuổi diễn biến từ viêm đường hô hấp sang viêm phổi rất nhanh. Ảnh: H.Hải
BS Nam cho biết, trẻ nhỏ dưới 6 tháng sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ lớn. Hơn nữa, viêm phổi ở trẻ nhỏ cũng không biểu rầm rộ như ở trẻ lớn (sốt, ho, khó thở...) mà ít có dấu hiệu điển hình, có những trẻ thậm chí còn không sốt, không ho nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn.
Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ rất kỹ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường), quấy khóc thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ.
Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan nhịp thở của trẻ.
Theo TS Dũng khẳng định, để phát hiện viêm phổi trẻ em, việc quan sát, “đếm” nhịp thở là quan trọng nhất.
Trẻ dưới 2 tháng tuổi được cho là thở nhanh khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.
Cách đếm nhịp thở đơn giản nhất là cho trẻ nằm yên, không cho bú và tốt nhất là khi bé ngủ. Người lớn đặt tay trên ngực bé hoặc quan sát bằng mắt. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp.
Trẻ nhỏ khi đang bị bệnh, mẹ hãy quan sát nhịp thở con ngày ít nhất 3 lần, nếu thấy di động lồng ngực nhanh hơn, thở nhanh hơn bình thường đã có dấu hiệu viêm phổi, còn nếu đến mức thở rút lõm sâu lồng ngực thì đã viêm phổi nặng.
Thời tiết này còn kéo dài, sẽ còn nhiều bệnh nhi viêm phổi nhập viện. Vì thế, hãy chú ý chăm sóc trẻ để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, bằng cách giữ ấm đúng cách cho trẻ. Khi đi đường cần mặc thêm áo tránh gió (tùy theo nhiệt độ mà mặc nhiều hay ít), đeo khẩu trang. Còn đến lớp, trong nhà, trẻ chỉ cần mặc một áo thu đông mỏng.
Có nhiều trẻ đang ốm, bố mẹ ủ khi đến viện khám, bác sĩ sờ vào người trẻ nóng phừng phừng, thậm chí thấm đẫm mồ hôi. Thân nhiệt trẻ còn cao hơn người lớn, trẻ lại vận động nhiều, vì thế, người lớn mặc sao hãy cho con trẻ mặc vậy, không nhồi nhét quá nhiều quần áo trẻ vì ấm quá mà đổ bệnh”, BS Nam nói.
Bên cạnh đó, thời điểm giao mùa này cha mẹ không nên đóng kín cửa cả ngày, nhà cửa cần phải mở cửa để lưu thông khí; tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và bếp than.
Trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ bú sữa mẹ, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng; Tiêm phòng đúng lịch cho trẻ...
Hồng Hải

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons