Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Cách phát hiện cúm ở trẻ nhỏ

Bệnh cảm cúm thông thường là một nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra bởi một trong hơn 100 loại virut. Các virut có thể gây ra cảm cúm ở trẻ bao gồm Enterovirus và Coxsackievirus. Khi trẻ đã bị nhiễm loại virut nào, bé sẽ có miễn dịch với virut đó. Nhưng vì có quá nhiều virut gây cảm cúm, nên bé vẫn bị mắc bệnh cảm cúm vài lần trong 1 năm và nhiều lần trong cuộc đời.
Vì sao trẻ nhỏ mắc cảm cúm?
Em bé có thể bị nhiễm virut trong các trường hợp: qua không khí, khi một người nào đó bị bệnh cảm cúm ho, hắt hơi hoặc nói làm bắn virut ra không khí và em bé hít phải; do lây trực tiếp: khi người bệnh chạm miệng, mũi của mình vào miệng hoặc mũi của em bé, hoặc chạm vào bàn tay của bé, sau đó bé dụi mắt hay đưa tay lên miệng mà nhiễm bệnh; một số virut có thể sống trên bề mặt đồ vật trên 2 giờ, em bé có thể nhiễm virut bằng cách chạm vào một bề mặt đồ vật bị ô nhiễm như gối, chăn, đồ chơi, quần áo...
Cách phát hiện cúm ở trẻ nhỏ
Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ dễ ho, tống đờm và dịch tiết, giúp thông thoáng mũi họng.
Phát hiện cảm cúm ở trẻ nhỏ
Các dấu hiệu cảm cúm thông thường ở trẻ nhỏ là: mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi. Chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, sau đó nước mũi thường trở nên đặc hơn và biến thành màu vàng hoặc màu xanh.
Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý phát hiện và đưa con đi khám bệnh kịp thời nếu thấy các triệu chứng: trẻ sốt trên 38,9oC trong 1 ngày; dường như bé bị đau tai hay khóc và cọ bên tai đau xuống gối; mắt màu đỏ hoặc màu vàng, xuất hiện rỉ mắt; trẻ có ho kéo dài hơn một tuần; nước mũi đặc, vàng hoặc xanh trong hơn hai tuần; bé biếng ăn; ho, buồn nôn hoặc nôn; da thay đổi màu da. Trẻ có thể bị ho ra máu ít hoặc máu có lẫn trong đờm; bé khó thở hoặc là xanh tái ở niêm mạc môi và miệng.
Các biến chứng do cúm
Trẻ nhỏ bị cảm cúm nếu không được phát hiện và điều trị tích cực có thể dẫn đến một số biến chứng như sau:
Viêm tai giữa: khoảng 5-15% trẻ em cảm cúm sẽ dẫn đến một nhiễm khuẩn ở tai. Bệnh viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virut xâm nhập vào khoang tai phía sau màng nhĩ. Khi đó trẻ có biểu hiện thở khò khè; sốt; đau tai với dấu hiệu trẻ hay khóc, lắc đầu, cọ tai xuống gối; nặng hơn thấy chảy mủ tai...
Viêm xoang: nếu trẻ bị cảm cúm thông thường mà không được điều trị có thể dẫn đến viêm xoang. Đây là bệnh nhiễm khuẩn thứ cấp. Trẻ có dấu hiệu: đau trong xoang nên quấy khóc nhiều, có thể có sốt, kém ăn, khó ngủ...
Ngoài ra trẻ có thể bị viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản và thanh quản. Các bệnh lý này phải do bác sĩ khám và chẩn đoán.
Chăm sóc và điều trị cho bé
Đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh cảm cúm. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng cho bé. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virut cảm cúm. Cha mẹ hay người chăm sóc trẻ có thể giúp cải thiện triệu chứng cho bé như: hút đờm, nước mũi ra để làm thông thoáng đường hô hấp cho trẻ dễ thở. Nếu trẻ sơ sinh có cơn sốt 38oC hoặc cao hơn và có vẻ khó chịu, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt acetaminophen với liều lượng thích hợp với độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc ibuprofen có thể dùng với trẻ trên 6 tháng tuổi. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin bởi vì nó có thể kích hoạt hội chứng Reye gây tử vong. Không cho trẻ sơ sinh uống các chế phẩm ho cảm, vì các chế phẩm này không giúp cải thiện bệnh mà còn có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Làm loãng đờm nhầy bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ dễ ho khạc đờm ra ngoài, giúp thông thoáng mũi họng. Hút mũi của bé bằng cách dùng miệng hút trực tiếp, hoặc dùng dụng cụ chuyên dụng để hút nước mũi cho bé mỗi khi bé hắt hơi hoặc chảy nhiều nước mũi. Làm ẩm không khí: dùng máy tạo độ ẩm trong phòng của bé có thể giúp cải thiện triệu chứng chảy nước mũi và nghẹt mũi. Cho bé xông nước ấm để tránh khô nẻ niêm mạc mũi, miệng.
Cần cho bé ăn uống đầy đủ, nhất là phải uống đủ nước để tăng đào thải virut ra khỏi cơ thể và để tránh mất nước. Nếu mẹ đang cho bú, cần cho trẻ bú đầy đủ như lúc trẻ còn khỏe. Bởi ngoài chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn cung cấp thêm miễn dịch bảo vệ trẻ chống lại virut gây cảm cúm.
Phòng bệnh cho bé
Cảm cúm thường lây lan qua các giọt nước bọt nhỏ từ người bệnh khi họ ho hoặc hắt hơi vào không khí. Vì vậy cần tránh cho người bệnh tiếp xúc với trẻ hoặc không nên ở chung phòng với trẻ. Cần cho trẻ uống nhiều nước và rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Người lớn cần rửa tay trước khi cho trẻ ăn hay chăm sóc cho em bé. Luôn làm sạch đồ chơi của bé và núm vú của bình bú sữa.

BS. Đinh Lan Anh

Cách vệ sinh khi mũi trẻ bị viêm

Trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm mũi) là do cấu tạo của tuyến hạnh nhân mũi (VA) thường to, khi viêm sẽ sưng lên, gây bít tắc đường thở; do khả năng căng to hoặc nhỏ lại của cuốn mũi tuỳ theo nhiệt độ môi trường rất kém nên nhiệt độ không khí không được làm ấm lên khi vào phổi khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp.
Khi trẻ bị viêm mũi, việc vệ sinh mũi cho trẻ nếu không biết cách sẽ khiến các thuốc khó ngấm vào, hiệu quả điều trị giảm đi đáng kể, thậm chí còn làm bệnh tái đi tái lại, rất khó điều trị. Vệ sinh mũi là làm sạch toàn bộ đường mũi, chứ không phải là chỉ dùng tăm bông lấy rỉ mũi ở phía ngoài. Cách làm sạch mũi tốt nhất là rửa mũi bằng nước muối sinh lý natri clorid 0,9%. Nhiệt độ nước trước khi bơm vào mũi bé phải đạt 34-37oC. Lấy từ 1-1,5ml nước, bế trẻ nửa nằm, nửa ngồi, bơm hết nước vào 1 bên mũi, rất nhanh ngậm miệng kín 2 lỗ mũi của cháu và mút thật mạnh, dài hơi (nếu dùng các ống hút mũi thì phải bịt bên mũi kia lại). Sau đó làm tương tự ở bên kia. Phải hút từ 7-10 lần thì dịch nhầy nằm ở mũi sau mới ra được. Sau khi rửa mũi cho cháu xong không còn tiếng khụt khịt nữa mới được, nếu còn khụt khịt là không đúng. Với các cháu còn bé, rửa khi bé ngạt mũi nhiều và trước khi bé đi ngủ.
TS. Minh Khoa

Nhận biết và xử trí viêm ruột thừa ở trẻ em

Bác sĩ Tô Mạnh
Ruột thừa là một cơ quan nhỏ như ngón tay dính với ruột già nằm ở phía dưới bên phải của ổ bụng. Bên trong ruột thừa hình thành một túi cùng thường mở ra vào ruột già. Khi hoạt động mở của chiếc túi cùng này bị cản trở, ruột thừa sưng lên và có thể dễ bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn.
Nếu ruột thừa bị nhiễm trùng không được cắt bỏ, nó có thể vỡ và truyền vi khuẩn đi, gây nhiễm trùng khắp vùng bụng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Viêm ruột thừa thường ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt trẻ trong độ tuổi 11-20. Phần lớn các ca bệnh xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10. Những trẻ mà tiền sử gia đình có người bị viêm ruột thừa có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này, đặc biệt ở bé trai.
Viêm ruột thừa không phải là nguyên nhân thường gây ra đau bụng, nhưng các bậc cha mẹ có khuynh hướng lo lắng nhiều về chứng bệnh này khi nó xảy ra với trẻ. Điều quan trọng là phải biết cách nhận ra các dấu hiệu của căn bệnh này và phân biệt nó với bệnh đau dạ dày để trẻ được chăm sóc y tế thích hợp.
Nhận biết và xử trí viêm ruột thừa ở trẻ em
Không có cách nào để ngăn ngừa viêm ruột thừa. Nhưng với các phương pháp kiểm tra và xét nghiệm tinh vi hiện nay, cùng với kháng sinh, hầu hết các trường hợp bệnh viêm ruột thừa có thể được xác định và điều trị mà không gây biến chứng.
Các triệu chứng của viêm ruột thừa: Các triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, đau xung quanh rốn, và có thể đi kèm với nôn mửa, tiêu chảy hay táo bón...
- Đau bụng dữ dội, đặc biệt vùng quanh rốn hay vùng bụng dưới bên phải (cơn đau có thể bắt đầu xuất hiện rồi hết, sau đó trở thành cơn đau kéo dài và đau nhói).
- Sốt nhẹ.
- Không muốn ăn.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Tiêu chảy (đặc biệt tiêu ít và có nước nhầy).
- Thường xuyên đi tiểu và/hoặc cảm thấy nặng bụng buộc phải đi tiểu.
- Bụng sưng hoặc trương lên, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Nếu viêm ruột thừa không được điều trị thì ruột thừa bị viêm có thể vỡ trong vòng 24 đến 27 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu ruột thừa bị vỡ, cơn đau ở trẻ có thể lan ra khắp vùng bụng và trẻ có thể bị sốt rất cao.
Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa, hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc cho trẻ ăn hay uống thứ gì.

Điếc ở trẻ em và cách tầm soát

Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc ở trẻ em. Theo PGS.TS. Lâm Huyền Trân - Đại học Y Dược TP.HCM, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh phát hiện sớm điếc bẩm sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện gần như bình thường so với những đứa trẻ khác.
Viêm tai giữa là thủ phạm chính
PGS. Lâm Huyền Trân cho biết, bộ máy nghe ở con người là một hệ thống phức tạp truyền tải và xử lý âm thanhÂm thanh từ môi trường được thu nhận ở tai ngoài qua ống tai đến màng nhĩ và tạo ra sự rung động của màng nhĩ. Sự rung động này tạo nên một năng lượng dẫn truyền qua chuỗi xương con đến cửa sổ bầu dục tác động lên lớp dịch bên trong ốc tai làm các tế bào lông bị rung động. Sự rung động của các tế bào lông sẽ tạo nên một xung động truyền đến vỏ não. Tại đây thông tin sẽ được hệ thống thần kinh tiếp nhận và xử lý để tạo ra đáp ứng của cơ thể phù hợp với âm thanh vừa nhận được. Bình thường ngưỡng nghe của con người là 0db và ở tần số 500 - 4.000Hz. Khả năng nghe sẽ bị ảnh hưởng nếu bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình tiếp nhận và xử lý âm thanh này bị giới hạn hay gián đoạn.
Theo định nghĩa của Chương trình tầm soát thính lực trẻ sơ sinh toàn cầu (UNHS) do Hiệp hội Nghe trẻ em (JCIH) đưa ra: “Điếc là tình trạng ngưỡng nghe trung bình 30 - 40db hoặc hơn ở những tần số thuộc quan trọng trong giao tiếp bằng lời dẫn truyền hay tiếp nhận ở một hay cả hai bên tai”. Có nhiều cách để phân loại điếc khác nhau dựa trên bất thường cấu trúc giải phẫu, mức độ tổn thương hoặc giai đoạn điếc được phát hiện hay tiến triển. Giảm thính lực có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai.
Trên thực tế, bác sĩ thường phân loại đơn giản như điếc nhẹ: dưới 39db, điếc vừa: từ 40 - 69db, điếc nặng: từ 70 - 94db, điếc sâu: trên 95db. Hay phân loại điếc dựa vào thời điểm xuất hiện: điếc bẩm sinh (trẻ mới sinh ra đã bị điếc), điếc tiến triển (thính lực giảm từ từ), điếc xuất hiện muộn (thính lực giảm sau một giai đoạn hoàn toàn bình thường) và điếc mắc phải (thường do tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ như: tiếng ồn, động cơ, thuốc…).
Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc trẻ em. Nhóm nguyên nhân này thường gây giảm thính lực khoảng 20 - 50db. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, thính lực sẽ trở về bình thường trong đa số các trường hợp. Cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có 1 - 2 trẻ điếc tiếp nhận ở mức độ nặng hay rất nặng. Trẻ sinh ra phải nằm lại ở khoa săn sóc đặc biệt có nguy cơ điếc cao gấp 10 lần so với trẻ bình thường.
Điếc ở trẻ em và cách tầm soát
Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc trẻ em
Phát hiện sớm điếc bẩm sinh
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh: phát hiện sớm điếc bẩm sinh đặc biệt trong 6 tháng đầu đời và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện bình thường so với những đứa trẻ khác. Trước đây việc tầm soát nghe kém chỉ thực hiện trên những trẻ có nguy cơ cao, nhưng hiện nay tại các nước phát triển chương trình này được áp dụng thường quy cho các bé khi vừa chào đời, trước khi xuất viện hoặc 2 tuần sau sinh.
Ủy ban Chăm sóc sức nghe trẻ em JCIH sau đó đã đưa ra quy trình tầm soát và can thiệp sớm cho trẻ bị khiếm thính cụ thể và hoàn chỉnh hơn. Tất cả trẻ nên được tầm soát khiếm thính trước 1 tháng tuổi. Những trẻ có bất thường thính lực trong 2 lần kiểm tra đầu tiên cần được đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện và thính lực trước khi được 3 tháng tuổi. Khi chẩn đoán nghe kém đã xác định, trẻ cần được can thiệp sớm trước 6 tháng bằng cách đeo máy trợ thính, cấy điện ốc tai hay sử dụng các thiết bị hỗ trợ thích hợp.

Chương trình tầm soát trẻ khiếm thính trước đây đã được thực hiện với phương tiện sơ khai tạo tiếng ồn để quan sát phản ứng của trẻ. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có thể tầm soát căn bệnh này cho trẻ bằng các phương tiện như khảo sát âm ốc tai, đo điện thính giác thân não hay đánh giá đáp ứng điện sinh lý với các kích thích thính giác nhanh…

bệnh viêm phối ở trẻ em

Viêm phổi là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em dưới năm tuổi - tính trung bình trên toàn cầu căn bệnh này làm chết trẻ em dưới 5 tuổi nhiều hơn số trẻ chết vì bệnh AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em thiệt mạng vì bệnh viêm phổi trên toàn thế giới, chiếm 15% tổng số trường hợp tử vong của trẻ em trong độ tuổi này.
Tác nhân gây bệnh viêm phối ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi rất đa dạng, nguyên nhân thường gặp do virút ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chiếm khoảng 70 - 80%. Nhiều loại virút thường trú đường hô hấp có thể gây bệnh như: Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus, virút hợp bào hô hấp (gọi tắt RSV) hoặc virút á cúm.
Ở nước ta viêm phổi cũng có thể do nguyên nhân vi khuẩn vì đặc thù về khí hậu và điều kiện môi trường sống chưa đảm bảo, thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn Hib (vi khuẩn Hemophilus influezae týp B) và vi khuẩn phế cầu trùng có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, ngoài ra còn một số những loại vi khuẩn khác cũng góp phần gây bệnh viêm phổi ở trẻ như tụ cầu, liên cầu tan máu bê ta nhóm A, vi khuẩn Klebsiella...
Đôi khi viêm phổi cũng có thể do nhiễm vi nấm hoặc ký sinh trùng tuy nhiên với tỉ lệ rất thấp.
Đường xâm nhập của tác những nhân gây bệnh viêm phổi phần lớn qua đường hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amiđan hoặc qua đường máu như trẻ bị mụn nhọt da, chốc lở...
Những biểu hiện
Biểu hiện ban đầu ở những trẻ nghi bị viêm phổi là trẻ có thể bị sốt, đôi khi sốt cao từ 39 - 40oC (khiến trẻ lạnh run).
Ho cũng là biểu hiện phổ biến khi trẻ bị viêm phổi, những ngày đầu của bệnh trẻ thường ho khan, có những trẻ ho có đàm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì tình trạng tăng tiết chất nhầy nhớt trong đường hô hấp. Trẻ có thể bị chảy nước mũi, nước mũi trong hoặc có màu xanh hoặc vàng tùy theo nguyên nhân gây bệnh, sổ mũi thường làm trẻ nghẹt mũi gây khó khăn cho việc ăn uống và bú mẹ của trẻ.
Rhinovirus
Rhinovirus
Thở nhanh là dấu hiệu rất đặc trưng và xuất hiện từ rất sớm có thể giúp phụ huynh nhận biết được trẻ có bị viêm phổi hay không. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu nhịp thở ≥ 60 lần/phút là trẻ thở nhanh, trẻ từ 2 tháng - 12 tháng tuổi nếu nhịp thở ≥ 50 lần/phút là thở nhanh, trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi nếu nhịp thở đếm được ≥ 40 lần/phút là trẻ thở nhanh.
Viêm phổi ở trẻ em
Adenovirus
Các dấu hiệu giúp xác định trẻ bị viêm phổi nặng cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để tích cực điều trị giúp trẻ vượt qua những nguy hiểm của bệnh. Những dấu hiệu gợi ý bệnh diễn biến nặng như:
- Trẻ thở co lõm ngực.
- Trẻ thở rít.
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ, nôn ói nhiều, sốt cao từ 39oC liên tục không hạ sau khi đã tích cực hạ sốt.
Nguyên tắc điều trị và biện pháp chăm sóc
Theo phác đồ điều trị bệnh viêm phổi của Bộ Y tế, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng, vừa hay nhẹ của bệnh.
Đối với các nguyên nhân do siêu vi trùng, không cần dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể bằng chế độ ăn thích hợp giúp trẻ bệnh mau lành bệnh.
Đối với các nguyên nhân do vi trùng hoặc vi nấm cần phải uống kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Vệ sinh đường hô hấp bằng việc dùng khăn sạch làm thông thoáng đường hô hấp như: rửa mũi cho trẻ bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), lấy bớt đàm nhớt đang ứ đọng ở đường hô hấp giúp trẻ dễ thở và thuận lợi trong việc ăn uống hoặc bú mẹ.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng thích hợp cho trẻ: tăng cường cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ còn bú mẹ sữa mẹ giúp trẻ khỏe mạnh hơn), thức ăn cho trẻ cần đảm bảo số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong lúc trẻ đang bệnh thường khó ăn và dễ bị ói, gia đình nên cho thức ăn nhẹ, lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa trong ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo năng lượng. Trẻ dễ ói nên cho ăn cẩn thận vì có thể bị sặc gây viêm phổi hít và làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ.
Trẻ ho nhiều, phụ huynh có thể cho trẻ uống những loại thuốc ho có nguồn gốc thảo mộc (thảo dược) an toàn cho sức khỏe của trẻ như: tần dày lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường (phổ biến ở miền Bắc), phụ huynh có thể tự chế biến hoặc mua những loại thuốc ho an toàn chế biến sẵn.
Tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Những lưu ý
Nếu phát hiện trẻ bị viêm phổi, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời giúp trẻ mau lành bệnh và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ uống vì thuốc uống không phù hợp có thể gây hại cho trẻ.
Bệnh viêm phổi thường phổ biến khi thời tiết chuyển mùa nhất là mùa lạnh, phụ huynh nên chú ý việc giữ ấm cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, giữ vệ sinh cá nhất tốt nhất là thói quen rửa tay sạch sẽ và thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin cần thiết chính là biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cho trẻ.

ThS.BS. ĐINH THẠC (Bệnh viện Nhi đồng 1

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Đánh bay khó tiêu ở trẻ

Về nguyên nhân, chứng đầy bụng - khó tiêu ở trẻ đa dạng và phức tạp.
Lúc mới sinh, bao tử của trẻ nhỏ xíu, chỉ chứa được 30 - 35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Do các lớp cơ phát triển còn yếu, bao tử còn thẳng, nằm trên cao và co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ. Chính những đặc điểm giải phẫu này nên trẻ nhỏ chỉ tiêu hóa được một lượng thức ăn nhất định và tiêu hóa phải có đủ thời gian phù hợp để tiêu hóa hết thức ăn. Nếu ta cho trẻ ăn quá nhiều hoặc các bữa ăn quá gần nhau, trẻ sẽ dẫn đến tình trạng đầy bụng- khó tiêu.
Các nguyên nhân khác cũng thường gặp như: cho bé uống sữa có nhiều đường lactose và đạm trong thành phần của sữa, hay cho trẻ uống sữa bò sớm chưa đến 1 tuổi, vì trong sữa bò chứa nhiều protein, trong khi bao tử của bé thành phần dịch vị và độ pH chưa thích hợp để tiêu hóa hết lượng protein trong sữa bò. Do đó, giai đoạn này bé chỉ thích hợp hấp thụ các thành phần lactose, protein trong sữa mẹ hơn là sữa bò. Trẻ ăn dặm, ăn cơm quá sớm cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa, vì cơ thể của bé chưa đủ men tiêu hóa nhất là men tiêu hóa tinh bột, khiến thức ăn ứ đọng trong đường ruột và bị vi khuẩn lên men, dẫn đến đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu...
Để khắc phục chứng đầy bụng - khó tiêu ở trẻ, trước hết cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, cần cho trẻ bú và ăn dặm theo từng giai đoạn phát triển sinh lý của bé; bé dưới 5 tháng tuổi chỉ cần sữa là đủ, tốt nhất là sữa mẹ. Bé 5 - 6 tháng tuổi: sữa là chủ yếu, bên cạnh đó tập ăn dặm với bột nhưng với lượng ít. Bé 6 - 8 tháng: cho bé ăn dặm bột, có đủ 4 nhóm thực phẩm như: bột, đạm, béo, rau tăng cường sữa, trái cây mềm. Bé 8 - 12 tháng: ngoài bột, sữa, trái cây mềm, nên tập ăn thêm cháo có đủ bột, đạm, béo, rau; bé 12 - 24 tháng, ngoài bột, cháo, tập ăn thêm nui, bún, hủ tiếu… Bé trên 24 tháng: cho bé tập ăn cơm khi đủ 20 răng sữa. Các giai đoạn chuyển tiếp từ sữa sang bột, tức từ 5 - 6 tháng tuổi; hoặc từ cháo sang cơm lúc 24 tháng tuổi là rất quan trọng, cần tập với số ít và tăng dần để bé thích nghi, nếu cho bé với số lượng nhiều sẽ dẫn đến đầy bụng và khó tiêu.
Cần phân chia các bữa ăn phù hợp trong ngày với từng trẻ. Bé sơ sinh có thể bú sữa 8 - 14 lần, bé 6 - 8 tháng tuổi, mỗi ngày trẻ cần 2 nửa chén bột với đủ 4 nhóm thực phẩm bột, đạm, rau, dầu cùng khoảng 5 - 6 bữa sữa. Sau 8 tháng có thể tập cho trẻ ăn cháo, hơn 1 tuổi tập ăn nui, bún...; khoảng 2 tuổi thì ăn được cơm 3 bữa ăn đặc, 3 - 4 cữ sữa mỗi ngày; bữa ăn đầu tiên trong ngày nên bắt đầu sau khi trẻ thức dậy khoảng 30 phút, bữa kế tiếp khoảng 2 - 3 tiếng sau và nên đổi món. Bên cạnh đó, cần bổ sung men vi sinh cho bé, đây là những vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn chặn và ức chế vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tháng tuổi, nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu, thường là hơi ứ lại ở ruột gây ra, do bé nuốt không khí vào bụng, như: cho bé ngậm núm vú giả mỗi khi bé khóc, với động tác mút liên tục này sẽ làm khí tích tụ ở đường tiêu hóa.
Đánh bay khó tiêu ở trẻ
Bé dưới 5 tháng tuổi chỉ cần sữa là đủ
Do đó, hạn chế sử dụng núm vú giả cho bé, chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Thường xuyên vỗ lưng cho bé vỗ lưng nhẹ nhàng, nhờ cách này, bé mới có thể đẩy khí thừa ra ngoài; giúp bé cử động bằng cách đặt bé nằm nằm ngửa và di chuyển chân bé từ trong ra ngoài, gập lên bụng - duỗi ra, chuyển động như vậy sẽ phá vỡ bất kỳ túi khí nào ứ đọng gây ra cảm giác khó chịu cho bé. Nên dùng khăn ấm một đến 2 lần trong ngày, áp vào bụng của bé, cách này giúp thư giãn các cơ bắp ở thành bụng cũng như dạ dày của bé, làm tiêu hóa tốt, tránh được chứng đầy bụng - khó tiêu.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

Động kinh ở trẻ nhỏ - Bạn đã biết cách chăm sóc?

Bệnh động kinh biểu hiện với những cơn co giật mạnh, không làm chủ được ý thức, cơn lặp đi lặp lại, bất thường và đột ngột có thể làm người bệnh tử vong. Đặc biệt với trẻ nhỏ, do tính hiếu động nên nguy cơ này luôn cao hơn người lớn.
Trẻ bị động kinh luôn cần được động viên, khích lệ.
Chúng ta đã biết, động kinh là bệnh do rối loạn đột ngột trong hoạt động của vỏ não, biểu hiện bằng các triệu chứng vận động, cảm giác hoặc hành vi… Sự ức chế hay hưng phấn quá mức là nguyên nhân thúc đẩy cơn động kinh tái phát. Như vậy, trẻ cần được thoải mái, vui vẻ thì tần suất các cơn động kinh sẽ giảm dần. Đây là một trong các yếu tố giúp trẻ tiến đến khỏi bệnh. Vì thế, điều quan trọng nhất đối với trẻ bị bệnh động kinh là bố, mẹ, bạn bè, người thân cần dành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm của gia đình, tránh gây cho trẻ các ức chế, bực tức, thậm chí hưng phấn quá mức. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần sự thông cảm của bạn bè và những người xung quanh... để không cảm thấy mặc cảm mình bị bệnh.
Trẻ bị động kinh cần tình yêu thương của cha mẹ
Luôn giám sát để giảm thiểu tránh tai nạn.
Các chuyên gia thần kinh cho biết, nhiều trẻ bị động kinh xảy ra các tai nạn đáng thương như đuối nước, tai nạn xe, ngã chấn thương, cắn vào lưỡi… khi lên cơn. Trong đó hầu hết các bệnh nhân này đều thiếu sự giám sát, chăm sóc sát sao của người thân. Đây là một lời cảnh báo cho người lớn khi có con, em bị bệnh động kinh . Với trường hợp này, nên hạn chế cho trẻ đi, chơi một mình tại các nơi có khả năng nguy hiểm như bờ hồ, sông suối. Không để trẻ đi xe một mình, trèo cây, chơi các trò tốc độ cao…
Ăn uống và sinh hoạt điều độ rất cần thiết cho trẻ động kinh.
Bên cạnh việc tạo tâm lý thoải mái thì chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng không kém để hạn chế các cơn động kinh tái phát. Nên cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các thức ăn lành tính, hạn chế các chất kích thích như cay, nóng, đồ uống có men. Ngoài ra, người thân cần hướng dẫn trẻ đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. Đối với trẻ bị bệnh động kinh, nên tập những bài tập có động tác nhẹ nhàng, tập đều hàng ngày. Không nên tập những động tác gây mất nhiều sức và mệt mỏi.
Sử dụng thuốc và sản phẩm hỗ trợ.
Động kinh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ có thể giảm được cơn co giật và khả năng khỏi bệnh tương đối cao. Điều quan trọng trong điều trị là cần uống thuốc thường xuyên, đúng liều. Rất cần thiết cho trẻ dùng các sản phẩm có tác dụng bảo vệ não, ổn định điện thế tế bào não, ức chế sự hưng phấn của thần kinh trung ương, ổn định dẫn truyền thần kinh cũng như giúp hồi phục tổn thương sau mỗi lần lên cơn động kinh.
Nguyễn Trang

20 điều cần biết về viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản.
1. Các biểu hiện của bệnh và nguyên nhân gây bệnh Viêm não vi rút?
Về triệu chứng của bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ, ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi rút ở nước ta. Từ trước những năm 1997, khi nước ta bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não vi rút chủ yếu là vi rút viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995. Nhờ kết quả phòng bệnh của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại nước ta, số trường hợp viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
2. Viêm não vi rút biểu hiện dưới nhiều dạng bệnh khác nhau và có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm não vi rút, vậy nên làm thế nào để phòng các loại bệnh viêm não vi rút?
Căn cứ vào nguyên nhân rõ ràng chúng ta phải dựa vào các nguyên nhân để phòng chống một cách thích hợp.
- Đối với các vi rút arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve … đốt, việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mạc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.
- Đối với các chủng vi rút như herpes, sởi, quai bị,… bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng vi rút này, một số chủng vi rút gây bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, quai bị, chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.
- Đối với các vi rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.
- Đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:
- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh minh họa)
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh viêm não Nhật Bản. (Ảnh minh họa)
3. Vi rút viêm não Nhật Bản có phải là tác nhân duy nhất gây viêm não vi rút?
Không. Viêm não vi rút do nhiều loại vi rút gây nên, trong đó vi rút viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh này. Hiện nay viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10 đến 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.
4.Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
5. Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy hiểm không và có biểu hiện như thế nào?
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
6. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút . Tại sao lại gọi là bệnh viêm não Nhật Bản? có phải do lần đầu tiên xuất hiện bệnh này tại Nhật Bản không?
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.
7. Ngoài Nhật Bản, còn những nước nào thường có bệnh viêm não Nhật Bản?
Các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippin, vùng viễn đông Liên bang Nga hàng năm đều có dịch bệnh VNNB với số người mắc khá cao.
Hầu hết các nước này có nhiệt độ cao vào mùa hè và mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Chim di trú và tập quán chăn nuôi lợn theo hộ gia đình còn phổ biến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành virut VNNB trong tự nhiên, từ đó dẫn đến tình trạng lưu hành bệnh VNNB ở người.
8. Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện từ khi nào và lưu hành ở những vùng nào?
Ở Việt Nam, bệnh VNNB được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
9. Các ổ dịch viêm não Nhật Bản tập trung phần lớn ở những vùng trồng lúa nước và chăn nuôi lợn, vậy nguồn truyền nhiễm của bệnh VNNB là gì?
Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người.
- Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát.
- Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.
10. Vì sao loài lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất?
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì:
- Tỷ lệ lợn bị nhiễm virút VNNB trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn có nuôi lợn).
- Sự xuất hiện vi rút VNNB trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virút. Thời gian nhiễm virút huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virút VNNB trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗiđể từ đó truyền bệnh cho người.
11. Bệnh VNNB được lây truyền như thế nào? Có lây trực tiếp từ người sang người không thưa ông?
Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh.
Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
12. Có phải tất cả các loài muỗi đều có thể lây truyền bệnh VNNB không?
Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh VNNB, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó làCulex. tritaeniorhynchus và Culex. vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng.
Muỗi thường bay đi hút máu súc vật hoặc máu người vào lúc chập tối; muỗi sinh sản và phát triển nhiều vào mùa hè lúc nắng nóng, mưa nhiều.
13. Bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra vào mùa nào?
Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
14. Những người nào và lứa tuổi bao nhiêu có nguy cơ mắc bệnh VNNB?
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh VNNB chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh VNNB.
15. Bệnh VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây lan thành dịch, vậy các biện pháp phòng bệnh VNNB như thế nào?
Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho cộng đồng, bao gồm:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
16. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được thực hiện như thế nào?
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi :
Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR.
Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: càng sớm càng tốt
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
17. Khi đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản nên chú ý có thể gặp những tác dụng phụ nào?
Cũng như các vắc xin khác khi tiêm Vắc xin VNNB có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ, bao gồm:
Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5-10% người được tiêm. Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1 /1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
18. Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng như thế nào?
Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997, ban đầu ở một số tỉnh, thành phố nguy cơ cao và hàng năm mở rộng dần ra các địa phương khác. Đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay vắc xin viêm não Nhật bản B đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng, miễn phí vì vậy các bà mẹ cần đưa trẻ tới các điểm tiêm tại các xã, phường đầy đủ và đúng lịch.
19. Trẻ em ở độ tuổi nào được tiêm miễn phí vắc xin phòng viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng?
Hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới chỉ áp dụng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi là nhóm trẻ có nguy cơ mắc và biến chứng cao nhất.
20. Cộng đồng và người dân cần làm gì để phòng các bệnh mùa hè và bệnh viêm não Nhật Bản?
- Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB, bởi vì vắc xin chính là biện phấp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.
- Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cồng đồng.

Minh Trí (Theo tài liệu Cục Y tế dự phòng

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons