Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ lúc giao mùa

Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường cùng với độ ẩm tăng cao đang là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị các tác nhân này tấn công nhất, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó viêm tiểu phế quản (VTPQ) là bệnh thường gặp, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
VTPQ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
VTPQ là bệnh hay  gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Các bậc cha mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 - 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo cơ hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.
Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Đây là những trẻ có yếu tố nguy cơ cần được cho nhập viện sớm khi bị VTPQ. Ngoài ra, bệnh cũng dễ tái phát.
 Viêm tiểu phế quản ở trẻ em.
Những thủ phạm gây bệnh
Tác nhân làm cho trẻ bị VTPQ thường là do các virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp, chiếm 30- 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut này có 2 điểm đặc biệt: có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch;  người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là VTPQ. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ bị VTPQ. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.
Nếu trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở cơ thể trẻ còn quá yếu, nhất là trẻ tuổi bú mẹ mà không được bú đầy đủ sữa mẹ. Những trẻ từng bị ốm do nhiễm virut trước đó như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA... đều có nguy cơ dễ nhiễm bệnh nếu không được chăm sóc tốt. Các trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, sống trong môi trường hút thuốc lá thụ động, bị bệnh phổi bẩm sinh hay bị suy giảm miễn dịch đều có nguy cơ cao mắc phải VTPQ.
Người ta cũng đề cập đến mối liên quan của VTPQ với bệnh hen. Sau khi bị VTPQ, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ bị VTPQ có thể diễn tiến thành hen sau này.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này. Cần đi tái khám đúng hẹn của bác sĩ.
Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị.  Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như ventolin, bricanyl, salbutamol. Kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải dù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất, và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh. Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải sử dụng liệu pháp oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steriod cho trẻ.
Nhiều khuyến cáo nhấn mạnh, để phòng ngừa bệnh cho trẻ các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành. Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý vì trẻ dễ mắc bệnh và tiến triển xấu.

BS. Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Y Hà Nội)

Bệnh lác sữa

Cháu nội tôi sau sinh được 8 tháng trên mặt xuất hiện nhiều mụn nước, đỏ ở hai bên má, đi khám bác sĩ chẩn đoán là chàm sữa. Vậy xin hỏi nguyên nhân, những biểu hiện và cách trị bệnh trên như thế nào?
(Lê Thanh Xuân - TP.HCM)
Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa là giai đoạn đầu của chàm thể tạng, bệnh có tính chất gia đình, có tiền căn cá nhân hay gia đình bị dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng hay chàm thể tạng, nguyên nhân gây ra bệnh phức tạp, khó phát hiện được.
 Bệnh chàm sữa thường xảy ra ở trẻ sau sinh đến 6 tháng tuổi.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ sau sinh đến 6 tháng tuổi, khỏe mạnh, vị trí thường ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra thân mình - tứ chi… Sang thương không có ở các lỗ tự nhiên như mắt, mũi, miệng. Bệnh khởi đầu là một hồng ban, sau đó có mụn nước, đỏ, nứt da, rịn nước, đóng mày và tróc vảy. Bệnh thường biến mất sau 2 – 4 tuổi, nếu vượt qua 4 tuổi mà chưa khỏi bệnh sẽ tiến triển kéo dài hay tái phát và trở thành chàm thể tạng.
Đây là một bệnh do cơ địa dị ứng, nên mục đích điều trị là nhằm bình thường hóa làn da, kéo dài khoảng thời gian lành bệnh, hạn chế tái phát, chứ không phải là điều trị khỏi hẳn. Vì vậy, trước một trẻ đang giai đoạn chàm sữa nhất là giai đoạn cấp thì không nên nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho bé bị nhiễm trùng thêm. Không nên chủng ngừa nhất là đậu mùa vì có thể đưa đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu, có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, trung tâm lõm, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, lành để lại sẹo như mặt rỗ. Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm, nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng kháng sinh. Bé cần được chăm sóc thật chu đáo, tránh để bé đổ mồ hôi ẩm ướt, giữ cho da luôn được khô và ẩm mịn bằng cách bôi các chất giữ ẩm hàng ngày, thường xuyên thay tã lót cho bé, ít nhất 3 lần trong ngày, tránh để lâu gây ẩm ướt do phân hay nước tiểu là yếu tố gây kích thích da sau khi phân hủy, thay quần áo sau khi tắm bé. Không cho bé ăn các thức ăn dễ dị ứng như trứng, đồ lên men, đậu phộng, cà chua, đồ biển… Giữ cho môi trường xung quanh bé không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; đồng thời cũng giữ cho môi trường thoáng mát, không quá khô. Nếu bé ngủ trong phòng máy lạnh thì nên để thêm một thau nước to nhằm cải thiện độ ẩm trong phòng; không dùng xà bông giặt đồ hoặc xà phòng tắm để tắm mà chỉ nên dùng các loại sữa tắm như: cetaphil, saforell, physiogel… Khi có các sang thương đang nổi đỏ hoặc rỉ dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch có tính sát trùng nhẹ có màu như: milian, eosin… Đối với các sang thương khô da, đỏ da, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticosteroid nồng độ thấp như eumovat và thoa trong một thời gian ngắn từ 5 - 7 ngày. Tuyệt đối không dùng corticosteroid có hàm lượng cao dùng cho người lớn thoa cho bé vì sẽ gây teo da, mất màu da, nếu kéo dài có thể gây suy tuyến thượng thận. Nếu có da khô tăng sừng thì có thể dùng các loại mỡ chứa chất tiêu sừng như salicylic acid.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Ngừa chấn thương mắt ở lứa tuổi học đường

Tỷ lệ bệnh nhân đến khám do chấn thương mắt các loại tại BV Mắt Trung ương là khoảng 20%, trong đó có nhiều em là học sinh. Điều đáng nói là về cơ cấu các loại chấn thương đã thay đổi rất nhiều so với thập niên trước. Hoạt động học tập, nếp sinh hoạt, học cụ, môi trường học đường, các loại đồ chơi… đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta gần như không gặp chấn thương mắt do pháo, do súng cao su, do đánh khăng mà thay vào đó là chấn thương mắt do súng đồ chơi Trung Quốc, do chơi đùa bằng học cụ: bút chọc, keo 502… Trẻ em nông thôn hay gặp tai nạn khi chơi đùa ở nhà, trong khi đó các em học sinh thành phố tai nạn lại chủ yếu là ở lớp học hay khi tham gia giao thông.
Các tác nhân gây chấn thương mắt
Chấn thương mắt thường rất đa dạng, căn cứ vào tổn thương có thể chia thành một số nhóm chính: Chấn thương mắt do đụng dập - thường do vật tù gây ra: do cạnh bàn ghế, bóng; Chấn thương xuyên nhãn cầu - do vật sắc nhọn gây ra: bút chì, compa…; Chấn thương xuyên có dị vật nội nhãn - thường do hỏa khí gây nên: các vụ nổ, súng đồ chơi…; Bỏng mắt các loại - do nhiệt, hóa chất, tia xạ, bỏng axit, bỏng vôi…
 Khám mắt cho trẻ em.
Hoàn cảnh chấn thương cũng rất đa dạng
Tai nạn thường xảy ra trong trường học, khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong các lớp bán trú, khi sinh hoạt xã hội hay tại gia đình. Con mắt có thể tích rất nhỏ, khoảng 5-6cm3; có cấu trúc quang học, thần kinh rất tinh vi và liên quan chặt chẽ với nhau. Rất nhiều cấu trúc giải phẫu của mắt khi bị tổn hại không thể phục hồi hay sản sinh mới được, cũng không thể cấy ghép hay dùng bộ phận nhân tạo được. Chính vì vậy, chấn thương mắt thường gây ra những tổn hại không hồi phục, đi kèm với nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ giảm thị lực và mù lòa còn rất cao tuy đã có rất nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị. Với trẻ em, vấn đề còn phức tạp hơn bởi tỷ lệ viêm nhiễm do chấn thương của các em sẽ cao hơn người già như viêm màng bồ đào, đáng sợ hơn là nhãn viêm giao cảm - bệnh gây hại cho mắt lành (mắt còn lại). Tương lai của các em còn dài, do vậy, công việc phục hồi thị lực hữu ích để các em có thể tự phục vụ sinh hoạt, lao động nuôi sống bản thân hay cống hiến cho xã hội sẽ đè nặng lên các thầy thuốc chúng tôi.
Cách xử trí đúng
Ngoài việc điều trị bằng thuốc hay mổ thì việc điều trị bổ sung bằng tập luyện mắt, dùng các phương pháp chỉnh quang - chỉnh thị, theo dõi lâu dài sẽ đòi hỏi sự phối hợp bền bỉ giữa bản thân các em, các bậc phụ huynh và thầy thuốc.
Khi các em gặp phải tai nạn. chúng ta nên khẩn trương tiến hành cấp cứu nhưng cũng không nên bấn loạn kẻo lợi bất cập hại. Nhân viên y tế và phụ huynh không nên hoảng sợ đè ép vào vết thương bằng khăn, bông, giấy ăn… hay cố gắng lấy vật gây chấn thương ra ngoài mà nên trấn an các em, dùng giảm đau, kháng sinh phổ rộng hay tiêm huyết thanh chống uốn ván rồi đưa các em đi cấp cứu.
Với chấn thương do va đập - chấn thương đụng giập, chúng ta nên chườm lạnh (nếu vết thương không chảy máu) hay băng mắt nếu vết thương có chảy máu và chuyển các cháu đi khám mắt.
Với các vết thương có thông thương giữa mắt và môi trường bên ngoài (vết thương xuyên): nên băng mắt bằng băng vô khuẩn, dùng kháng sinh liều đầu, giảm đau và chuyển các em khám cấp cứu tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.
Với bỏng mắt các loại: Nên rửa mắt ngay lần đầu bằng nước sạch sẵn có, giảm đau, không băng mắt và chuyển các em đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất.
Phòng và điều trị chấn thương mắt
Phòng tránh tai nạn thương tích cho các em cần có sự phối hợp của nhiều bên: nhà trường, phụ huynh, ngành y tế, nhà cung cấp thiết bị giáo dục hay đồ dùng học tập. Quan trọng hàng đầu vẫn là ý thức phòng chống tai nạn, tự bảo vệ của chính các em. Sự bất cẩn của cha mẹ, người lớn hay thầy cô giáo cũng có thể khiến tai nạn xảy ra. Các nhà cung cấp thiết bị học tập, đồ chơi cũng nên tuân theo những quy định bắt buộc về an toàn cho người sử dụng: đồ chơi phải an toàn cho mắt, dụng cụ học tập nên thay kim loại bằng plastic, vật  sắc nhọn bằng vật tù, có nắp bảo vệ…
Kinh nghiệm cho thấy, khi cha mẹ bất cẩn thì tai nạn thường xảy ra với con em họ. Nhắc nhở bảo ban con em mình thường xuyên để các em tự bảo vệ bản thân là việc đầu tiên nên làm. Nếu bắt buộc phải làm việc hay thao tác với các vật dụng có khả năng gây hại cho mắt thì ý thức của các em phải rất nghiêm túc. Đùa nghịch - chơi ném nhau bằng bút, compa, nghịch ngợm trong phòng thực tập hóa học… chơi đùa quá khích trong giờ thể dục hay hoạt động ngoại khóa là nguyên nhân gây rất nhiều tai nạn đáng tiếc. Dùng kính đi đường hay kính bảo hộ trong một vài hoàn cảnh cũng sẽ giúp ta tránh được nhiều tai nạn cho mắt.       

BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt TW)

Chăm sóc răng thế nào cho tốt?

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tháng 7/2011. Có hơn 90% dân số mắc các vấn đề về răng miệng.  Vậy chăm sóc sức khỏe răng miệng như thế nào mới đủ và đúng cách?
Lứa tuổi nào bắt đầu chải răng?
Việc chải răng hàng ngày phải được hình thành thật sớm khi các bé còn rất nhỏ. Việc tập cho bé thói quen chải răng vào thời điểm nào là tốt nhất vẫn còn nhiều tranh cãi. Các chuyên gia về răng hàm mặt cho rằng: Lứa tuổi tập cho các bé chải răng tốt nhất là từ 3 - 4 tuổi. Tuy nhiên, trước đó khi các răng sữa đầu tiên xuất hiện thì cha mẹ hay người trông coi các bé phải biết cách làm sạch các mảng bám tồn đọng trên răng, lợi nhằm đề phòng các bệnh răng miệng xảy ra. Cụ thể như:
-  Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Hàng ngày cha mẹ phải dùng gạc, khăn vải mềm quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước sôi để nguội, chà răng và nướu của bé  để lau sạch răng cho các bé.
Đối với  trẻ được 1 - 2 tuổi: Ngoài việc hàng ngày dùng khăn, gạc lau răng, nướu của bé, cha mẹ phải chải răng cho các bé và tập cho các bé hình thành thói quen chải răng với loại bàn chải có lông mềm, nhỏ phù hợp với lứa tuổi.
Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên: Các bé có thể tự chải răng (đánh răng) với sự giám sát của cha mẹ.
Việc nhắc nhở các bé chải răng sạch, kỹ đều đặn hàng ngày là rất quan trọng là giúp các bé hình thành thói quen chải răng sớm ngay sau các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ, nhằm loại bỏ các mảng bám thức ăn tồn đọng trên răng làm sạch răng lợi. Nếu chúng ta không chăm sóc răng nướu sạch sạch sẽ, cẩn thận thì đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh sâu răng, nha chu.
Chải không đúng cách có thể gãy răng.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh: “Khi chăm sóc răng miệng sớm, kỹ lưỡng thì chúng ta có thể giữ bộ răng chắc khỏe suốt đời”. Nhưng vấn đề quan trọng là chải răng như thế nào là tốt và có hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh răng miệng. Theo các chuyên gia nếu chải răng không đúng cách như: Kéo ngang như kiểu kéo cưa sẽ làm sụt chân răng, co lợi, răng sẽ bị mòn, thậm chí gãy luôn răng.Thao tác chải ngang này chỉ cho phép với mặt nhai.
 Chải răng đúng cách sẽ tránh được sâu răng.
Thao tác chải đúng là đặt bàn chải nghiêng 45 độ ngay dưới nướu răng. Chải nhẹ nhàng theo chiều thẳng đứng hoặc theo hình tròn trên răng và nướu. Lặp lại động tác này đối với tất cả các răng. Chải mặt ngoài, mặt trong của răng theo chiều thẳng đứng. Đối với mặt nhai của răng, chải nhẹ theo chiều ngang. Lưu ý khi chải mặt ngoài, mặt trong của răng chải với động tác rung nhẹ tại chỗ nhiều lần, vừa rung vừa di chuyển bàn chải về phía mặt nhai, mỗi vùng lặp lại từ 6 - 10 lần.
Việc chọn bàn chải đánh răng cũng quan trọng không kém, nên chọn bàn chải có lông mềm vừa phải, đầu nhỏ để có thể vào được góc trong cùng của hàm răng. Nếu chọn bàn chải cứng sẽ làm tổn thương đến răng và nướu. Khi chải răng cũng không nên chải quá mạnh vì hành động này không làm sạch được răng mà còn khiến bàn chải chóng hỏng.
Một ngày chải răng mấy lần?
Các chuyên gia khuyến cáo nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần sau các bữa ăn. Vì sau khi ăn (đặc biệt là với các thức ăn nhiều chất bột, đường), chỉ cần 5 - 10 phút là vi khuẩn đã làm lên men axit có khả năng phá thủng men răng. Bởi vậy, một trong những biện pháp phòng sâu răng hữu hiệu mỗi ngày là: ăn bao nhiêu bữa thì chải răng sau bữa ăn bấy nhiêu lần. Thời gian để chải răng ít nhất là 2 phút. Nếu khó thực hiện việc này đều đặn thì có thể uống nhiều nước hơn sau khi ăn. Đây cũng là cách để súc miệng, giúp làm trôi bớt các mảng bám trên răng, giúp răng sạch khỏe.
Vì vậy, nếu chúng ta chăm sóc răng miệng sớm, cẩn thận, kỹ lưỡng, chải răng đều đặn hàng ngày với kem có fluor sẽ giúp chúng ta dự phòng và tránh được bệnh sâu răng, nha chu. Đây chính là biện pháp khoa học, dễ thực hiện, tương đối rẻ tiền, hiệu quả nhất để phòng bệnh sâu răng, nha chu cho mọi người, mọi đối tượng. Làm tốt được những vấn đề nói trên sẽ giúp chúng ta có thể giữ răng - nướu khỏe suốt đời.
 
Mối nguy hiểm từ bệnh sâu răng
Bệnh sâu răng bắt đầu từ sự mất khoáng trên men răng. Nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, răng sâu sẽ có lỗ và tiến triển từ sâu men đến sâu ngà và viêm tủy. Đau nhức răng do kích thích (sâu ngà), đau nhức răng tự phát (viêm tủy) làm cho trẻ và ngay cả người lớn khó khăn trong ăn nhai, sinh hoạt. Việc ăn uống khó khăn làm cho tiêu hóa kém lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển... Mầm nhiễm khuẩn từ bệnh sâu răng có thể di chuyển đến tim gây viêm màng trong tim bán cấp, đến khớp gây viêm khớp, đến phổi gây viêm phổi...
  Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Bệnh nhuyễn xương ở trẻ em, dùng thuốc gì?

Bệnh nhuyễn xương (osteomalacia) gây nên do tình trạng thiểu năng sự cốt hóa của xương. Ở trẻ em, do trong cơ thể thiếu ergocalciferol (vitamin D2) và cholecailciferol (vitamin D3), biểu hiện bằng các triệu chứng còi xương. Ở người lớn, biểu hiện bằng các triệu chứng đau ở đốt sống, hạn chế tầm vận động của đốt sống.
Bệnh này chủ yếu là dùng phương pháp điều trị nội khoa. Các thuốc dùng điều trị như: bổ sung vitamin D, có thể dùng sterogyl (10.000 - 20.000 đơn vị mỗi ngày) hoặc sterogyl A 15mg (uống 1 ống mỗi tuần, với liệu trình kéo dài cho tới khi khỏi lâm sàng và calci niệu trong 24 giờ trở về mức bình thường, tức là khoảng 80 - 100mg/24 giờ). Trường hợp nhuyễn xương căn nguyên tiêu hóa, đôi khi phải dùng vitamin D với liều cao hơn (tới 500.000 đơn vị/ngày). Sau khi khỏi bệnh cần điều trị củng cố, nhất là căn nguyên nhuyễn xương còn tồn tại: dùng sterogyl A15mg: mỗi tháng uống 1 ống trong 6 tháng. Ở những bệnh nhân do kém hấp thu thì có thể dùng vitamin D liều 100.000IU/ngày kết hợp với calcium carbonat. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm phospho-calci.
Bên cạnh việc dùng thuốc cần có chế độ ăn giàu calci (sữa, phomat…) và các loại rau quả.
 Xương bình thường.                               Xương bị nhuyễn.
Trường hợp nhuyễn xương do các thuốc chống co giật và suy thận mạn thể tổn thương nhuyễn xương, có thể dùng: dérogyl hoặc sterogyl. Cần đồng thời điều trị chứng đi tiêu phân mỡ có thể xảy ra. Hiện nay, người ta còn dùng pocaltriol (calcitriol). Trong quá trình điều trị, phải kiểm tra tỷ lệ calcium và phosphate trong máu và nước tiểu.
Đối với trẻ em, tùy từng lứa tuổi và trạng thái toàn thân, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định và sử dụng các thuốc trên với liều lượng thích hợp.
PGS. Vũ Quang Bích

Viêm khớp still ở trẻ em

Xin cho biết về viêm khớp Still, bệnh này nghe nói chỉ xảy ra ở trẻ em không xảy ra ở người lớn. Nguyên nhân gây bệnh là gì? Làm sao để có thể phát hiện sớm vì nghe nói bệnh này nguy hiểm?
(Nguyễn Châu Giang - Long An)
Khi nói đến bệnh khớp ở trẻ em, người ta thường hay nghĩ đến bệnh thấp khớp cấp hay thấp tim. Tuy nhiên, một bệnh lý khác cũng thường gặp và thậm chí cũng có thể gây nhiều biến chứng không kém đó là bệnh viêm khớp mãn tính ở thiếu niên (thể bệnh toàn thân còn gọi là bệnh Still).
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh giữa nữ và nam thay đổi tùy theo từng thể bệnh. Cơ chế gây viêm khớp mãn tính ở thiếu niên vẫn còn chưa được biết rõ. Người ta chỉ ghi nhận sự hiện diện của một số kháng thể miễn dịch tuỳ theo thể bệnh: HLA B27 trong 90% các trường hợp viêm khớp cột sống ở trẻ em, kháng thể kháng nhân (ANA) trong thể tổn thương ít khớp hay yếu tố thấp (RF) trong thể tổn thương nhiều khớp.
Trong bệnh viêm khớp mãn tính sẽ hay gặp tình huống sau: trẻ thường bị sốt dao động, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, thường là trẻ bị sưng đau các khớp cổ tay, khớp gối và mắt cá chân cả hai bên. Các tổn thương khác cũng có thể gặp như trẻ bị nổi hạch, gan lách to, viêm đa màng như tràn dịch màng phổi,viêm màng tim hay viêm cầu thận. Xét nghiệm máu cho thấy tăng cao bạch cầu (chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính), giảm tiểu cầu, thiếu máu.
Bệnh nhân cần phải được khám và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa khớp vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Ðái dầm ở trẻ, chữa thế nào?

Con trai tôi năm nay hơn 4 tuổi. Từ nhỏ cháu đã có chứng đái dầm cả ngày lẫn đêm, kể cả lúc không ngủ. Xin hỏi bác sĩ, nguyên nhân và cách điều trị chứng bệnh này?
Phan Quỳnh Hoa (Hà Nội)
Đái dầm ở trẻ em là trẻ đái trong khi ngủ hoặc khi chơi mà không biết. Người ta chỉ coi đái dầm ở trẻ em là bệnh lý khi trẻ được trên 3 tuổi. Có hai loại đái dầm ở trẻ em là đái dầm ban đêm và đái dầm ban ngày. Đái dầm ban đêm thường gặp ở bệnh nhi ngủ say hơn những trẻ khác. Đái dầm ban ngày khi trẻ đái ra quần vì mải chơi hoặc do trẻ xấu hổ không dám xin đi tiểu, thường thấy ở những trẻ có tính tình nhút nhát, sợ hãi. Đái dầm cũng có thể do dị tật đường tiểu như hẹp bao quy đầu hoặc bệnh ở cột sống như gai đôi cột sống, viêm đường tiết niệu gây đái dắt, cũng có thể do nước tiểu axít hoặc kiềm. Việc điều trị cần phải căn cứ vào nguyên nhân, nếu do hẹp bao quy đầu nhiều cần cắt bao quy đầu, nếu nước tiểu axít cần cho uống dung dịch natri bicarbonat, nếu nước tiểu kiềm cho uống dung dịch axít phosphoric và natri phosphat acid pha trong nước có thêm một ít đường. Nếu không rõ nguyên nhân, cần chú ý chế độ ăn uống, tránh không cho uống nhiều nước vào chiều tối, cần động viên, khuyến khích tính tự tin của trẻ.
Bạn nên cho cháu đi khám tại chuyên khoa tiết niệu hoặc ngoại nhi để tìm nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.
PGS. TS.Hà Hoàng Kiệm

Khắc phục chứng táo bón ở trẻ

Trẻ sơ sinh đi tiêu dưới 2 lần/ngày; trẻ (được bú mẹ) đi tiêu dưới 3 lần/ngày hoặc trẻ lớn đi tiêu dưới 2 lần/tuần thì được coi là táo bón. Tuy nhiên, nếu sức khỏe tốt, phân bé bình thường thì nhu cầu đi tiêu ở mỗi bé là khác nhau. Bé bị táo bón khi phân bé đóng cục, giống như phân dê.
 Chế độ ăn uống không phù hợp có thể làm trẻ táo bón
Nguyên nhân và hậu quả của táo bón
- Trẻ ít uống nước, ăn rau xanh, hoa quả.
- Pha sữa đặc.
- Pha sữa bằng nước cháo.
- Trẻ ít vận động.
- Do trẻ dùng thuốc. Một số loại thuốc có thể gây táo bón ở trẻ là thuốc ho, thuốc nhỏ mũi, thuốc có chất sắt…
- Một số lý do có thể khiến trẻ sợ hãi (không muốn đi tiêu dù trẻ có nhu cầu): hậu môn bị trầy xước; phân quá cứng gây khó khăn cho trẻ mỗi lần đi tiêu; trẻ bị cha mẹ mắng trong lần đi tiêu trước đó… Phân bị lưu trữ trong trực tràng lâu ngày sẽ trở nên cứng, trẻ sẽ càng bị táo bón nhiều hơn.
- Chứng táo bón có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do chuyển từ bú mẹ sang dùng sữa bột.
- Rối loạn cảm xúc cũng được chứng minh là gây ra chứng táo bón của trẻ.
Trẻ bị táo bón lâu ngày không được điều trị sẽ trở nên biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, dễ bị nôn trớ… Những độc tố chứa trong phân sẽ gây nên phản ứng hấp thụ lại và gây hại cho cơ thể trẻ.
Xử trí với trẻ bị táo bón
Với trẻ bú mẹ: trường hợp này, người mẹ nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn của mình. Nên uống nhiều nước. Xoa bóp bụng đúng cách để kích thích nhu động ruột.
- Nên cho trẻ bú tăng cường (vì trong sữa mẹ chứa khoảng 70% là nước). Nếu trẻ đã bú bình, bạn không nên pha loãng sữa cho trẻ bú, cách này vừa làm mất thành phần dinh dưỡng có trong sữa vừa làm mất thời gian cho trẻ ăn. Nên cho trẻ uống thêm nước sau khi ăn khoảng 15 phút.
- Trường hợp muốn dùng thuốc trị táo bón, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ thật cẩn thận.
Với trẻ ở độ tuổi ăn dặm: nên cho trẻ ăn đủ số bữa hàng ngày. Tăng cường thêm các loại rau xanh nhất là những loại có tính chất nhuận tràng như khoai lang, mồng tơi, rau dền. Khi nấu bột cho trẻ, bạn nên băm nhỏ nhau và cho trẻ ăn cả cái. Lượng rau xanh cần thiết cho trẻ 1 tuổi là khoảng 25 - 30g. Cho trẻ ăn thêm bưởi, cam, quýt, chuối, đu đủ… tránh cà rốt, hồng xiêm, táo…
- Cho trẻ uống nước ép hoa quả tươi hoặc nước rau pha loãng với nước 2 lần/ngày.
- Cho trẻ uống thêm nước nếu trẻ bị ra mồ hôi nhiều, môi trẻ khô, nước tiểu ít, màu vàng sậm. Tránh các loại nước hoa quả đóng hộp, nước ngọt đóng chai, nước có gas...
- Để tránh pha sữa đặc, bạn chỉ nên pha sữa cho trẻ theo đúng hướng dẫn ghi bên ngoài bao bì. Khi múc một muỗng sữa, chỉ nên gạt ngang, không cố gắng lèn chặt muỗng sữa.
- Massage bụng cho trẻ sau khi trẻ tắm bằng nước ấm: nên bắt đầu từ rốn và di chuyển dần ra ngoài ngược chiều kim đồng hồ.
- Tập động tác đạp xe cho đôi chân trẻ nhằm giúp các cơ dạ dày chuyển động tốt.
- Trẻ vận động nhiều sẽ có xu hướng ít bị táo bón hơn trẻ thích ngồi lâu một chỗ hoặc được bế thường xuyên.
- Nếu bạn muốn dùng thuốc trị táo bón cho trẻ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ quyết định xem có nên cho trẻ dùng thuốc nhuận tràng không. Một chu trình dùng thuốc nhuận tràng có thể kéo dài 1 - 3 tháng và giảm dần liều lượng.
Những trường hợp sau, bạn nên đưa trẻ đi khám:
- Trẻ dưới 1 tuổi bị táo bón kéo dài.
- Táo bón ngay sau khi trẻ mới sinh, có biểu hiện bụng trướng.
- Táo bón kéo dài trên 1 tuần.
- Táo bón kèm theo nôn trớ, chán ăn, gầy sút…
NGỌC HUÊ

Chăm sóc trẻ bị chàm thể tạng tại nhà

Chàm thể tạng là bệnh viêm da mạn tính, không lây, thường xảy ra trên cơ địa có tiền sử bản thân hay gia đình bị suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hay viêm da thể tạng.
Bệnh thường khởi phát ở nhũ nhi hay trẻ nhỏ và khó chữa hết dứt điểm, nhưng có thể kiểm soát tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số lưu ý dưới đây giúp chăm sóc trẻ bị chàm thể tạng ở nhà.
 Tổn thương chàm ở bàn tay
Vệ sinh - tắm rửa:
- Tắm nước ấm, không quá 2 lần mỗi ngày, thời gian tắm không quá 15 phút.
- Dùng sữa tắm dịu-nhẹ, có pH trung tính hay acid nhẹ (pH = 4,5 - 6,5), thích hợp riêng cho da bị chàm.
- Lau khô trẻ sau tắm bằng khăn tắm mềm, mịn, không chà mạnh lên da bé.
- Thoa chất giữ ẩm (vaselin, physiogel, cetaphil, oilatum...) thường xuyên, trong vòng 3 phút ngay sau tắm, ngày 3 - 4 lần.
- Khi tắm hồ, tắm biển, nên tắm trước và sau khi bơi bằng nước sạch, để hạn chế khô da do nước biển và kích ứng da do chất cloride dùng để sát trùng trong hồ bơi.
- Không nên tiếp xúc xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, nước hoa.
Áo quần:
- Mặc quần áo, găng tay, vớ chân bằng chất liệu 100% cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da bé thông thoáng, “dễ thở”.
- Không mặc đồ quá chật, hay vải bằng len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.
Tránh cào gãi:
- Cắt ngắn móng tay, móng chân để tránh bé ngứa, gãi làm tăng nhiễm trùng da.
- Nếu trẻ cào gãi nhiều, nên mang vớ chân, găng tay cho bé để hạn chế cào gãi.
Phòng ốc:
- Phòng thông thoáng, không khói thuốc, không nước hoa, không thú nuôi.
- Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp.
Ăn uống:
- Chỉ kiêng cữ một số thực phẩm nào làm bệnh chàm của bé nặng hơn.
- Uống nhiều nước.
- Vệ sinh mặt, miệng sau mỗi lần ăn hay bú sữa.
Tâm lý:
- Tạo tâm lý cho trẻ và gia đình luôn vui tươi, thoải mái.
- Tránh căng thẳng, nhất là trong các đợt thi cử, học hành.
Chú ý:
- Không hôn gần vị trí tổn thương da của bé, vì dễ tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, người có bệnh thủy đậu, viêm da Herpes, lở môi-miệng, tuyệt đối tránh gần bé vì dễ gây cho bé bị bệnh mụn mủ dạng thủy đậu, là bệnh nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Không chích ngừa vắc-xin thủy đậu trong giai đoạn tiến triển của bệnh chàm, vì có thể đưa đến biến chứng bệnh mụn mủ dạng thủy đậu.
- Không tự ý dùng thuốc, nhất là corticoid vì có nhiều tai biến và tác dụng phụ.
ThS.BS. NGUYỄN ĐÌNH HUẤN

Cảnh báo suy thận mạn ở tuổi học đường

Suy thận mạn (STM) là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính qua nhiều năm tháng, hậu quả của sự xơ hóa các nephron chức năng gây giảm sút từ từ mức lọc cầu thận dẫn đến tình trạng tăng nitơ phi protein máu như urê, creatinin máu, acid uric... Ở nước ta chưa có số liệu thống kê về STM trẻ em, nhưng tỷ lệ STM giai đoạn cuối chung cho cả người lớn và trẻ em là 0,06 - 0,08% dân số. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới bệnh lý này?
Nguyên nhân gây suy thận mạn
Viêm cầu thận dẫn đến STMở trẻ em chiếm tỉ lệ cao nhất, trong đó đáng lưu ý là nguyên nhân viêm cầu thận liên quan đến nhiễm khuẩn (viêm cầu thận cấp). Bệnh thường gặp ở trẻ em sau viêm họng hoặc viêm da. Các nghiên cứu ở nước ta cho thấy có 5 - 10% bệnh nhi, bệnh tiếp tục tiến triển mạn tính và gây suy thận sau 10 năm bị viêm cầu thận cấp. Có 80% trẻ bị viêm cầu thận cấp xảy ra sau viêm họng hoặc viêm da do liên cầu khuẩn, số còn lại do các vi khuẩn khác. Độ tuổi thường gặp là 6-9, bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào các tháng 9 - 12. Nghiên cứu sinh thiết thận ở trẻ viêm cầu thận cấp sau 10 - 15 năm cho thấy có tới 70% trường hợp có tổn thương xơ cứng cầu thận từng phần hoặc hoàn toàn, trong đó 30 - 40% có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Riêng ở tỉnh Vĩnh Phúc trong 10 năm (1995 - 2005) có 274 bệnh nhi bị viêm cầu thận cấp vào điều trị tại bệnh viện tỉnh, trong đó có 5,4% bệnh nhi bệnh tiến triển thành mạn tính và suy thận, sau 7 - 10 năm có 1,8% bệnh nhi phải lọc máu chu kỳ (Tạ Ngọc Cầu, Hà Hoàng Kiệm). Nếu làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, đề phòng và điều trị sớm nhiễm khuẩn họng và da thì có thể làm giảm được bệnh này, góp phần làm giảm tỉ lệ STM ở trẻ em.
 Viêm thận kẽ là một nguyên nhân chính gây suy thận.
- Viêm bể thận/viêm thận kẽ
đứng hàng thứ hai, trong đó tắc nghẽn đường dẫn niệu chiếm 6,2%, thường do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản bẩm sinh. Có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận và phẫu thuật để sửa chữa. Bệnh thận do trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản mỗi lần rặn đái chiếm 6,9%. Có thể phát hiện sớm bệnh này bởi triệu chứng trẻ thấy đau tức vùng hố thắt lưng mỗi lần rặn đái. Nếu trẻ có triệu chứng trên thì cần chụp bàng quang có bơm thuốc cản quang kết hợp rặn đái để xác định. Hình ảnh Xquang sẽ cho thấy nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Bệnh lý này là do khuyết tật ở van giữa niệu đạo và bàng quang, có thể điều trị sửa chữa khuyết tật này.
- Bệnh thận bẩm sinh gặp 16,2% số trẻ STM, trong đó bệnh thận nang chiếm 1,9% có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận. Hội chứng Alport chiếm 1,5% - đây là hội chứng bệnh lý có tính chất gia đình, bệnh biểu hiện bằng suy thận và 50% bệnh nhi có kèm theo điếc. Ngoài ra có thể gặp các bệnh thận bẩm sinh khác như Cystinosis, Oxalosis.
- Các bệnh hệ thống gặp 7% số trẻ STM, trong đó viêm thành mạch dị ứng (Henoch - Schonlein - pupura) chiếm 2,4%. Bệnh biểu hiện bằng từng đợt xuất huyết dưới da thể chấm, chủ yếu ở hai chân, đối xứng, có thể kèm theo đau sưng các khớp, có protein niệu, có thể điều trị lui bệnh bằng các thuốc corticoid. Hội chứng tan máu - urê máu chiếm 3,1% biểu hiện bằng vàng da, bilirubin máu tăng, thiếu máu, urê máu tăng.
Hậu quả do suy thận mạn
 Khi đã bị STM tính thì bệnh sẽ tiến triển dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này để duy trì cuộc sống của bệnh nhân phải điều trị thay thế thận bằng lọc máu hoặc ghép thận, đây là các kỹ thuật cao hết sức tốn kém. Các phương pháp điều trị bảo tồn STM chỉ có vai trò kéo dài thời gian ổn định chức năng thận và làm chậm tiến triển của suy thận đến giai đoạn cuối. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, phòng và điều trị sớm các nhiễm khuẩn ở họng hoặc da và các nhiễm khuẩn khác, phát hiện sớm các bệnh thận bẩm sinh như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trào ngược nước tiểu bàng quang lên niệu đạo, bệnh thận nang để có biện pháp điều trị sớm, có thể làm giảm được tỉ lệ trẻ em bị STM.      
Tỉ lệ STM ở trẻ em Mỹ là 1 - 5 trẻ/ 1 triệu dân (Fine và Gruskin 1984), trong đó hơn 50% số trẻ em STM giai đoạn cuối nằm trong độ tuổi 11 - 16. Ở Đức, theo số liệu của APN (Arbeitrgemeinschaft Fur Padiatrische Nephrologie), tỉ lệ STM giai đoạn cuối ở trẻ em là 5 trẻ /1 triệu trẻ em. Tỉ lệ này tăng dần theo nhóm tuổi, từ 0 - 5 tuổi: 32%, 5 - 10 tuổi: 72%, 10 - 16 tuổi: 87%. Còn theo số liệu của Hội Lọc máu và Ghép thận châu Âu (EDTA) thì tỉ lệ trẻ em STM thay đổi từ 1 trẻ /1 triệu dân (ở Hy Lạp) đến 11 trẻ /1 triệu dân (ở Israel). Ở nước ta chưa có số liệu STM ở trẻ em, nhưng tỉ lệ STM giai đoạn cuối chung cho cả trẻ em và người lớn là 0,06 - 0,08% dân số (điều tra 18.064 người ở một số vùng dân cư). Các nguyên nhân STM ở trẻ em gồm: viêm cầu thận 31%; viêm bể thận/viêm thận kẽ 22,5%; bệnh thận bẩm sinh 16,2%; bệnh hệ thống 7,0%; bệnh mạch máu thận 1,5%; các bệnh khác 5,7%; không rõ nguyên nhân 3,7% (theo EDTA).

 PGS. TS. BS.Hà Hoàng Kiệm (BV 103)

Làm sao biết con bị tự kỷ?

Chứng tự kỷ ở trẻ em không còn xa lạ đối với hầu hết các phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có khái niệm rõ ràng về nó. Vậy để nhanh chóng phát hiện bệnh nhằm đưa ra cách xử lý kịp thời, cha mẹ cần lưu ý đến những biểu hiện điển hình của tự kỷ.
 Phụ huynh cần nhận biết sớm những dấu hiệu tự kỷ ở con mình
Dấu hiệu cảnh báo dưới 1 tuổi
Dạng bé hiền”: cứ ăn rồi ngủ, đặt đâu nằm đó ít quấy khóc hoặc ê a. Ở dạng này, mẹ lại rất hay tự hào về bé vì cho rằng mới sinh ra mà bé đã rất “biết điều”, biết thương mẹ! Bé hầu như không đòi hỏi sự tương tác của người lớn.
Dạng bé quậy”:
- Khóc vô cớ bất kể ngày đêm, không tìm ra lý do, không ai dỗ nổi (không phải khóc dạ đề). Khi khóc, rất thảm thiết, hay ưỡn người ra xa mẹ.
- Ít ngủ, khó dỗ ngủ hoặc không ngủ, ngủ không sâu. Hay trân mình, gồng người như thể vươn vai hay bị mỏi.
- Phản xạ nhai kém hoặc không co, ăn thì hay nuốt trọng.
- Hiếm hoặc không có nụ cười “bà mụ dạy”. Dù còn nhỏ nhưng có vẻ mặt ưu tư xa vắng như ông cụ non.
- 8 - 9 tháng vẫn không biết lạ. Ít chơi đồ chơi.
- Đến 1 tuổi vẫn không biết chỉ trỏ, không bi bô bập bẹ.
Dấu hiệu bệnh lý từ 1 tuổi trở đi
- Ăn vạ thường xuyên, có vẻ là một bé “khó ưa”.
- Không muốn kết bạn, hầu như không tương tác với xung quanh.
- Ít hồi đáp khi nghe gọi tên, giao lưu bằng mắt rất kém.
- Các hoạt động có xu hướng bất biến (xem hoài những băng đĩa chương trình quen thuộc, “nghiện” một số món đồ dùng, bắt đi theo lộ trình quen thuộc, món ăn quen thuộc…).
- Khả năng tập trung chú ý rất kém hoặc không có.
- Rất kén ăn, khó ăn. Hoặc có những bé còn rất nhỏ nhưng lại ăn những thứ rất “người lớn” như: hành tỏi sống, muối ớt, uống nước mắm… Ăn đầy đủ nhưng vẫn suy dinh dưỡng hoặc ăn đúng chế độ chuẩn nhưng vẫn béo phì.
- Đi rất ít té hoặc không hề té dù mới biết đi (mẹ cũng rất hay tự hào về điều này). Chạy nhiều, đi ít, đi nhón chân, đi không biết đánh tay đòng đưa.
- Hành vi khác lạ: hay xoay đồ vật (bánh xe đồ chơi, viết, lược...) hoặc tự xoay tròn. Tự hành hạ hoặc hành hạ người thân (túm tóc, cào cấu, cắn, đánh). Không biết nguy hiểm. Hay nói nhảm với nhiều âm nhưng vô nghĩa. Khó gội đầu cắt tóc, khó cắt móng tay móng chân. Hay chui vào góc nhà hoặc tìm chỗ vắng ngồi chơi một mình. Khó huấn luyện đi vệ sinh. Hay vẩy tay, ấn mắt, nhìn nghiêng, liếc…
- Rất hay rối loạn tiêu hóa không lý do: hơn 60% trẻ tự kỷ bị táo bón kinh niên, cá biệt có bé liên tục bị tiêu chảy vô cớ. Hay bị viêm hô hấp trên (viêm tai - mũi - họng, viêm amidal…) với tần suất rất cao (có bé viêm nhiễm…  úng lịch!). Hay sốt, thậm chí sốt định kỳ!
Bác sĩ không tìm ra nguyên nhân thông qua xét nghiệm máu.
- Thở khó khi ngủ, có bé nửa đêm thức giấc thở dốc.
- Ngôn ngữ: không có, mất dần hoặc không hoàn chỉnh. Thể hiện: không nói được từ đơn khi đã 16 tháng (từ có 1 chữ); không nói được từ đôi khi đã 2 tuổi (từ có 2 chữ); nói khó, ghét nói; đã nói được, nói giỏi nhưng bỗng nhiên mất dần ngôn ngữ: nói ngày càng ít đi, và cuối cùng không chịu nói nữa, thường xảy ra ở độ tuổi từ 18 tháng đến khoảng gần 4 tuổi; nói suôn sẻ, nhưng không đúng ngữ cảnh (nội dung không liên quan đến hoàn cảnh – môi trường xung quanh).
Tùy theo tình trạng bệnh từ nhẹ đến nghiêm trọng, những triệu chứng nêu trên sẽ tăng từ ít tới nhiều. Nhưng nếu chỉ “vướng” vào một trong những biểu hiện đã nêu trên, thì bé cũng đã trở thành một bệnh nhân tự kỷ, vì đây là những triệu chứng cực kỳ điển hình. Nếu bé “vướng” phải đến 35% các triệu chứng kể trên thì bé đã mắc bệnh ở mức trung bình, nghĩa là không có khả năng tự hồi phục.
Đây là chứng bệnh do rối loạn chức năng não bộ, nên những bé thiếu tháng, nhẹ cân, mẹ quá stress khi mang thai hoặc gặp tai biến thai sản (nhiễm trùng ối, ít ối, đa ối, xuất huyết, dọa sinh non, sản giật…) hoặc tai biến trong khi sinh (ngợp, tím tái, ra đời muộn hơn 6 tiếng sau khi vỡ ối, sinh hút hoặc dùng y cụ lôi bé ra thiếu thận trọng, sử dụng các loại thuốc mê cho mẹ…) sẽ là “miếng mồi ngon” cho chứng bệnh rất dễ mắc nhưng cực kỳ khó chữa này.
LÊ THỊ PHƯƠNG NGA
(Chuyên gia nghiên cứu trẻ em và trẻ chậm phát triển)

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons