Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Cách dùng thuốc phòng và trị bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn

Ở nước ta, viêm màng não mủ do vi khuẩn ở trẻ em trước đây thường xảy ra vào mùa đông - xuân nhưng những năm gần đây, bệnh có thể mắc quanh năm, nhất là dịp hè. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện, điều trị đúng, kịp thời thì tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề...
 
Khi nào thì nghĩ đến viêm màng não mủ?
Viêm màng não mủ ở trẻ em thường do lây truyền qua đường hô hấp, đường sinh sản và từ môi trường. Khi trẻ bị bệnh sẽ có hội chứng của nhiễm khuẩn (trẻ lớn thường có sốt cao, đau cơ, đau đầu kéo dài dùng thuốc giảm đau không khỏi. Trẻ sơ sinh lại có thể bị hạ thân nhiệt, bú kém hoặc bỏ bú), hội chứng màng não (nôn vọt, bị kích thích, co giật, sợ ánh sáng, li bì hoặc hôn mê. Trẻ càng nhỏ ít có hội chứng não, thường hay khóc thét, kém linh hoạt). Trong giai đoạn sớm của bệnh, sự thay đổi về tính tình, sự kém linh hoạt của trẻ là những dấu hiệu gợi ý quan trọng.
Khoảng 80% trường hợp do các vi khuẩn H.influenzae, N. meningitides, S. pneumoniae; khoảng 20% trường hợp do các vi khuẩn gram âm như E.Coli, Klebsiella pneumoniae, Samonella...
Các bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo nôn, co giật cần nghĩ đến bệnh viêm màng não mủ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời. 
 Thuốc và những lưu ý khi dùng
Cần dùng thuốc thật sớm sẽ có hiệu quả, tránh tử vong và để lại di chứng:
Dùng kháng sinh trước khi có xét nghiệm:
Chẩn đoán ban đầu dựa vào nhiễm khuẩn theo tuổi, dấu hiệu lâm sàng, dùng kết hợp hai kháng sinh thường có hiệu lực với nhóm khuẩn nhiễm thường gặp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi: Phối hợp ampicillin hoặc amoxicillin với gentamycin (amikacin). Nếu nghi ngờ vi khuẩn kháng ampicilin thì có thể dùng cefotaxim phối hợp với một kháng sinh nhóm aminozid (như gentamycin).
Với trẻ trên 2 tháng tuổi: Phối hợp ampicillin (hoặc penicillin G) với chloramphenicol. Nếu nghi ngờ vi khuẩn kháng ampicillin thì dùng cefotaxim (hay ceftriaxon) phối hợp với một kháng sinh nhóm aminozid (như gentamycin).
Dùng kháng sinh sau khi có kết quả xét nghiệm:
Dùng kháng sinh đặc hiệu, tốt nhất dựa trên kháng sinh đồ. Tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp.
Ví dụ, do não mô cầu N. meningitides, phế cầu S. pneumoniae: tiêm tĩnh mạch penicllin G, dùng trong 10 ngày. Nếu vi khuẩn kháng penicillin thì có thể thay bằng chloramphenicol. Với H.influenzae: tiêm bắp hay tĩnh mạch chloramphenicol hoặc dùng chloramphenicol phối hợp với ampicillin (hay cefotaxim)...
Nếu các thuốc trên bị vi khuẩn kháng lại có thể dùng fluoroquinolon, một nhóm kháng sinh phổ rộng, mạnh như ciprofloxacin, ofloxacin, perfoxacin... Nguyên tắc chung khi dùng nhóm thuốc này là, chỉ dùng cho trẻ trên 12 tuổi, nếu dùng cho trẻ dưới 12 tuổi sẽ có ảnh hưởng xấu đến xương. Tuy nhiên, khi cần thiết vẫn có thể dùng nếu thấy lợi ích cao hơn nguy cơ.
Dùng các thuốc hỗ trợ khác:
Ngoài việc dùng kháng sinh đặc hiệu có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol (nếu sốt cao), dùng thuốc chống co giật như phenolbarbital (nếu có co giật, vì co giật kéo dài sẽ gây tổn thương não, để lại di chứng nặng nề), thuốc chống phù não (chỉ dùng dexamethason trong ngày đầu).
Hiện đã có vaccin dự phòng viêm màng não mủ do não mô cầu N. meningitides. Trẻ từ 2 tuổi trở lên thường bị viêm màng não mủ do N. meningitides với tỷ lệ cao nên dùng vaccin này là có lợi. Vaccin này không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì chưa hiểu rõ độ an toàn.
DS. Hà Thủy Phước

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons