Trẻ em bình thường nếu không có bệnh tật nào, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ, thường không thiếu vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trẻ cần phải bổ sung các vi chất này.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin và chất khoáng là do bữa ăn của trẻ không đảm bảo chất lượng, do ăn phải gạo bị mốc hoặc để lâu ngày, rau quả để bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu, chế biến thức ăn không đúng như đun đi đun lại nhiều lần…
Nguyên nhân nữa là do trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, các bệnh về gan mật…
Cho trẻ uống vitamin A
|
Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt làm trẻ bị khô mắt, nhẹ thì quáng gà, nếu nặng gây loét, thủng giác mạc có khả năng dẫn đến mù lòa. Thiếu vitamin A còn làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Thiếu vitamin B1 làm cho trẻ bị phù, viêm các dây thần kinh làm cho trẻ có các triệu chứng tê bì và các rối loạn cảm giác khác. Trong các trường hợp nặng có thể gây suy tim và có khi dẫn tới tử vong…
Thiếu vitamin B6 đơn độc thường chỉ gặp trong bệnh khuyết tật do di truyền. Cũng gặp trong trường hợp dùng Rimifon để điều trị lao kéo dài mà không bổ sung đầy đủ vitamin B6.
Thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu có hồng cầu khổng lồ, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân. Đôi khi có giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, kéo dài thời gian chảy máu và các dấu hiệu thần kinh khác như có cảm giác kiến bò, giảm xúc giác.
Thiếu vitamin C gây bệnh Scorbut dễ chảy máu dưới da và niêm mạc và làm giảm sút sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
Thiếu vitamin D làm trẻ dễ mắc bệnh còi xương.
Thiếu vitamin K làm trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt có thể gây xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm.
Thiếu canxi làm trẻ bị bệnh còi xương và co giật kiểu tetani.
Thiếu sắt làm cho trẻ bị bệnh thiếu máu nhược sắc gây hoa mắt chóng mặt, trẻ chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng học tập, mệt mỏi và kém tập trung.
Thiếu kẽm làm cho trẻ em chậm phát triển, chán ăn, tiêu chảy, dễ mắc các bệnh ngoài da, rụng tóc, chậm lành các vết thương, suy giảm chức năng miễn dịch và tăng nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng, chậm dậy thì.
Thiếu iod gây hậu quả rất nặng nề, trong các trường hợp nặng làm trẻ bị đần độn, chậm phát triển.
Sử dụng vitamin và muối khoáng
Vitamin A:
Để phòng bệnh thiếu vitamin A, trẻ em khỏe mạnh tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi cần phải được uống vitamin A định kỳ 6 tháng 1 lần. Trẻ dưới 12 tháng tuổi mỗi lần 1 viên nang 100.000 UI (đơn vị quốc tế). Trẻ từ 12 tháng trở lên uống mỗi lần 1 viên nang 200.000 UI.
Vitamin B1:
Dùng để phòng bệnh tê phù:
- Trẻ nhỏ ngày uống 1 viên vitamin B1 0,01g.
- Trẻ lớn ngày uống 2 - 5 viên vitamin B1 0,01g.
Vitamin B6:
Dùng để phòng thiếu vitamin B6 khi phải điều trị trẻ bị lao sơ nhiễm bằng rimifon, hãy uống vitamin B6 25mg 1 - 2 viên/ngày.
Điều trị bệnh thiếu vitamin B6 do khuyết tật di truyền, hãy uống viatmin B6 25mg 4 - 10 viên/ngày.
Vitamin B12:
Điều trị thiếu máu hồng cầu to: tiêm bắp viamin B12 100 - 200µg/ngày. Mỗi đợt dùng từ 1 - 2 tuần cho đến khi khỏi bệnh.
Điều trị ngộ độc cyanua với liều cao 100µg/kg tiêm tĩnh mạch.
Điều trị đau dây thần kinh với liều cao 500 - 1.000µg/tuần.
Chú ý: không dùng cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư, bệnh tắc nghẽn mạch và bệnh tăng hồng cầu.
Vitamin C:
Điều trị bệnh Scorbut và các chứng chảy máu do thiếu vitamin C, hoặc tăng sức đề kháng khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn với liều:
- Trẻ nhỏ uống vitamin C 0,1g 1 – 4 viên/ngày.
- Trẻ lớn uống vitamin C 0,1g 5 – 10 viên/ngày.
Không nên tiêm tĩnh mạch vitamin C vì đã có trường hợp gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong trừ những trường hợp thật cần thiết.
Vitamin D:
Dùng để phòng hoặc điều trị bệnh còi xương do thiếu vitamin D rất hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi.
- Phòng bệnh còi xương: mỗi ngày cho trẻ uống 800 - 1000 UI.
- Điều trị: mỗi ngày cho trẻ uống 10.000 - 20.000 UI. Thời gian dùng từ 6 - 8 tuần để tổng điều trị có thể đạt tới 800.000 - 1.200.000 UI.
Vitamin K:
Tiêm bắp viatmin K để dự phòng điều trị xuất huyết não cho trẻ mới sinh, đặc biệt là các trẻ sinh non với liều:
- Vitamin K 1mg tiêm bắp một liều duy nhất ngay sau khi sinh cho các trẻ có cân nặng từ 1.500g trở lên và liều 0,5mg cho các trẻ có cân nặng dưới 1.500g.
Điều trị các tình trạng thiếu vitamin K khác ở trẻ lớn với liều 5 - 10mg/ngày tiêm bắp hoặc uống. Mỗi đợt điều trị dùng từ 5 - 7 ngày.
Canxi:
Phối hợp cùng với vitamin D để điều trị bệnh còi xương với liều:
- Canxi lactat (có 13% canxi) hoặc canxi gluconat (có 9% canxi) 0,5g uống 1 - 2 viên/ngày.
Để điều trị co giật kiểu tetani với liều: canxi gluconat 0,5g tiêm tĩnh mạch chậm 1 - 2 ống/lần.
Kẽm:
Việc bổ sung kẽm vào các chế phẩm khác như Multi - vitamin sẽ cung cấp được một lượng kẽm theo nhu cầu sinh lý hàng ngày. Cũng có một số thuốc khác có hàm lượng kẽm cao hơn dùng để điều trị bệnh trứng cá, hoặc một số viên thuốc có phối hợp với các vitamin E, A, C và kẽm để phòng chống oxy hóa.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc vitamin và chất khoáng hỗn hợp. Mặc dù các thuốc này bán không cần đơn của thầy thuốc, nhưng như vậy không có nghĩa rằng các thuốc này an toàn tuyệt đối. Nếu trẻ không có bệnh hoặc không có các nguyên nhân gây thiếu vitamin hoặc chất khoáng nêu trên thì không nên cho trẻ dùng thêm các thuốc này. Trong trường hợp trẻ cần phải dùng thuốc dài ngày, hoặc phải dùng liều cao, hoặc phải dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần viatmin và chất khoáng ở trong một viên thuốc, cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa nhi.
TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét