Nhằm giúp trẻ có một chiều cao cân đối và một thể lực dẻo dai, phụ huynh cần lưu ý những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp trên sự phát triển chiều cao của con trẻ để có những hỗ trợ tích cực.
Những yếu tố ảnh hưởng
Dinh dưỡng: đây là yếu tố góp phần đến 31% sự phát triển chiều cao của trẻ. Để giúp trẻ có được chiều cao tối ưu cần có sự cân đối về chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý nhất để trẻ có thể có một sức khỏe dẻo dai, một thân hình lý tưởng và sức đề kháng tốt. Một chế độ dinh dưỡng khoa học cần có sự góp mặt của tinh bột, chất béo, chất đạm, các vitamin, nhất là vitamin C, khoáng chất và các chất xơ từ chính nguồn rau xanh và trái cây tươi. Đặc biệt, trong đó chất đạm (protein) tham gia vào việc hình thành các tế bào, tăng cường hệ thống miễn dịch, canxi tạo độ chắc khỏe cho xương và răng, vitamin D giúp chuyển hóa hiệu quả canxi và phốt pho trong cơ thể.
Dinh dưỡng là yếu tố góp 31% sự phát triển chiều cao của trẻ
|
Vận động thể lực và giấc ngủ: quyết định sự tăng trưởng chiều cao khoảng 20%. Ngay cả khi trẻ còn nhỏ, cần rèn cho trẻ thói quen luyện tập một cách đều đặn để có thể đảm bảo cho cơ và xương phát triển một cách tối đa. Có rất nhiều hình thức luyện tập, phụ huynh và trẻ hãy cùng chọn ra một môn thể thao ưa thích và hợp với sức của trẻ nhất như bơi lội, đá bóng, khiêu vũ, đạp xe đạp...
Ngủ đủ và đúng giờ quy định để tối ưu hóa chiều cao cho trẻ. Cần quan tâm đến quá trình hình thành của một loại hormone có tên là somatotropin. Hormone này nắm giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên các tế bào sụn (các tế bào sụn này tham gia tích cực vào việc tăng chiều dài của các xương như xương tay, xương chân…). Bên cạnh đó somatotropin cũng kích thích cơ thể sản sinh thêm một loại hormone có tên gọi là somatomedin. Hormon này giúp tăng trưởng chiều cao khoảng một giờ ngay sau khi trẻ bắt đầu giấc ngủ. Đây là lý do tại sao trẻ em nên ngủ đều đặn và đúng giờ quy định.
Ba giai đoạn quan trọng
Trong việc phát triển chiều cao của trẻ có 3 giai đoạn quan trọng đó là:
- Giai đoạn trong bào thai: trong thời gian mang thai, nếu người mẹ có chế độ dinh dưỡng tốt, người mẹ tăng cân từ 10 - 15kg thì trẻ sinh ra sẽ đạt chiều cao là 50cm và nặng từ 3kg trở lên.
- Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: 12 tháng đầu trẻ tăng 25cm; 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.
- Giai đoạn dậy thì: bình thường bé gái từ 10 - 16 tuổi và bé trai từ 12 – 18 tuổi. Trong giai đoạn này, có 1 - 2 năm chiều cao trẻ tăng vọt từ 8 - 12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Thực tế không thể biết chính xác năm đó là năm nào, nên vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ trong suốt thời gian này. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm rồi ngưng hẳn ở khoảng độ tuổi 22 đối với nữ và 25 tuổi đối với nam. Người ta thường ước tính chiều cao của trẻ khi trưởng thành sẽ gấp đôi chiều cao lúc 2 tuổi (chẳng hạn lúc 2 tuổi trẻ cao 82cm, khi lớn sẽ cao 164cm). Hoặc chiều cao lúc trưởng thành bằng chiều cao lúc 10 tuổi nhân với 1,25 (ví dụ khi 10 tuổi trẻ cao 140cm thì lúc trưởng thành sẽ cao 175cm).
Dấu hiệu gợi ý con trẻ của bạn đang có vấn đề về phát chiều cao:
- Trong một năm chiều cao của trẻ phát triển không quá 4cm.
- Chiều cao hiện tại của trẻ thấp hơn khoảng 10cm so với chiều cao trung bình của các bạn cùng trang lứa. Khi trẻ mắc phải một trong các vấn đề này, tốt nhất bạn nên nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
ThS.BS. ĐINH THẠC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét