Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Những căn bệnh nguy hiểm trẻ dễ mắc phải khi đi học

Mỗi năm vào mùa tựu trường, hàng triệu trẻ em trên cả nước bắt đầu ngày đầu tiên đi học. Bên cạnh những mừng vui đưa con trẻ đến trường, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng sợ con mình dễ mắc bệnh khi đi học.
bệnh trẻ em
Do bắt đầu tiếp xúc rộng rãi với môi trường trường học, có nhiều bạn bè và người xung quanh nên trẻ có nhiều vấn đề cần lưu ý trong đó quan trọng nhất là những rối loạn tâm lý, nguy cơ nhiễm trùng tiểu và lây lan các bệnh truyền nhiễm là những đặc điểm cần quan tâm.
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu bệnh nhiễm trùng tiểu khá thường gặp ở trẻ em lứa tuổi này, xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai, nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân.
Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.
Với những bé chuẩn bị đi học các bậc phụ huynh nên rèn cho bé thói quen đi vệ sinh đúng giờ, rửa tay sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm chéo các bệnh khác, với bé gái nên dạy con cách dùng giấy vệ sinh đúng cách.
Những bệnh truyền nhiễm có thể mắc phải
Những bệnh truyền nhiễm trẻ có thể mắc phải khi lần đầu tiên đi học là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và bệnh nhiễm siêu vi.
Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp
Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau.
Nhưng trẻ vẫn chơi bình thường. Hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều có thể tự khỏi trong vòng 4 đến 5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh nhiễm siêu vi
Bệnh nhiễm siêu vi có đặc điểm nổi bật là sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể lên đến 39 độ hoặc cao hơn. Sốt liên tục ngày lẫn đêm. Khi dùng thuốc hạ nhiệt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng lên. Kèm theo sốt nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy.
Bệnh lý do siêu vi rất hay gặp và cần lưu ý vào mùa mưa là bệnh sốt xuất huyết. Triệu chứng xuất huyết biểu hiện chấm xuất huyết ở da dạng nhỏ li ti, khi căng da vẫn còn hay tự nhiên có vết bầm, mảng xuất huyết ở tay chân, thân mình, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn máu, tiêu ra máu.
Các triệu chúng nhiễm siêu vi này thường xuất hiện cấp tính, sau 3-5 ngày trẻ hết sốt, khỏe trở lại từ từ. Nếu sốt xuất huyết trở nặng, trẻ đột nhiên hết sốt và trở nên mệt nhiều, bứt rứt, vật vã, tay chân lạnh , đau bụng, ói nhiều, ói hay tiêu ra máu.
Cách chăm sóc trẻ tại nhà
- Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng.
- Làm thông thoáng mũi. Khi trẻ ho, khò khè vỗ lưng giúp tống xuất đàm ra ngoài, trẻ sẽ hết ho. Dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, nhảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi..
- Tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh sẽ kích thích trẻ ho.
- Cho trẻ uống nhiều nước - Tăng cường dinh dưỡng để làm tăng sức đề kháng cho trẻ.


​Giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý



TUỔI THƠ CỦA TRẺ EM ĐỀU ÊM ĐỀM, TUY NHIÊN CÓ MỘT SỐ TRẺ KHÔNG MAY MẮN GẶP RỦI RO, BẠO HÀNH GIA ĐÌNH, BỊ LẠM DỤNG TÌNH DỤC ĐÃ GÂY RA NHỮNG TỔN THƯƠNG TÂM LÝ CHO TRẺ.


Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo không chỉ về thể chất mà cả phần tâm lý, nên người lớn luôn cần quan tâm trẻ đúng mực, làm bạn với trẻ - Ảnh minh họa: T.T.D.
Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc chu đáo không chỉ về thể chất mà cả phần tâm lý, nên người lớn luôn cần quan tâm trẻ đúng mực, làm bạn với trẻ - Ảnh minh họa: T.T.D.
Hằng ngày tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ em có vấn đề về tâm lý, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý BV Nhi Đồng 1, TPHCM, kể chị từng gặp những trẻ em bị sang chấn tâm lý nặng.
Những bệnh nhi đáng thương này còn rất nhỏ tuổi, ngoài một số ít nguyên nhân rủi ro như bị cháy nhà, chết đuối... nguyên nhân chủ yếu gây sang chấn tâm lý cho trẻ lại là do người lớn.
Những bệnh nhi đáng thương
Một cậu bé 14 tuổi, ở Sóc Trăng, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu vì uống thuốc diệt chuột tự tử. Rất may, cậu bé được cứu sống.
Khi sức khỏe bệnh nhi ổn định, các bác sĩ tâm lý của bệnh viện đến thăm hỏi, trò chuyện với cậu tìm hiểu nguyên nhân tại sao cậu muốn tìm cái chết thì câu trả lời chính là vì "ba thường xuyên đánh đập mẹ". Mỗi lần uống rượu say ba cậu đều đánh mẹ cậu.
Đến một ngày, cậu quyết định uống thuốc diệt chuột để không bao giờ nhìn thấy cảnh tượng đau lòng này.
Một trường hợp khác là em T., học lớp 5, ở Đồng Tháp. Bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm tiền trong lớp, rồi đưa lên công an lấy lời khai là một cú "sốc nặng" đối với bé T.. Từ trụ sở công an trở về bé T. bị hoảng loạn.
Hôm được gia đình đưa đến khoa tâm lý BV Nhi Đồng 1 khám, bé chạy ngay vào góc phòng, cúi mặt xuống. Mẹ bé kể có lúc bé rất hung hăng, nhưng có lúc lại sợ hãi. Điều làm người nhà lo lắng nhất là bé không chịu nói lời nào.
Suốt 6 tháng điều trị, bé chỉ trao đổi với bác sĩ bằng ngôn ngữ viết. Sau đó tình trạng tâm lý của bé khá lên, bé muốn đi học nhưng vẫn sợ bị xã hội kỳ thị.
Hay một bé trai 10 tuổi ở TPHCM bị bạn bắt nạt, sai khiến mang dao vô trường "thanh toán" một bạn khác. Nhà trường không biết điều đó nên định đuổi học cậu bé này. Đây là một sang chấn tinh thần rất mạnh với cậu bé.
Cậu bé run rẩy, sợ hãi khi được cha đưa đến BV Nhi Đồng 1 khám tâm lý. Sau một thời gian trò chuyện rất lâu cùng bác sĩ, cậu mới kể rõ chuyện bị bạn khác trong trường ép mang dao...
Một cô bé mới 8 tuổi, xinh xắn, bỗng dưng lúc nào cũng sợ hãi hỏi mẹ: "Mẹ có chết không mẹ?". Người mẹ không hiểu tại sao con mình lại có biểu hiện bất thường như vậy đã kiên nhẫn nài nỉ con kể. Cuối cùng cô bé đồng ý kể cho mẹ nghe với điều kiện "mẹ không được nói cho ai và mẹ đừng chết nhé".
Sau đó, người mẹ biết con mình đi học và bị người bảo vệ trong trường sờ soạng trong những lần vào phòng bảo vệ đợi mẹ. Chú bảo vệ còn dặn nếu nói ra chú ấy sẽ giết mẹ. Trường hợp này bé bị sang chấn tâm lý nặng nên phải chuyển sang một cơ sở y tế khác để điều trị bằng thuốc.
BS Quỳnh Trang vẫn nhớ như in hình ảnh một bé gái 5 tuổi, bị phỏng phải bỏ mất hai chân. Ba bé say rượu bị người mẹ cằn nhằn nên đổ xăng đốt nhà. Bé gái này bị trầm cảm sau đó.
Sinh viên thực tập trong khoa đến trò chuyện với bé trong hơn ba tháng điều trị, đọc truyện cho bé nghe, dạy bé hát... bé đã bắt đầu nói chuyện, hát trở lại.
Có lần bác sĩ tâm lý nhắc đến ba của bé và bé trả lời: "Con không muốn gặp ba". Các bác sĩ tâm lý cũng không biết sau này cô bé đó sẽ đối diện với ba như thế nào, nhưng sang chấn tâm lý đó hẳn sẽ ở lại trong suốt cuộc đời cô bé ấy.
Biểu hiện như mất trí nhớ
Theo BS Quỳnh Trang, sau khi bị sang chấn tâm lý, trẻ sẽ có biểu hiện như bị mất trí nhớ (không nhớ những gì đã xảy ra), không nói được bằng lời, cứ làm hoài một động tác hoặc một câu nói - chứng tỏ sự lo âu, sợ hãi của trẻ lên đến tột đỉnh, ngủ không được, gặp ác mộng, mộng du, sợ hãi...
Các biểu hiện này có thể biểu hiện trong ba tháng (sang chấn cấp), hoặc tiếp tục biểu hiện sau ba tháng (sang chấn mãn). Song, những sang chấn tâm lý có thể kéo dài hàng chục năm, có thể gây ra tự tử, bạo lực (đánh người, thậm chí giết người), rối loạn lo âu, ám thị xã hội.
Trẻ bị sang chấn tâm lý là khi trẻ bị mất an toàn, do vậy gia đình cần tạo môi trường để trẻ cảm thấy an toàn. Nếu trẻ có những biểu hiện sang chấn tâm lý, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý khám, tư vấn, điều trị. Lúc này sự phản ứng, hỗ trợ của cha mẹ rất quan trọng.
Cha mẹ quá lo lắng, trầm cảm, trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý nhiều hơn. Trẻ rất cần cha mẹ có thái độ tích cực, lắng nghe, đồng hành với trẻ, ôm ấp, vỗ về, an ủi để tạo một chỗ dựa cho trẻ.


Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Những lưu ý về bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em

Nguyên nhân của viêm đường tiểu ở trẻ em

Viêm đường tiết niệu ở trẻ em chủ yếu do viêm bàng quang hoặc viêm thận. 

Ở bé gái, do cấu tạo sinh lý là niệu đạo ngắn, lỗ tiểu lại gần với hậu môn nên rất dễ bị lây nhiễm bởi các vi sinh vật từ hậu môn lây sang. 

Ở bé trai, có một số do có dị dạng ở đường tiểu, nhất là hiện tượng hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu thường xuyên bị ứ lại, gây viêm đường tiết niệu ngược dòng. 

Một số trẻ không mặc quần hoặc mặc quần thủng đít hoặc hay lăn lê trên mặt đất cũng rất dễ bị viêm đường tiết niệu. Việc sử dụng tả giấy không đúng quy cách hoặc băng tả giấy suốt đêm cũng có thể làm cho trẻ bị viêm đường tiết niệu, nhất là mỗi khi cả phân và nước tiểu lẫn lộn với nhau. 

Viêm đường tiết niệu ở trẻ đôi khi còn do các bậc phụ huynh , cô nuôi dạy trẻ, hoặc các bé lớn không biết cách vệ sinh sau mỗi lần đi tiêu tiểu. Nếu rửa từ sau ra trước thì vô tình sẽ đưa vi khuẩn vào lỗ tiểu, nhất là các trẻ em gái. 

Căn nguyên gây viêm đường tiết niệu ở trẻ chủ yếu do vi khuẩn E.coli và có thể do một số ký sinh trùng (vi nấm) hoặc do virut..


Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Tuổi càng nhỏ thì triệu chứng viêm đường tiết niệu càng khó phát hiện vì các triệu chứng không rõ ràng so với bé lớn. Trẻ có thể bị sốt nhẹ, sốt kéo dài, đôi khi sốt cao. Trẻ có thể biếng ăn, kém chơi, hay quấy khóc, đôi khi có rối loạn tiêu hoá như nôn hoặc tiêu chảy.

Một số trẻ em trai lớn hơn có động tác sờ vào chim do khó chịu, đau khi đi tiểu. Trẻ cũng có thể tiểu chút chút, buốt, đau, đi tiểu nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. 

Trẻ càng lớn thì hiện tượng đái buốt, đái dắt càng rõ nét. Nước tiểu của trẻ bị viêm đường tiểu có thể đục, hoặc có máu. Mức độ đục nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào thời gian bị viêm, hoặc thời điểm lấy nước tiểu trong ngày

Biện pháp phòng ngừa

Mỗi khi thấy con mình sốt, dù là sốt nhẹ, cha mẹ cũng không được chủ quan. Khi trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, ăn, ngủ, chơi kém, cần cho trẻ đi khám bệnh. 

Khi thay tả cho trẻ, cần để ý xem có cặn trắng hoặc máu ở tả hay không. Chú ý thay tả sau khi trẻ tè, nhất là sau khi trẻ đại tiện cần thay ngay, tránh làm cho lây lan vi khuẩn gây bệnh sang đường tiết niệu, đặc biệt là bé gái. 

Nếu thấy trẻ hay sờ tay vào chỗ kín, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bé trai đi tiểu bị phồng ở bao quy đầu hoặc đi đái khó là phải cho trẻ đi khám xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu hay không, vì đây là một trong những nguyên nhân hay gặp gây viêm đường tiết niệu cần giải quyết được nguyên nhân này bé mới khỏi bệnh.

Cần tập cho trẻ có thói quen đi tiểu, không nín tiểu, đi tiểu trước khi ngủ.

Khi vệ sinh cho trẻ, cần lau giấy vệ sinh từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn vào lỗ tiểu, nhất là các bé gái. Đối với bé lớn cần hướng dẫn cách làm vệ sinh sau mỗi lần đi tiêu tiểu, mỗi kỳ có kinh.

Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, những ngày trời nắng nóng cần uống thêm nước, ăn thêm rau, hoa quả để tăng lượng nước giúp hệ thống bài tiết nước tiểu của trẻ tốt hơn. 

Khi nghi ngờ trẻ bị viêm đường tiết niệu, cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện để BS có thể cho bé thử nước tiểu, siêu âm bụng để xem có bất thường ở đường tiết niệu hay không từ đó BS sẽ có hướng điều trị thích hợp cho mỗi bé .

Lưu ý trước khi bé chụp X quang

Khi uống thuốc, nhổ răng, tiêm… hầu như đứa trẻ nào cũng sợ và khóc. Đặc biệt là khi chụp X quang, phẫu thuật thì nỗi sợ của bé càng tăng lên.


Nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ đối phó tốt với các thủ thuật y tế tốt hơn khi được cha mẹ chuẩn bị tốt tinh thần từ trước. Dưới đây là một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi đưa con đi chụp X quang hoặc phẫu thuật:

Chụp X quang

- Một hoặc hai ngày trước khi tới thời gian chụp X quang nên cho con bạn tới bệnh viện để các con có thể quen với môi trường này.

- Sử dụng các từ đơn giản, trung thực với con khi giải thích những điều sẽ xảy ra khi tới bệnh viện.

- Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp các danh sách thuốc nếu các con bị chấn thương hoặc bị bệnh trước khi kiểm tra. Thông tin này giúp cán bộ y tế chăm sóc tốt hơn cho con của bạn.
- Nếu con bắt buộc phải chịu đau (tiêm chẳng hạn) thì nói chuyện với con về nó và cứ để cho con khóc nếu chúng muốn.

- Luôn ở bên cạnh con trong quá trình kiểm tra.

- Mang theo cho con trò chơi điện tử, sách, thú nhún… để con giải trí khi chờ tới lượt mình.

- Bạn cũng có thể mang theo một vài món ăn nhẹ, nước trái cây sau khi kiểm tra xong.
- Làm cho con cảm thấy thoải mái, an toàn vì sự hiện diện và nghe được giọng nói của bạn.
Trẻ chuẩn bị phẫu thuật

- Hãy trung thực: Đây là một nỗ lực để trấn an con bạn. Có thể bạn muốn nói dối để làm giảm bớt sự sợ hãi của con. Nhưng điều này càng khiến con bạn sợ hãi hơn khi chúng tới bệnh viện và trải qua cảm giác đó. Thay vì nói dối, bạn có thể nói cho con biết rằng, có thể con sẽ bị đau một chút và các bác sĩ, y tá ở đó rất thoải mái.

- Biết tất cả những gì cần biết: Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về ca phẫu thuật của con bạn. Càng biết nhiều, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Sau đó, bạn giải thích cho con về mọi thứ sắp diễn ra.

- Giải đáp các thắc mắc của con càng nhiều càng tốt: Mẹ có được ngủ cùng con ở bệnh viện không? Ai sẽ được tới thăm con? Con phải làm gì để phẫu thuật thành công?...

- Trấn an con: Nhấn mạnh rằng, ở bệnh viện chỉ là thời gian tạm thời, thời gian trải nghiệm, sau khi sức khỏe hồi phục, bác sĩ sẽ cho các con về nhà. Điểm tương đồng của ở bệnh viện và ở nhà là con vẫn được ăn uống đều đặn, có phòng chơi riêng và có giường nằm của chính mình. 

Một số trẻ còn nghĩ rằng, nằm bệnh viện là “xấu” và phẫu thuật là cách để “trừng phạt”. Vì thế, tránh bảo “Con không ăn cơm, mẹ cho đến bệnh viện bây giờ” hoặc “Con cứ khóc nữa là mẹ cho đi tiêm đấy” khiến con ghét bệnh viện.

- Tìm những từ ngữ đơn giản để giúp con hiểu về tình trạng phẫu thuật của mình: Ví dụ không nói “Các bác sĩ sẽ cắt cánh tay của con đi” mà nói rằng “Các bác sĩ sẽ chữa tay cho con” hoặc không nói “Các bác sĩ sẽ gây mê cho con” mà nói “Các bác sĩ sẽ giúp con có một giấc ngủ ngắn trong vài giờ”…

- Chấp nhận thái độ của con: Con bạn có thể buồn, sợ hãi hoặc khóc lóc hoặc biểu hiện bất kì cảm giác nào bạn đều chấp nhận.

- Luôn ở bên cạnh con khi con chuẩn bị phẫu thuật: Để trẻ biết rằng, bạn và gia đình yêu trẻ, luôn quan tâm tới trẻ để trẻ cố gắng vượt qua cơn đau. Sức mạnh tinh thần có thể làm nên những điều kì diệu.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun sán

NHIỄM GIUN ĐƯỜNG RUỘT ÍT ĐƯỢC QUAN TÂM DO CÁC TRIỆU CHỨNG, BIỂU HIỆN KHÔNG RÕ NÉT NHƯ NHIỀU BỆNH TRUYỀN NHIỄM CẤP TÍNH HAY CÁC NGUY CƠ KHÁC, NÊN CHƯA ĐƯỢC NGƯỜI DÂN QUAN TÂM ĐÚNG MỨC.

Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện.

Dấu hiệu trẻ nhiễm giun sán
Trẻ thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn, dễ nôn mửa. Ngoài ra, bé thường xuyên đau bụng quanh rốn, bị rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng. Mẹ có thể phát hiện thêm dấu hiệu bé bị nhiễm giun dựa vào thói quen trằn trọc, gãi hậu môn do ngứa trong lúc ngủ.
Nếu không phát hiện bệnh và tẩy giun cho bé kịp thời, hậu quả để lại rất nguy hiểm. Giun có thể chui vào ống mật làm tắt ống mật, chui vào mạch máu, qua gan qua phổi… Sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ vì thế mà bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nguy cơ do nhiễm giun sán

BS Nguyễn Thị Thanh Hương, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo, để điều trị giun sán thì rất tốn kém, phải tốn nhiều tỷ đồng, điều đó đang thực sự là gánh nặng cho xã hội cũng như gia đình.
Bên cạnh đó, khi nhiễm giun sán, thì ngoài hao tốn tiền bạc để phòng ngừa, giun sán còn gây hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, người lớn thậm chí có thể tử vong.
Ở phụ nữ trưởng thành và ở độ tuổi sinh sản thì nhiễm những loại giun truyền qua đất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, có thể gây dị tật cho thai nhi, sanh non, sanh ra trẻ thiếu cân, thậm chí có thể tử vong cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh.
Đối với trẻ em:
- Giun sán có thể tiết ra các loại độc tố, hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể.

- Tác hại cơ học: giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu rỉ rả, nhiều bé bị thiếu máu có khi phải truyền máu. Giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…

- Nang ấu trùng sán dây lợn (heo) tới não có thể gây động kinh, làm đột tử, nếu ký sinh ở mắt gây mù lòa.

- Giun chỉ bạch huyết gây phù voi da tắc mạch bạch huyết và việc điều trị cũng rất khó khăn.

- Sán lá phổi xâm nhập làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu.

- Gây dị ứng cho vật chủ: giun đũa, giun tóc, đặc biệt giun xoắn gây dị ứng nặng, sốt cao, phù nề, tăng bạch cầu eosinophile.
Ngoài ra giun sán cũng mở đường cho các vi khuẩn xâm nhập cơ thể vì nó làm giảm pH dịch vị dạ dày lám cho vi khuẩn dễ xâm nhập. Các loại giun móc, tóc có thể luồn qua da gây viêm da.
Đó mới chỉ là nói qua một số biến chứng thường gặp do giun sán gây ra chứ tùy tứng loại giun sán và từng giai đoạn bị nhiễm có các biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau.

Cách phòng tránh nhiễm giun sán ở trẻ
BS Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, điều quan trọng là làm thế nào để phòng ngừa không bị nhiễm giun sán và đặc biệt hơn cả là để tránh tái nhiễm vì nước ta khí hậu nhiệt đới, môi trường thuận lợi để giun sán phát triển, bên cạnh đó một số thói quen ăn các thực phẩm sống: gỏi cá, tiết canh, bò tái…ăn các loại rau thủy sinh còn sống, rau sà lách xoong, rau sống.

Muốn loại bỏ nguồn lây nhiễm thì người lớn phải là tấm gương của con trẻ, phải cương quyết loại bỏ những tập quán chưa hợp vệ sinh, phải ăn chín, uống sôi (nước nấu sôi để nguội), xử lý các chất thải sạch sẽ (không phóng uế bừa bãi). 
Phải đảm bảo 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt trước khi chế biến các món ăn, chuẩn bị cơm cho trẻ, trái cây, trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ.

Đối với trẻ em:
- Bỏ thói quen mút tay của trẻ vì mút tay trẻ dễ bị nhiễm giun kim và trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt quần áo, chăn mền và đồ chơi khoảng 2, 3 tuần.

- Cắt móng tay, móng chân thường xuyên cho bé. Hạn chế cho bé đi chân đất ra ngoài.
Không để bé trườn, lăn, lê, bò toài dưới nền nhà không lau chùi sạch sẽ.

- Nhà cửa phải luôn vệ sinh cũng như các dụng cụ đồ chơi dành cho trẻ luôn được vệ sinh hằng ngày, sau mỗi khi chơi.
- Trẻ 2 tuổi trở lên nên uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần theo chỉ định của bác sĩ.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons