Đây là chủ đề của hội thảo do Viện Dinh dưỡng quốc gia và Chi hội Dinh dưỡng lâm sàng - Hội Dinh dưỡng Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội. Các chuyên đề được trình bày gồm: Những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực của trẻ; Tình hình dịch bệnh và những hậu quả tác động đến trẻ em; Tiêu chảy làm ảnh hưởng đến IQ và chiều cao của trẻ.
Những năm gần đây, trên thế giới các bệnh gây dịch có số ca mắc tăng cao và diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, tả, cúm A/H1N1/09, cúm A/H5N1, sởi, tay-chân-miệng,…ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Trong nhóm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ thì nguy cơ hàng đầu và trực tiếp là nhiễm trùng đường ruột gây ra tiêu chảy. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới có khoảng 2,5 tỉ người bị tiêu chảy. Nhờ tiến bộ y học và mức độ tiếp cận dịch vụ y tế mà số ca tử vong mỗi năm do tiêu chảy đã giảm từ 5 triệu xuống còn khoảng 1,5 triệu người. Tuy vậy, những tác động lâu dài của nhiễm trùng đường ruột lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em vẫn là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm.
Rửa tay sạch với xà phòng có thể phòng nhiều bệnh như tiêu chảy, tay - chân - miệng.
|
Năm 2010 các nhà khoa học Trường đại học New Mexico (Mỹ) sử dụng phương pháp thống kê để xử lý các dữ liệu của WHO về tình trạng bệnh nhiễm trùng ở trẻ em và các số liệu về chỉ số IQ trung bình của các quốc gia, đã nêu giả thuyết “bệnh nhiễm trùng là yếu tố quan trọng nhất tiên đoán chỉ số IQ trung bình của một quốc gia, sau khi đã kiểm soát các yếu tố khác”. Lý do suy giảm tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ là do giảm tỉ lệ năng lượng cung cấp cho não bộ, vì cơ thể đã tái phân bố năng lượng cho hệ miễn dịch chống lại các tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Dù còn có những ý kiến trái chiều về giả thuyết này nhưng thực sự nó là một hồi chuông cảnh báo để cộng đồng quan tâm hơn đến mối tương quan về bệnh nhiễm trùng và sự phát triển khả năng nhận thức của trẻ.
Như vậy, để trẻ có thể phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, ngoài việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng bằng cách tiêm đầy đủ vaccin phòng bệnh và tăng cường vệ sinh cá nhân.
Nguyễn Mai
Ở Việt Nam, số liệu điều tra của y tế dự phòng cho thấy hiện nay chỉ có 12,8 % dân số rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; 15,5% rửa tay sau khi tiểu tiện và 16,9% rửa tay sau khi đại tiện. Những con số này còn khá thấp, nên cần phải có những biện pháp tích cực giúp các bậc phụ huynh hiểu và thực hành vệ sinh tốt cho mình và cho trẻ.
Còn theo WHO, rửa tay bằng xà phòng chính là điểm thứ 5 trong 7 điểm phòng chống bệnh tiêu chảy được đề ra từ năm 2009. Đây là một hành động nhỏ nhưng mang lại ích lợi lớn, bởi giúp trẻ em tránh khỏi bệnh tiêu chảy và các bệnh lây lan qua đường miệng, chẳng hạn như bệnh tay-chân-miệng.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét