Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Các bệnh thường gặp khi trẻ đến trường

Khi trẻ bước vào năm học mới cũng là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, do đó, đây là thời điểm trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh nếu không được chuẩn bị tốt về mặt thể lực. Các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết cần thiết để giúp con em mình có được sức khỏe tốt nhất bước vào năm học mới. Trong đó, tiêm chủng phòng ngừa những loại bệnh đã có vaccin là việc làm thiết thực.
Bệnh tay - chân - miệng
Nên có biện pháp chủ động phòng tránh bệnh để trẻ không phải nghỉ học ngay đầu năm học mới. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương ở da và niêm mạc. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có các biểu hiện: Sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-400C), đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; Loét miệng: Đó là các bóng nước có đường kính 2-3mm, vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc. Ở lòng bàn tay và lòng bàn chân xuất hiện các bóng nước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban. Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, bệnh có thể biểu hiện không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh tay (cả trẻ và người chăm sóc trẻ) sạch sẽ bằng xà phòng và vệ sinh đồ chơi đúng cách.
 Khám phát hiện bệnh tay - chân - miệng ở trẻ.
Cảm cúm và sốt
Các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là: hạ sốt, chống co giật, bù nước và điện giải. Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,50C, đặc biệt là trên 390C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.       
Mỗi khi trẻ mệt hoặc sốt, chúng ta không nên nghĩ ngay là trẻ bị cúm mà cần tìm đến bác sĩ để khám vì có nhiều bệnh khác nhau cùng có những triệu chứng ban đầu giống như cúm: ớn lạnh, run, thân nhiệt tăng, mặt đỏ, họng khô, đau lưng và chân tay. Hiện tượng ho càng ngày càng nhiều không hẳn là triệu chứng của cúm. Đa số những trẻ có trạng thái sốt, ho thường kèm theo tiêu chảy và nôn, cứ 24 giờ hay 48 giờ là lại sốt cao một lần.
Khi đã xác định là trẻ bị cúm, cần cho trẻ nằm nghỉ tại giường trong thời gian một vài ngày. Nên cho cháu uống nhiều nước trái cây, ăn cháo, sữa. Trong thời gian có dịch bệnh, tránh để trẻ bị lạnh, mệt và tập trung nơi đông người. Nếu bà mẹ bị cúm, nên để người khác săn sóc con mình. Khi cần cho con nhỏ bú, nên đeo khẩu trang. Đối với trẻ, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng từ viêm tai, mũi, họng tới viêm phế quản, viêm phổi, ho, hen tới độ khó thở. Việc tiêm chủng chống bệnh cúm cho các cháu hiện nay chưa thực hiện được rộng khắp nhưng rất cần đối với các cháu có thể trạng yếu và hay có bệnh tai-mũi-họng.
Trong điều kiện bình thường cũng có những virut ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại virut thường gây sốt gồm myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt virut, vì vậy cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì không dùng kháng sinh. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virut là sốt cao, thuật ngữ y học gọi là sốt virut. Đặc điểm của sốt do nhiễm virut: Sốt cao, thường từ 38-390C, thậm chí 40-410C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Đau mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Đau đầu: Một số trẻ lớn hơn có thể kêu đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã. Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ... Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt. Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt. Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.          

BS. Hoàng Minh Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons