Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Ngừa viêm hô hấp cấp ở trẻ em do nắng nóng khắc nghiệt

Năm nay thời tiết diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là nắng nóng kéo dài làm cho nhiều loại bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng đáng lo ngại nhất là trẻ em. Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là đường hô hấp dưới là một bệnh đang có xu hướng gia tăng làm cho số trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều và diễn biến rất phức tạp, khó lường trước.
Nắng nóng kéo dài gây viêm đường hô hấp
Nguyên nhân viêm đường hô hấp cấp tính do virut thường chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Đặc điểm của viêm đường hô hấp cấp tính do virut thường khởi phát rất rầm rộ như sốt cao (rất dễ dẫn đến trẻ bị co giật), trẻ vật vã, có thể có rối loạn tiêu hoá, đặc biệt là mọi thuốc kháng sinh nếu dùng sẽ không có tác dụng. Hơn nữa viêm đường hô hấp cấp tính do virut dễ gây biến chứng nguy hiểm. Một số loại virut gây bệnh cho đường hô hấp như virut hợp bào, Adeno virus, virut cúm... Còn vi khuẩn gây viêm đường hô hấp cấp tính hay gặp nhất là các loại vi khuẩn bình thường vẫn cư trú ở đường hô hấp của trẻ nhưng khi có điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh (vi khuẩn gây bệnh cơ hội) như vi khuẩn Hemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae hoặc Staphylococcus. Khi trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính còn liên quan đến thời tiết, đặc biệt là thời tiết thay đổi đột ngột hoặc nắng nóng kéo dài. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, tình trạng sức khỏe của trẻ như trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng làm trẻ dễ bị mắc bệnh. Trẻ  mắc một số bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm VA, viêm amidan mạn tính, viêm mũi, xoang... thì rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp dưới, nhất là viêm phế quản cấp tính, viêm phổi cấp tính... Một số vi nấm cũng đóng vai trò gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như nấm Candia albicans. Khi nấm gây viêm đường hô hấp thường bệnh diễn biến nặng, phức tạp và  việc chẩn đoán chính xác không đơn giản chút nào.
 Ăn kem dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp.
Nên làm gì để phòng bệnh  viêm đường hô hấp cho trẻ?
Khi thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, không cho trẻ ra ngoài nắng nhất là lúc nắng  gay gắt. Đối với trẻ lớn, không cho trẻ chơi hoặc không cho trẻ đá bóng ngoài trời lúc còn nắng nóng. Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc đang nằm ngủ. Không  cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch vượt quá xa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời (ngay cả trẻ lớn) và cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn kem hoặc uống nước có đá. Khi nghi trẻ bị sốt cần cặp nhiệt độ cho trẻ, không nên dùng tay của người lớn sờ vào trán của trẻ rồi dự đoán trẻ sốt hay không. Tốt nhất là cặp nhiệt độ ở khoé miệng của trẻ (cần cẩn thận không để trẻ làm vỡ cặp nhiệt độ  rất  nguy hiểm vì có thủy ngân là một chất rất độc hại) hoặc cặp nhiệt ở hậu môn. Khi nhiệt độ vượt quá 37,5oC cần làm giảm thân nhiệt cho trẻ bằng cách lau nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ) ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống tốt nhất là nước cam, chanh tươi, dung dịch orezol, tùy theo độ tuổi mà cho uống liều lượng thích hợp. Cụ  thể nếu dùng orezol loại 27,5g/gói thì pha vào 1 lít nước đã đun sôi, để nguội; nếu dùng loại 5,63/gói thì pha vào 200ml nước. Trẻ dưới 24 tháng tuổi cho uống từ 50 - 100ml/lần; trẻ từ 2-10 tuổi cho uống từ 100-200ml/lần, cho uống dần  trong ngày và trẻ trên 10 tuổi cho uống theo nhu cầu. Nếu thấy nhiệt độ của trẻ không thuyên giảm nhưng chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh ngay được thì có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol theo liều dùng trung bình là 10 - 15mg/1kg cân nặng của trẻ/lần, cứ sau 4 giờ cho uống 1 lần. Tốt nhất là dùng thuốc paracetamol loại đầu đạn đặt vào hậu môn cho trẻ theo liều lượng: trẻ từ 1 - 4 tháng/tuổi dùng 80mg/lần, trẻ từ 5-24 tháng/tuổi dùng 150mg/lần và cũng sau 4 giờ đặt lại nếu thân nhiệt của trẻ chưa giảm xuống. Cần theo dõi nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ, nếu nhiệt độ vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên; trẻ mệt mỏi, quấy khóc nhiều thậm chí có khó thở, môi tím tái  và có thể  có rối loạn tiêu hoá như nôn, buồn nôn, tiêu chảy thì nguy cơ trẻ có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, cần khẩn trương cho trẻ đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt và không nên tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống.

BS. Bùi Mai Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons