Việc sử dụng một chiếc smartphone hoặc tablet "dụ ngọt" trẻ có thể cản trở khả năng học cách tự kiểm soát của trẻ, một nghiên cứu mới đây cảnh báo.
Tương tác với màn hình có thể cản trở khả năng học toán và khoa học của trẻ - Ảnh: Guardian |
Các nhà nghiên cứu tại khoa y Đại học Boston (Mỹ) cho biết việc sử dụng quá nhiều các thiết bị di động khi còn rất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và hành vi của trẻ.
Nghiên cứu, đăng trên tạp chí American Academy of Pediatrics, cũng nói rằng mặc dù các tác hại của truyền hình và video lên những trẻ em đã rất rõ ràng, sự hiểu biết về tác động của các thiết bị di động trên não lên trẻ nhỏ vẫn rất thấp trong khi rất nhiều trẻ em đang sử dụng các thiết bị này.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc sử dụng một máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để thu hút sự chú ý của trẻ có thể gây hại đến "phát triển cảm xúc xã hội " của chúng.
Ngoài việc cản trở khả năng học cách tự kiểm soát ở trẻ, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng màn hình có tính tương tác ở trẻ dưới ba tuổi cũng có thể làm giảm sự phát triển những kỹ năng cần thiết cho việc học toán và khoa học.
Jenny Radesky, giảng viên tại khoa phát triển hành vi nhi đồng tại đại học trên, kêu gọi các bậc cha mẹ cần giúp con cái tăng cường "tương tác trực tiếp giữa người với người", nhất là trong gia đình.
Bà Radesky cảnh báo việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể cản trở khả năng phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và các yếu tố tương tác xã hội như khi chơi đùa với bạn bè.
Chơi với các khối đồ chơi xây dựng có thể giúp trẻ học kỹ năng toán học tốt hơn các thiết bị điện tử, các nhà nghiên cứu nói. Các thiết bị điện tử cũng sẽ khiến trẻ đánh mất sự phát triển các kỹ năng liên quan đến các giác quan vận động, vận động thị giác.
Radesky cho biết các chương trình giáo dục điện tử, sách điện tử, ứng dụng tập đọc có thể giúp ích nhưng chỉ đối với những trẻ gần đến tuổi đi học.
Cuối cùng, bà Radesky khuyên các phụ huynh nên thử qua các ứng dụng trên máy tính bảng hoặc điện thoại trước khi cân nhắc cho con mình sử dụng.
Theo Trần Phương - Tuổi Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét