Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Ăn xương có chống được bệnh còi xương?



Trẻ béo phì cũng dễ bị còi xương (ảnh minh họa)
Ngỡ con béo khỏe ai dè… còi xương
ThS.BS Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, mặc dù nước ta là một nước nhiệt đới, trừ các tháng mùa đông, còn hầu như quanh năm có ánh nắng mặt trời, nhưng trẻ em mắc còi xương rất nhiều. Cứ 10 cháu đến khám dinh dưỡng thì có tới 6-7 cháu bị còi xương, nhất là các cháu dưới 1 tuổi.
Điều này cũng tương tự tại phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội hoặc các khoa dinh dưỡng ở một số bệnh viện. BS Bộ môn Dinh dưỡng, BV quân y 103, Học viên Quân y cho biết thêm, trong quá trình khám đa phần gặp trẻ quấy khóc, biếng ăn, thậm chí béo phì mà nguyên nhân là do còi xương, suy dinh dưỡng nhưng bố mẹ không hay biết.
Trường hợp con chị Thương (Tây Hồ, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Từ khi sinh ra, cu Bộp lúc nào cũng bụ bẫm. Ngoài bú mẹ, mỗi ngày bé được mẹ với bà cho bú thêm từ 80 -120ml sữa ngoài. Vì thế Bộp tăng cần khá đều. Chị Thương khá yên tâm cứ ngỡ con dễ nuôi vì không giống những bé khác cùng tuổi trong phố đứa biếng ăn, đứa chậm tăng cân…
Kể từ tháng thứ 5, thấy con hay thức dậy vào ban đêm, mỗi lần thức cu cậu lại rúc đòi ti. Ngỡ con bị đói mà sữa mẹ không đủ chất nên chị bàn với bà nội cho con ăn thêm bột. Ngày nào cũng như ngày nào, bà nội cũng mua xương ống về ninh lấy nước nấu bột cho cháu.
Cu Bộp rất hào hứng với món ăn mới này, bà và mẹ bón bao nhiêu con cũng ăn hết. Thế nhưng hàng đêm con vẫn quấy khóc, ra mồ hôi trộm. Chị Thương càng lo hơn khi các bé “có vấn đề” ở cùng khu phố đều đã biết đi, biết nói thì con chị vẫn chưa biết gì dù đã hơn 1 tuổi.
Chị đưa con đi khám thì tá hỏa khi bác sĩ kết luận con chị bị còi xương thể bụ. Bề ngoài bé có thân hình mập mạp, bụ bẫm, cân nặng đầy đủ nhưng hệ xương mền yếu, cơ nhão… khiến con chậm biết đi, biết nói, cầm nắm.
“Bác sĩ nói, may là tôi đưa con đến viện kịp thời. Chỉ chậm thêm chút nữa, con có nguy cơ mắc các loại bệnh như: dô ức gà, chuỗi hạt sườn, thóp rộng và lâu kín, bướu trán, lồng ngực biến dạng, các đầu xương cổ tay cổ chân bè ra, sau này bé lớn chân vòng kiềng hoặc chữ bát”- chị Thương thở phào nói.
Canxi trong nước hầm xương rất ít
BS Đông cho rằng, nguyên nhân của tình trạng còi xương là do thiếu canxi, vitamin D kéo dài. Thậm chí là thừa canxi. Thực tế, nhiều bố mẹ đưa con đến viện nằng nặc khẳng định đã cho con uống bổ sung vitamin D làm sao có thể thiếu can xi được tuy nhiên BS Đông nhấn mạnh, việc dùng thừa cũng như dùng thiếu can xi đều tăng mất can xi (hoặc tăng huy động can xi).
“Thông thường chỉ có những trẻ biếng ăn, thiếu chất dinh dưỡng, thể trạng thấp bé, nhẹ cân mới bị còi xương. Nhưng thực tế không phải thế, những trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương. Nguyên nhân là do khi còn nhỏ cha mẹ kiêng cữ cho bé quá nhiều, ít hoặc không cho bé tắm nắng, ăn bột quá sớm và ăn với số lượng nhiều gây cản trở đến việc hấp thu canxi. Đặc biệt hay gặp ở những trẻ ăn dặm cho ăn nhiều tinh bột, nước hầm xương”- BS Đông nói.
Bổ sung thêm, BS Lê Thị Hải cho rằng, nguyên nhân chính là do tập quán kiêng khem không cho trẻ ra ngoài trời tắm nắng trong những ngày đầu mới sinh, và có quan niệm là cho trẻ ăn xương để chống còi xương. “Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Bởi người Việt hay có quan niệm ăn gì bổ nấy, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chứng minh hoàn toàn ngược lại”- BS Hải nhấn mạnh.
Đối với quan niệm ăn xương có chống được còi xương hay không? BS Hải phân tích, khoa học đã chứng minh, thành phần cấu tạo chính của xương là canxi và phốt pho. Nhưng sau khi ninh xương lấy nước để nấu bột, nấu cháo thì hàm lượng canxi và phốt pho trong nước còn rất ít, chỉ khi ninh nhừ xương tán nhỏ thành bột thì mới có nhiều canxi.
Vấn đề mấu chốt ở đây theo BS Hải trẻ bị còi xương là do thiếu canxi và vitamin D (vitamin D có tác dụng tăng cường hấp thu canxi ở ruột). Vitamin D có rất ít trong thức ăn; chỉ có một lượng ít trong gan các loại cá biển và lòng đỏ trứng. Nhưng ở dưới da có chất tiền vitamin D, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời (tia tử ngoại) sẽ chuyển thành vitamin D. Vì vậy nếu kiêng khem không cho trẻ tắm nắng (phơi nắng) thì trẻ sẽ bị thiếu vitamin D dẫn tới còi xương.
Thông thường từ tháng thứ 6, trẻ bắt đầu ăn dặm. Để ngăn ngừa còi xương, BS Đông cho rằng ngoài việc cho trẻ tắm nắng mỗi ngày, hoặc uống vitamin D theo chỉ dẫn của bác sĩ, mỗi ngày chỉ nên cho trẻ ăn một bữa bột/ngày. Cũng không nên dùng nước hầm xương, nước ninh chân gà để nấu bột cho trẻ thay vào đó, nên xay thịt cá, các loại rau củ rồi lọc lấy nước nấu với bột gạo thêm dầu ăn cho trẻ ăn ngay từ những ngày đầu tiên ăn dặm.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn các thức ăn giàu canxi như sữa, phomát, tôm, cua, cá, đậu đỏ... thì mới phòng chống được bệnh còi xương. “Như vậy muốn chống được còi xương thì phải cho trẻ tắm nắng hoặc uống vitamin D và ăn các thực phẩm giàu canxi, chứ không phải chỉ cho trẻ ăn nước xương ninh mà thôi” – BS Hải nhấn mạnh.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons