Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Chăm sóc răng miệng cho trẻ khe hở môi - vòm miệng

Khe hở môi - vòm miệng (KHM - VM) là dị tật hàm mặt bẩm sinh phổ biến nhất, biểu hiện bởi sự tách rời, không liên tục của môi và vòm miệng. KHM - VM có thể gây ra nhiều vấn đề răng miệng, do đó cha mẹ cần được hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng đúng để trẻ có sức khoẻ răng miệng tốt, hỗ trợ cho phẫu thuật hay các điều trị nắn chỉnh răng, phục hình răng sau này đạt được kết quả tốt nhất.
Trẻ bị KHM - VM thường gặp vấn đề liên quan đến sâu răng, viêm lợi (đặc biệt khi trẻ 2 - 5 tuổi) và vấn đề về lệch lạc răng, mất răng, thiếu thẩm mỹ (khi trẻ khoảng 6 - 12 tuổi). Các răng (đặc biệt là răng cửa bên hàm trên) có thể bị thiếu hoặc thừa hoặc vẫn hiện diện nhưng hình dạng thân và chân răng bất thường. Các răng tại vùng khe hở thường bị lạc chỗ, mọc ở vị trí bất thường. Các rối loạn phát triển xương hàm càng làm trầm trọng thêm các bệnh lý răng miệng.
Chăm sóc răng miệng cho trẻ khe hở môi - vòm miệng
Hình ảnh trẻ khe hở môi - vòm miệng.
Chăm sóc răng giai đoạn sớm
Trẻ bị KHM - VM thường có nguy cơ sâu răng cao, nhưng với cách chăm sóc phù hợp, trẻ vẫn có thể có hàm răng hoàn toàn khỏe mạnh. Việc chải răng cần được nhấn mạnh ở các răng quanh vùng khe hở. Nên dùng bàn chải lông mềm, đầu nhỏ để chải răng sớm nhất có thể. Cha mẹ sẽ được chuyên gia hướng dẫn cách vệ sinh răng miệng, cách chăm sóc hiệu quả cho các răng lệch lạc, dị dạng bất thường tại vùng khe hở. Trẻ nên được đi khám răng lần đầu tiên khi được khoảng 1 tuổi hoặc sớm hơn nếu có những vấn đề răng miệng đặc biệt. Thăm khám định kỳ được thực hiện khi trẻ khoảng 3 tuổi, nhằm đánh giá các vấn đề răng miệng từ sớm và thực hiện các điều trị nếu cần.
Trám bít hố răng tất cả các răng và bôi verni fluor định kỳ là việc cần phải làm ở phòng khám nha khoa cho tất cả trẻ em có KHM-VM.
Ngoài vấn đề chăm sóc răng miệng, bố mẹ trẻ cần phải được tư vấn về cách cho bú, cho ăn và các biện pháp dự phòng viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Chăm sóc răng giai đoạn điều trị
Từ 6 - 15 tuổi, đặc biệt ở trẻ bị khe hở vòm miệng, do ảnh hưởng của sẹo mổ sau phẫu thuật làm xương hàm trên kém phát triển, các răng mọc lệch lạc và chen chúc. Trẻ cần được điều trị chỉnh nha với các khí cụ chỉnh hình, kích thích nong rộng cung hàm và giúp làm thẳng đều các răng. Khi răng nanh vĩnh viễn mọc (khoảng 7 - 9 tuổi), phần xương cần cho răng mọc bị khuyết thiếu được sửa chữa bằng phẫu thuật ghép xương ổ răng. Khi trẻ 8 - 12 tuổi, điều trị chỉnh nha với mắc cài giúp đưa các răng về đúng vị trí, sắp thẳng đều trên cung hàm. Với quy trình điều trị liên tục và phức tạp như vậy, thì việc lưu giữ được tối đa các răng mang khí cụ và duy trì sức khoẻ răng miệng tốt đóng vai trò quan trọng, giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn. Trẻ cần được cha mẹ theo dõi và nhắc nhở tăng cường vệ sinh răng miệng. Khi mang các khí cụ trong miệng, trẻ cần được bác sĩ hướng dẫn cách chải răng đúng với sự hỗ trợ của các loại bàn chải chuyên biệt, kem đánh răng có nồng độ fluor cao (nếu cần).
Trong giai đoạn này, việc ghép xương vào các khe hở cũng cần được chú ý. Ghép sớm hay muộn đều có các ưu nhược điểm riêng. Do vậy cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn thời điểm điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Duy trì chăm sóc răng miệng
Sau điều trị nắn chỉnh răng và phẫu thuật, các răng bị mất hay thiếu thẩm mỹ có thể được phục hình bằng răng giả, cầu răng hay cắm implant. Bác sĩ có thể sử dụng các khí cụ bịt lỗ thông mũi miệng để giúp phát âm tốt hơn. Việc chăm sóc răng miệng đúng cách cần được duy trì để đảm bảo chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của hàm răng. Các thăm khám định kỳ 6 tháng/lần là cần thiết nhằm phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng có thể gặp.

BSNT. Trần Thị Hương Trà




NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ

NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ


Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons