GS.TSKH. Nguyễn Văn Mẫn
|
PV: Thưa GS, sản xuất và sử dụng vaccin phối hợp có phải đang là xu thế chung của thế giới?
GS. Nguyễn Văn Mẫn: Trong những năm gần đây công nghệ sản xuất vaccin đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Ngày càng có nhiều loại vaccin mới phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến hoặc mới nổi lên được sản xuất góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc nghiên cứu và sản xuất các vaccin phối hợp đang trở thành xu hướng phát triển của công nghiệp sản xuất vaccin.
Những sản phẩm vaccin phối hợp rất đa dạng, có thể là kết hợp 2, 3, 4 thậm chí là 5 loại vaccin trong cùng một mũi tiêm như vaccin mà Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang sử dụng. Trong tương lai, khi công nghệ càng phát triển, sẽ càng có nhiều bệnh được phòng ngừa bằng vaccin thì các vaccin phối hợp cũng ngày càng được sản xuất thành công.
PV: Gần đây nhiều vaccin với tên gọi là vaccin 4 trong 1, vaccin 5 trong 1, vậy nên hiểu như thế nào?
GS. Nguyễn Văn Mẫn: Đây là cách gọi tắt để chỉ các vaccin phối hợp. Vaccin phối hợp là vaccin kết hợp được từ 2 loại vaccin phòng 2 loại bệnh trở lên trong một mũi tiêm. Ví dụ khi tiêm 1 mũi vaccin MR sẽ phòng được 2 bệnh sởi và Rubella. Khi tiêm vaccin DTP sẽ phòng được 3 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván thay vì phải tiêm lần lượt từng loại vaccin riêng lẻ. Vaccin 5 trong 1 dùng trong tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib.
Tiêm vaccin 5 trong 1 cho trẻ ở Hà Nội
|
GS. Nguyễn Văn Mẫn: Không đơn giản là khi ta có các vaccin đơn giá như vaccin bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B là có thể hoà trộn với nhau thành vaccin phối hợp 5 loại trong 1 mũi tiêm. Công nghệ sản xuất vaccin phối hợp có nhiều phức tạp vì thành phần kháng nguyên và tá dược duy trì sự ổn định của kháng nguyên là khác nhau với mỗi loại vaccin. Khi phối hợp các vaccin khác loại trong một vaccin chung cần đảm bảo được tính sinh miễn dịch cũng như hiệu lực bảo vệ của từng loại vaccin khi dùng riêng rẽ, đặc biệt là tính an toàn của sản phẩm. Mặc dầu có nhiều thách thức song số lượng vaccin phối hợp ngày càng nhiều và đa dạng. Có thể kể đến một số vaccin phối hợp sau:
- Vaccin phối hợp 2 loại vaccin: dT hoặc DT (phòng bạch hầu, ho gà)...
- Vaccin phối hợp 3 loại vaccin: MMR (phòng sởi, quai bị, Rubella)...
- Vaccin phối hợp 4 loại vaccin: vaccin bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm gan B...
- Vaccin phối hợp 5 loại vaccin như đang dùng trong tiêm chủng mở rộng
PV: Vậy lợi ích của việc sử dụng các vaccin phối hợp so với các vaccin đơn giá là như thế nào?
GS. Nguyễn Văn Mẫn: Việc sử dụng vaccin phối hợp mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác tiêm chủng phòng bệnh vì: Tăng sự hưởng ứng của cộng đồng. Khi sử dụng vaccin phối hợp sẽ giúp người dân giảm được thời gian đi lại để tiêm chủng từng loại vaccin riêng lẻ, giảm sự do dự mỗi lần đưa trẻ đi tiêm.
Sử dụng vaccin phối hợp giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng và giảm được tỷ lệ bỏ sót mũi tiêm: do giảm được ngày công nghỉ đưa trẻ đi tiêm, quên lịch tiêm chủng vì phải tiêm nhiều loại vaccin khác nhau, giảm áp lực công việc cho cán bộ y tế.
Tăng tính an toàn và khả năng đảm bảo vô khuẩn mũi tiêm: Khi phải tiêm nhiều lần, các sai sót trong quá trình thực hành tiêm chủng dễ xảy ra và xác suất xảy ra mũi tiêm không vô khuẩn sẽ tăng lên....
Giảm số mũi tiêm cho trẻ.
Việc sử dụng vaccin phối hợp có ưu điểm rõ rệt so với việc phải sử dụng các loại vaccin đơn giá. Do vậy chắc chắn trong tương lai ngày càng có nhiều loại vaccin phối hợp hơn được sản xuất và sử dụng để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn GS!
Hà Anh (thực hiện)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét