Bệnh tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh rất khó phát hiện vì bé sau sinh thường ngủ nhiều. Chỉ đến khi bé được vài ba tháng tuổi, những biểu hiện tắc tuyến lệ mới rõ ràng. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tắc tuyến lệ như thế nào? Câu trả lời có trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là khuyết tật thường gặp nhất của hệ tuyến lệ, xảy ra với 6% số trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do các tế bào biểu mô không tạo ra được những ống dẫn để hình thành ống mũi-lệ (ống lệ tỵ) khi đi xuống mũi. Ngoài ra, tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh còn do tuyến lệ ở trẻ bị viêm nhiễm, làm cho nước mắt không lưu thông từ mắt xuống mũi của trẻ. Do đó, những giọt nước mắt được tạo ra không thể thoát ra ngoài khiến cho đôi mắt của bé bị ngập nước mắt.
Sơ đồ hệ thống tuyến lệ
Bình thường, nước mắt được tạo ra từ tuyến lệ đạo, rồi di chuyển trên mắt với sự giúp đỡ của mí mắt, giữ cho đôi mắt được bôi trơn và làm sạch. Khi cử động đôi mắt, những giọt nước mắt bị ép vào các ống dẫn ở góc bên trong của mắt, nhờ đó, nước mắt thoát ra khỏi mắt nhỏ xuống ống lệ tỵ vào phía sau của mũi. Nếu ống dẫn này bị viêm tắc hoàn toàn hoặc một phần, những giọt nước mắt không thoát ra ngoài sẽ làm xuất hiện triệu chứng tắc tuyến lệ ở các bé.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tắc tuyến lệ
Dấu hiệu tắc tuyến lệ hay ống mũi-lệ bẩm sinh có thể xuất hiện từ lúc mới đẻ. Một số trẻ sơ sinh khi khóc không có nước mắt, nhưng bình thường khi trẻ không khóc có một thứ nước mắt chảy tràn ra mi rồi xuống má, đồng thời có luồng trào ngược một thứ chất nhầy được sản xuất trong túi lệ. Có thể da vùng đó nổi ban đỏ hoặc vết trợt do bị kích ứng hoặc cọ xát khi nước mắt rơi xuống. Nếu bị tắc hoàn toàn thì những dấu hiệu nói trên trở nên nghiêm trọng. Trường hợp chỉ tắc một phần thì tuyến lệ còn có khả năng để cho nước mắt cơ bản được sản xuất ra chảy xuống. Tuy vậy, vào những lúc cơ thể gia tăng sản xuất nước mắt như trời lạnh, có gió hoặc tia nắng mặt trời chiếu, khi phần cuối ống mũi-lệ bị tắc (ví dụ do phù niêm mạc mũi) thì nước mắt càng tràn ra nhiều hơn (không phải do khóc). Trẻ sơ sinh hay bị chảy nước mắt và gỉ mắt có thể là dấu hiệu của tắc tuyến lệ, vì thường thì lượng nước mắt này sẽ được di chuyển xuống các tuyến lệ thông với mũi. Nhưng khi bị tắc, nước mắt sẽ tràn xuống mí mắt dưới. Tắc tuyến lệ có thể xảy ra ở bất cứ đoạn nào trong hệ thống dẫn lưu nước mắt. Trẻ bị tắc tuyến lệ mắt lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Đặc biệt, mỗi sáng ngủ dậy, mắt thường có nhiều gỉ vàng, dính quanh mí mắt.
Phương pháp điều trị
Nhiều trường hợp trẻ em sơ sinh bị tắc tuyến lệ thường không cần phải điều trị, vì có đến 90% tuyến lệ bị tắc có thể “tự khai thông” trở lại khi trẻ ở độ tuổi từ 1 - 2 tuổi. Tuy nhiên, với những trẻ này, cha mẹ cần biết cách làm vệ sinh mắt cho bé. Cách làm: dùng bông gòn hoặc vải xô mềm, thấm nước, tốt nhất là sử dụng nước đun sôi để nguội, để đảm bảo vô khuẩn hoặc dùng nước muối sinh lý (thuốc nhỏ mắt) NaCl9%o. Nhẹ nhàng lau mắt cho bé, lấy hết những ghèn, gỉ dính trên đôi mắt của bé. Nên thực hiện vệ sinh mắt từ 3 - 5 lần/ngày để giữ cho đôi mắt của bé luôn sạch sẽ. Chú ý phải làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh để mi mắt bị trầy xước dẫn đến viêm nhiễm. Nếu phát hiện mắt bé bị sưng đỏ, cần đưa bé đến khám ở bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và có liệu pháp điều trị thích hợp.
Mát-xa tuyến lệ cho trẻ: cha mẹ dùng ngón tay đã cắt móng và rửa tay sạch sẽ, mát-xa nhẹ nhàng góc mắt cho bé. Mát-xa bắt đầu từ góc trong của mí mắt rồi di chuyển (vuốt xuôi) xuống phía mũi. Nên thực hiện mát-xa từ 5 - 10 lần/ngày, mỗi lần mát-xa từ 5 - 10 phút. Tác dụng chủ yếu là: mát-xa gây áp lực nhẹ nhàng đến ống dẫn lệ, giúp thông chất lỏng khỏi những đoạn bị tắc và giải phóng điểm bít tắc.
Thông tuyến lệ: áp dụng khi đã làm những biện pháp trên không hiệu quả thì cha mẹ cần đưa bé đến khám ở bác sĩ chuyên khoa mắt để điều trị. Bác sĩ có thể cho bé sử dụng thuốc hoặc dùng biện pháp thông tuyến lệ. Phương pháp thông tuyến lệ: trước khi thông tuyến lệ, cần làm vệ sinh mắt cho bé để lấy hết ghèn gỉ. Dùng một ống nhỏ linh hoạt luồn vào bên trong tuyến lệ bị tắc để thông. Cha mẹ cần thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ sau thông để tránh bị tắc trở lại.
Phẫu thuật mở rộng tuyến lệ: trường hợp đặc biệt, bé bị tắc tuyến lệ cần phải phẫu thuật mở rộng tuyến lệ nếu tất cả các biện pháp khác thất bại.
BS. Đặng Thị Ngọc Ba
0 nhận xét:
Đăng nhận xét