90% trẻ 6 tuổi bị sâu răng
Kết quả nghiên cứu được báo cáo tại hội nghị do Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TPHCM tổ chức năm 2014 cho biết: Gần 91% trẻ 6 tuổi bị sâu răng.
Tỉ lệ trẻ sâu răng quá cao được xác định do thói quen ăn nhiều chất ngọt và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại nằm ở chỗ nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm sai lầm trong quá trình chăm sóc răng miệng của trẻ.
Cụ thể, 65% phụ huynh cho biết từng đưa con đi khám, chữa răng nhưng chỉ trong trường hợp răng của trẻ bị lung lay hoặc đã hỏng không thể phục hồi được.
Trong khi đó, theo WHO, sâu răng nằm trong top 3 nguy cơ hàng đầu cho sức khỏe, chỉ sau tim mạch và ung thư.
“Nhiều người nghĩ rằng bị sâu răng là đơn giản nhưng thực tế lại ảnh hưởng đến cả cơ thế. Một đứa trẻ bị sâu răng sẽ dẫn đến chứng lười ăn, suy dinh dưỡng và các bệnh tật khác…”, PGS. TS. Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, cho biết.
Sâu răng tạo ra các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và trở thành cây cầu dẫn vi khuẩn khắp cơ thể. Sâu răng và viêm tủy răng không được điều trị sẽ bị hoại tử, biến chứng áp-xe răng, nang quanh chóp vô cùng đau đớn.
Nhiều trường hợp nhiễm trùng huyết và nghẽn mạch xoang hang ở não có nguyên nhân từ răng. Ngoài ra, nó còn dẫn đến những chứng bệnh không ngờ tới như viêm cầu thận, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, các bệnh tim mạch và huyết áp cũng như tăng nguy cơ ung thư.Bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe thì thiệt hại kinh tế do sâu răng gây ra cũng rất lớn.
Theo thống kê thì nếu phòng bệnh cho cộng đồng chỉ tốn 1.200 đồng/răng nhưng nếu để phải điều trị thì tốn từ 50.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Do đó, vấn đề ở đây là phải giúp toàn cộng đồng có ý thức phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe răng miệng bên cạnh việc xã hội hóa nha học đường.
Chải răng buổi tối – Chìa khoá phòng sâu răng
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến tại Lễ Hưởng ứng ngày Răng miệng thế giới 21/3/2015 (Ảnh: P.H)
Việc phòng chống bệnh về răng miệng cho trẻ từ ban đầu vốn không khó thực hiện và để phòng bệnh răng miệng cho học sinh, từ năm 1987, Liên bộ: Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư về việc thực hiện chương trình Nha học đường và đến nay vẫn được duy trì.
“Việt Nam đang khá thành công với chương trình nha học đường và đang có kế hoạch mở rộng chương trình này hơn nữa. Hiện nay, chương trình nha học đường đã phủ kín nhiều tỉnh thành như: Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Huế, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Tuyên Quang, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho hàng triệu em học sinh trên cả nước”, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại buổi lễ Hưởng ứng ngày Răng miệng Thế giới (20-3).
Tuy nhiên, việc này chỉ mang đến hiệu quả thật sự khi có sự chung tay phối hợp của “bộ 3”: gia đình - nhà trường - xã hội; nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” không chỉ cho trẻ mà còn từ phía phụ huynh.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia, ở những nơi tổ chức tốt chương trình nha học đường, đồng thời thường xuyên thực hiện các hoạt động xã hội mang tính tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân (nhất là các bậc cha mẹ) về việc chải răng thì tỉ lệ sâu răng ở trẻ nhỏ có thể giảm 50-70% sau 6 năm.
Không cần đề cập những kiến thức khó nhớ, đơn cử như chỉ cần các bậc cha mẹ và trẻ em thực hiện đúng thông điệp: “Chải răng buổi tối vì một Việt Nam không sâu răng”, thì tỉ lệ sâu răng ở trẻ sẽ giảm đáng kể.
Đặc biệt, nếu người mẹ - người gần gũi với trẻ nhất - ghi nhớ một cách sâu sắc rằng đánh răng trước khi đi ngủ thậm chí quan trọng hơn cả đánh răng sau khi thức giấc vào buổi sáng, vì ban đêm vi khuẩn hoạt động mạnh gấp đôi ban ngày gây nguy cơ sâu răng rất cao, thì việc phòng chống sâu răng ở trẻ sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét