Các ông bố bà mẹ luôn ước ao vòng tay mình đủ lớn để bao bọc cho các con khi cần. Nhưng thật khó để có thể theo sát các con, giúp các con tránh khỏi những nguy hiểm rình rập.
Thậm chí, khi bạn cạnh con, những nguy cơ bất thình lình vẫn có thể ập đến khiến bạn trở tay không kịp.
Những ngày gần đây, không ít bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng sợ hãi khi đọc những thông tin về em bé năm tuổi tử vong do bị diều cuốn. Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến ngay cả những người lớn chứng kiến cũng không khỏi bàng hoàng.
Những tai nạn như vậy tuy hy hữu, nhưng nó là bài học lớn để các bậc bố mẹ có thể dạy con những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước hiểm nguy.
Hãy thử tham khảo một số nguy hiểm mà con bạn dễ gặp phải và cách phòng tránh nhé.
1. Đi lạc
Nhớ đến hai lần đi lạc của cô con gái nhỏ, chị Hoài Thương (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn còn hú hồn.
Lần đầu tiên là lúc bé được ba tuổi. Trong khi chị đang nấu nướng trong bếp thì cô con gái chơi bên ngoài sân khu trọ với cậu bé hàng xóm, một lúc sau, chị thấy cậu bé mà không thấy con mình đâu.
Chị tá hỏa tìm kiếm con khắp xóm. Một lúc sau, trong khi đang nước mắt ngắn dài và gào khóc tìm con, chị thấy từ đằng xa, có một người phụ nữ trung tuổi bế con đi vào ngõ.
Hóa ra, cô bé đang chơi đạp xe thì thấy bố phóng xe máy đi đâu đó, vậy là cả con chị lẫn cậu bé hàng xóm ra sức đạp xe đạp theo.
Con chị đạp nhanh và phóng tít ra tận ngoài chợ, ngay đường lớn còn cậu bé hàng xóm không theo kịp đã quay trở về.
May sao, bác bán cháo bên kia đường nhìn thấy con một mình đạp xe giữa đường lớn đã bế con vào và đi tìm mẹ.
Lúc này, hai mẹ con chị chỉ biết ôm nhau khóc và cảm ơn bác hàng cháo tốt bụng.
Lần thứ hai, khoảng một năm sau đó, gia đình chị chuyển về khu chung cư mới xây.
Con gái chị, cũng như bao đứa trẻ khác, vô cùng thích thú việc đi thang máy và bấm số tầng.
Chiều đó, khi thang máy vừa mở, con gái chị chạy tót vào trong cùng với một vài người nữa.
Chị chưa kịp vào cùng thì thang máy đã đóng và đi lên. Chị hoảng hốt chạy thang bộ từng tầng xem con ra tầng nào nhưng cuối cùng không thể nào chạy kịp.
Sau đó, chị đành quay xuống tầng một và đứng chờ. Lần này cũng may sao có một cô gái thấy con khóc đã vỗ về và cùng con bấm thang máy xuống tầng một để tìm mẹ.
Trường hợp chị Hoài Thương là rất may mắn, vì con gái chị chưa đi xa và đều được sự giúp đỡ của những người tốt bụng.
Nhưng cũng từ đó, chị cũng tự nhắc nhở mình phải chỉ dẫn cho con làm thế nào để không bị lạc.
Trẻ nhỏ rất ưa khám phá, vì thế, nhiều khi chúng mải mê đến mức đi tới một nơi chưa từng đến hoặc không phải là không gian quen thuộc dẫn tới lạc lối.
Việc này rất phổ biến, ngay cả đối với các bé lớn tuổi hơn. Chị Hoài Thương đã dặn con rằng, con không được đi đâu nếu không xin phép bố mẹ, không được đi theo hoặc ăn những thứ mà người lạ mang cho.
Mỗi khi con đi ra ngoài, trừ khi ở trong khu vui chơi bố mẹ cho phép, muốn tới đâu, con cần đi sát bố mẹ để tránh bị lạc.
Ngoài ra, nếu bị lạc trên đường hay đi siêu thị, con có thể tìm những người đáng tin cậy để nhờ trợ giúp như các chú công an, bảo vệ…
Ngoài ra, chị cũng giúp con ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ để khi cần kíp con có thể nhờ giúp đỡ.
Thường thì trong cặp sách và túi áo của con, chị Thương luôn để sẵn những mẩu giấy ghi số điện thoại của vợ chồng chị.
2. Tai nạn xe cộ
Những chuyện đơn giản như bỏng bô xe máy hay con ngủ gật nên ngã xe không hiếm.
Như bé Xoài, con gái chị Thùy Linh (La Khê, Hà Đông), khi bà nội vừa dừng xe thì ngay lập tức cô bé tụt xuống. Không may, cô bé xuống ngay phía bên có ống bô, thế là chân bị bỏng.
Cũng may là bé Xoài bị bỏng nhẹ nên sau một lúc chườm đá thì vết bỏng đỡ đau rát và cũng không để lại sẹo.
Anh Huy Thành (khu Keangnam, Hà Nội) cũng từng giật bắn mình khi con trai ngủ gật và ngã xuống đất trên đường anh chở con đi học về.
Con trai anh Thành bị gãy tay và anh thì có một bài học nhớ đời.
Tai nạn xe cộ không phải là chuyện thường ngày, bởi vậy, khi cho con ngồi trên xe, bạn cần nhắc nhở các con không nên ngọ nguậy, không nên giang tay chân, không xuống xe phía lòng đường, không xuống xe phía có ống bô, hoặc nếu xuống thì cần người lớn trợ giúp để tránh bỏng.
Ngoài ra, khi đi đường, nếu con buồn ngủ, bạn nên sử dụng địu hoặc đai an toàn.
Các bé trên ba tuổi nên sử dụng mũ bảo hiểm được thiết kế riêng cho trẻ em.
Bố mẹ cũng nên nhớ, khi cho con ngồi phía trước, phải thật cẩn thận mỗi khi đi đường vì đã có những trường hợp do phanh gấp nên đầu các bé đập vào phía trước.
3. Ngã từ trên cao xuống
Trong những năm gần đây, có rất nhiều câu chuyện thương tâm về các bé bị ngã từ trên các tòa nhà cao tầng xuống.
Trẻ nhỏ hầu như bé nào cũng hiếu động, nghịch ngợm nên bạn không những cần để ý con mà còn phải đề ra những nguyên tắc để giúp bé tránh xa nguy hiểm.
Với các gia đình ở nhà chung cư cao tầng, tốt nhất là bạn nên lắp các thanh chắn bằng sắt ở cửa sổ, lắp lưới an toàn ngoài ban công.
Bạn cũng phải nhắc nhở các con tuyệt đối không nên leo trèo cửa sổ hoặc ở khu vực ban công, cửa hành lang tòa nhà…
4. Hóc dị vật
Cũng là chuyện nhà chị Hoài Thương ở trên. Bé Su rất thích ngậm các đồ vật trong miệng.
Chị Thương không hiểu sao chị và cô giáo đều thường xuyên nhắc nhở con không ngậm dây chun, ngậm các hạt cườm nhưng con vẫn quên.
Cứ nghĩ đến câu chuyện những bé bị hóc thạch, hóc dị vật trên báo mà chị rùng mình.
Chị Thương lựa lời hỏi Su tại sao con thích ngậm thì con gái trả lời: “Tại con thích. Nó cứ chạy đi chạy lại trong miệng rất hay."
Chị đã hỏi Su: “Ngộ nhỡ nó tọt vào trong, con bị hóc không lấy ra được thì sao?."
Rồi chị cho Su thấy một số hình ảnh hoạt hình về việc hóc dị vật và bảo con rằng việc đó vô cùng nguy hiểm, nếu có vấn đề, con sẽ phải đi cấp cứu.
Từ đó, bé Su đã không còn ngậm đồ vật nữa. Chị Thương cũng lưu ý, khi cho con ăn kẹo, ăn thạch thì hướng dẫn con ăn từ từ, từng ít một để không bị hóc.
5. Tai nạn với đồ vật nhọn
Những đồ vật như dao, kéo hay những góc cạnh của bàn ghế… thường xuyên gây thương tích cho trẻ.
Thay vì bảo các con tránh xa nó, bạn hãy giúp các con cách để tránh thương tích.
Tôi dạy con gái mình sử dụng dao, kéo từ khi con lên hai hay ba tuổi, con đã sử dụng kéo một cách thành thuần thục; bốn tuổi, con có thể giúp tôi thái những loại rau quả mềm mà không hề đứt tay.
Cũng thế, tôi nhắc nhở các con khi đùa nghịch thì nên tránh xa một số chỗ để không bị thương.
6. Tai nạn với sông nước
Năm nào cũng có những trẻ bị chết đuối. Nếu có điều kiện, các bố mẹ hãy cho con học bơi từ sớm.
Học bơi không chỉ rèn luyện thể lực mà còn giúp con tránh được những tai nạn sông nước trong tình huống không may.
7. Tai nạn với các thiết bị điện
Cô bạn tôi ở Hà Tĩnh luôn tự dằn vặt bản thân, bởi chỉ một lần sơ suất, để ổ cắm ngay dưới sàn nhà, cậu con trai hai tuổi không may vấp phải mà cậu bé đã phải nằm viện điều trị cả tháng trời.
Cậu bé thứ hai nhà chị Thùy Linh (La Khê, Hà Đông) cũng một lần may mắn khi chưa kịp cho đinh vào ổ cắm điện thì mẹ phát hiện được.
Khi trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức về mối nguy hiểm này, bạn nên bịt các ổ điện hoặc để các ổ điện ngoài tầm với của các con.
Khi con lớn một chút, bạn hãy cho bé biết các nguy cơ và không sờ vào những thiết bị này khi không được phép.
Ngoài ra những nguy cơ khác như ngã cầu thang, cháy nổ... các bố mẹ hoàn toàn có thể tìm hiểu các phương pháp giữ an toàn và dạy cho các con những kỹ năng cần thiết để đối phó nhé.
Những kỹ năng sống, sẽ giúp bé hòa nhập cuộc sống và hỗ trợ cho bé suốt cuộc đời đấy./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét