Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Bệnh thủy đậu vào mùa: Cẩn thận, đừng để trẻ lây nhiễm

Theo thống kê hàng năm của ngành Y tế, bệnh thủy đậu thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 3 và tháng 4 trong năm. Khi trẻ bị nhiễm bệnh phụ huynh cần chú ý một số đặc điểm quan trọng sau để giúp trẻ mau lành bệnh và giúp phòng ngừa sự lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng một cách hiệu quả.
Bệnh thủy đậu vào mùa: Cẩn thận, đừng để trẻ lây nhiễm
Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng
Loại virút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em. Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Các nốt bóng nước ở bệnh thủy đậu có kích cỡ không đồng đều.
Các nốt bóng nước ở bệnh thủy đậu có kích cỡ không đồng đều.
Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại virút có tên khoa học là Varicella - Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất vẫn là trẻ em nhóm tuổi đi học. Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM có tới 90% số bệnh nhân bị nhiễm bệnh là trẻ em có độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Thời gian gần đây, theo ghi nhận tại các cơ sở khám chữa bệnh số người lớn bị nhiễm thủy đậu bắt đầu phổ biến, đây chính là nguồn lây nhiễm thuận lợi và nhanh chóng cho trẻ em vì trẻ nhỏ sức đề kháng chưa hoàn thiện, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc-xin thủy đậu.
Bệnh lành tính những cũng có thể gây nhiều biến chứng
Bệnh thủy đậu nếu được chăm sóc đúng cách, nhất là việc giữ vệ sinh da, vệ sinh cá nhân tốt thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10 -14 ngày và không để lại bất kỳ biến chứng nào.
Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh thủy đậu đã được các bác sĩ điều trị ghi nhận, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh thủy đậu nặng với việc chăm sóc chưa phù hợp, cụ thể như:
Nhiễm trùng nốt đậu dẫn đến lở loét da trẻ, nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da.
Nhiễm trùng huyết làm suy sụp sức khỏe của trẻ, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Biến chứng viêm não, viêm màng não do thủy đậu tuy hiếm gặp nhưng thường để lại những dư chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần, động kinh… gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.
Một số bệnh nhi có thể xuất hiện biến chứng viêm phổi nặng do vi rút thủy đậu.
Bệnh truyền nhiễm có tính miễn nhiễm cao
Người lớn hoặc trẻ em sau khi bị nhiễm thủy đậu tự nhiên thường cơ thể có tính miễn nhiễm rất cao, hệ miễn dịch của cơ thể tạo được lượng kháng thể tự nhiên đầy đủ và tồn tại rất bền vững, hầu như rất hiếm gặp những trường hợp bị nhiễm thủy đậu lần thứ 2. Tuy nhiên có khoảng 10% số người đã bị nhiễm thủy đậu có khả năng sẽ mắc bệnh Zona (còn gọi là giời leo). Bệnh Zona thường xuất hiện ở người cao tuổi (trên 60 tuổi), người mắc bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hoặc mắc phải, người đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch…
Bệnh truyền nhiễm xảy ra theo mùa
Theo Viện Pasteur TP.HCM, bệnh thủy đậu ở nước ta xảy ra quanh năm nhưng thời gian số người mắc bệnh thủy đậu thường tăng cao là từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Nhất là vào tháng 3. Đây là khoảng thời gian độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho virút gây bệnh thủy đậu phát tán và lây bệnh cho con người.
Có biểu hiện bóng nước khá giống bóng nước của bệnh tay chân miệng
Để phân biệt phụ huynh cần chú ý những khác biệt sau:
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu có nhiều kích cỡ khác nhau (do thời điểm xuất hiện bóng nước khác nhau), trong khi đó bóng nước trong bệnh tay chân miệng rất đồng đều.
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu xuất hiện toàn thân, trong khi bóng nước của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện khu trú ở những vị trí đặc trưng như lòng bàn tay, lòng bàn chân, ổ miệng hoặc vùng mông, vùng khớp gối.
- Bóng nước trong bệnh thủy đậu thường gây ngứa và đau khi ta ấn lên vùng da có bóng nước, bóng nước của bệnh tay chân miệng thường không gây ngứa và ấn không đau.
Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắcxin
Phòng ngừa tạm thời là giúp trẻ nâng cao ý thức tự phòng vệ: hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống tốt.
Phòng ngừa chủ động, hiệu quả và an toàn nhất là đưa trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi đi tiêm ngừa vắcxin thủy đậu, một vắcxin đã được kiểm chứng là hiệu quả bảo vệ cao (sau tiêm chủng khả năng phòng ngừa đạt 95 - 97%), với độ an toàn gần như tuyệt đối (chỉ khoảng 5% người chủng ngừa bị sốt nhẹ sau tiêm).
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tư vấn và thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ, để bảo vệ trẻ tối ưu và phòng tránh tình trạng tái nhiễm thủy đậu sau tiêm chủng phụ huynh nên cho trẻ tiêm đủ 2 liều vắcxin thủy đậu, liều thứ 2 cách liều đầu tốt nhất sau 6 tuần hoặc tiêm nhắc liều thứ 2 lúc trẻ được 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả bảo vệ cho trẻ.

ThS.BS. ĐINH THẠC (Bệnh viện Nhi đồng 1)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons