Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Trẻ sơ sinh bị khoèo chân, cần làm gì?

Khoèo chân ở trẻ sơ sinh là tật bẩm sinh, biến dạng của cả 1 hoặc 2 bàn chân ngay từ sau khi sinh với biểu hiện bàn chân bị lật vào trong và co rút lên. Nguyên nhân gây ra tật này là do tư thế nằm trong bụng mẹ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Ngoài ra còn do khiếm khuyết của mầm xương, do di truyền...
Bé bị khoèo chân có biểu hiện: chân vòng kiềng (chân cong); bàn chân bị nghiêng ngoài; khoèo chân; gối quặt ngược... Khám ngoại hình thường dễ phát hiện dị tật bẩm sinh ngay sau sinh. Các nghiên  cứu cho biết: cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 4 trẻ bị chân khoèo bẩm sinh. Vì vậy trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm các dị tật của thai nhi.
Trẻ sơ sinh bị khoèo chân, cần làm gì?
Các chuyên gia cho biết, trẻ sơ sinh bị tật khoèo chân bẩm sinh thì bé trai bị nhiều hơn bé gái. Nếu khoèo chân được phát hiện và điều trị ngay sau sinh thì tỷ lệ thành công đạt từ 15 - 80
Phương pháp điều trị chủ yếu là chỉnh hình tật chân khoèo bẩm sinh. Việc này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều công phu và kinh nghiệm, vì vậy cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện và trung tâm có cơ sở phục hồi chức năng và nhân viên chỉnh hình để được giúp đỡ và điều trị. Phương pháp chỉnh hình chủ yếu là xoa nắn, dùng băng thun và bó bột. Xoa, nắn: cần được thực hiện thường xuyên hàng ngày theo các bài tập của bác sĩ hướng dẫn. Dùng băng thun: băng được quấn bởi nhân viên y tế, có trình độ chuyên môn. Băng được quấn trong vòng 6 ngày, sau đó lại tháo ra trong 1 ngày để cho chân trẻ được thoải mái, rồi quấn lại băng vào ngày thứ 8. Việc quấn băng như vậy được thực hiện lặp đi lặp lại cho tới khi bàn chân đã được chỉnh hình tốt, thường là từ 6 - 8 tuần. Bó bột được thực hiện theo 3 bước: bước 1 điều chỉnh biến dạng của phần trước bàn chân để duỗi thẳng bàn chân; bước 2: điều chỉnh biến dạng nghiêng bàn chân vào trong bằng cách đưa bàn chân xoay ngoài; bước 3: điều chỉnh biến dạng vùng gót chân bằng cách đưa bàn chân lên cao và sao cho phía bờ ngoài bàn chân cao hơn bờ trong. Việc thay bột được thực hiện hàng tuần cho tới khi đạt được kết quả mong muốn. Trên thực tế, những trẻ bị dị tật khoèo chân, nếu được vật lý trị liệu sớm ngay, bắt đầu từ ngày thứ hai sau sinh sẽ đem lại kết quả tốt, giúp trẻ tránh được dị tật về sau.
Tật khoèo chân bẩm sinh nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ thành công rất cao, không cần đến phẫu thuật. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm ngay khi con mới sinh để đưa con đi điều trị sớm. Tránh khuynh hướng sai lầm là vì thương con, sợ con còn non nớt đã phải chịu đau đớn, hoặc cho rằng đó là bệnh thông thường không quá cấp bách nên cha mẹ thường tìm cách trì hoãn, làm mất cơ hội chữa tật tốt nhất cho con. 

  BS. Ninh Hồng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons