Đối với trẻ nhỏ, đái dầm thường xảy ra ở thời thơ ấu và đây là một hiện tượng rất bình thường của trẻ dưới 3 tuổi. Nhưng nếu không may con bạn vẫn mắc chứng đái dầm khi bé hơn 3 tuổi thì cũng chớ vội lo lắng. Nếu từ 6-7 tuổi trở lên mà trẻ vẫn còn đái dầm cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân. Điều trị tận gốc nguyên nhân, bệnh đái dầm hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Dưới đây là một vài cách thức để giúp con của bạn có thể thoát khỏi chứngđái dầm.
Hỗ trợ con
Khi con mắc chứng đái dầm, cần tìm hiểu nguyên nhân bắt đầu từ đứa trẻ. Cần giải thích cho trẻ biết đây không phải là một lỗi lầm của trẻ, nó là hiện tượng rất bình thường và phổ biến của trẻ em. Hãy tìm hiểu thời gian gần đây trẻ có thay đổi gì về vấn đề tình cảm, thể chất hay không.
Cha mẹ là người cần giải thích để trẻ hiểu bởi đái dầm thường có tính gia đình, nếu bố mẹ hồi nhỏ bị đái dầm thì nguy cơ con bị đái dầm tương đối cao. Điều này đã được khoa học chứng minh. Khi nói với con về thời thơ ấu “đái dầm” của cha mẹ, đứa trẻ sẽ thấy bớt cô đơn và xấu hổ.
Nguyên nhân chứng đái dầm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đái dầm như đứa trẻ mệt mỏi do vận động trong ngày, mất kiểm soát bàng quang, vấn đề nội tiết, những lo lắng, căng thẳng ở trường lớp cũng khiến chứng đái dầm xuất hiện. Khi một đứa trẻ không bị đái dầm đột ngột đái dầm liên tục, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nào đó hoặc có một sự thay đổi lớn trong cuộc sống làm ảnh hưởng đến đứa trẻ. Cha mẹ hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân và chia sẻ điều đó với bác sĩ để chữa trị hiệu quả chứng đái dầm của trẻ.
Tự để trẻ tìm giải pháp cho mình
Nếu trẻ từ 4 tuổi trở lên hãy nói chuyện với trẻ để trẻ tự tìm cách thoát khỏi việc đái dầm. Hãy cùng con bạn lên kế hoạch như: giảm các loại đồ uống vào buổi tối, dùng bỉm hoặc tấm lót đệm, nhờ người lớn đánh thức vào buổi đêm… Giúp trẻ hiểu rằng tự bản thân cũng có thể không bị đái dầm, đây cũng là cách gây dựng sự tự tin và thói quen tốt cho trẻ.
Khen ngợi và thưởng
Khi con của bạn có một đêm khô ráo hãy đừng tiếc lời khen cho chúng. Nhiều gia đình còn lập hẳn một bảng đánh dấu những ngày bị đái dầm và những ngày không, dán những hình thù ngộ nghĩnh vào những ngày khô ráo như một phần thưởng ghi nhận nỗ lực của trẻ. Nếu con của bạn hứng thú với điều đó, tiếp tục tạo những phần thưởng nhỏ như một bữa ăn sáng vui vẻ hay tặng bé một cuốn sách.
Nhắc nhở để tạo thói quen
Các bậc cha mẹ cần tạo thói quen đi vệ sinh cho trẻ trước khi đi ngủ. Muốn thế chúng ta cần nhắc nhở trẻ bằng cách ghi chú dán ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy hoặc đơn giản là bật đèn nhà vệ sinh vào buổi tối cũng là một cách để nhắc trẻ cần sử dụng phòng tắm. Hay cha mẹ có thể đánh thức trẻ dậy vào ban đêm. Cần lưu ý là những nhắc nhở trên không nên tạo thành áp lực vì càng căng thẳng, khả năng xảy ra đái dầm ở trẻ càng cao.
Nhờ trẻ cùng làm vệ sinh sau đái dầm
Khi làm ướt đệm giường, hãy nhờ trẻ cùng giúp bạn vệ sinh giường chiếu để trẻ thấy được hậu quả của việc làm của mình. Đây không phải là một sự trừng phạt mà bạn hãy nói cho trẻ hiểu đây là một phần những gì con đã làm hôm qua, để giúp trẻ ý thức hơn về hành động đái dầm của mình. Đừng làm trẻ thấy tội lỗi hay xấu hổ.
Đặt mình vào vị trí của con
Khi bạn la mắng hay mất bình tĩnh do trẻ đái dầm là bạn đang mắc sai lầm lớn bởi điều này không làm con bạn hết đái dầm. Đừng lôi việc con mình đái dầm ra nói với người khác nhất là khi có con bạn ở đó. Nó sẽ chỉ làm con bạn và chính bản thân bạn thêm xấu hổ, hoặc làm đứa trẻ thêm căng thẳng, lo lắng, trong khi đó chứng đái dầm vẫn không thôi. Cần kiên nhẫn với chứng đái dầm và hỗ trợ trẻ tối đa để giải quyết vấn đề này.
Giải quyết các rắc rối cho trẻ do đái dầm
Việc trẻ đái dầm sẽ khiến trẻ trở thành mục tiêu bị trêu chọc ở nhà hay ở trường. Cha mẹ là người cần can thiệp sớm bởi với trẻ nhỏ không thể tự giải quyết vấn đề này. Hãy nói với các anh chị em hay bất cứ ai trong gia đình về chứng đái dầm và giải thích rằng mọi người cần hỗ trợ trẻ thay vì trêu chọc, làm trẻ xấu hổ hơn. Ở trường cần chủ động nói với những người liên quan để trẻ không cảm thấy xấu hổ khi đái dầm.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Nếu lên 7 tuổi, con bạn vẫn còn đái dầm, bố mẹ nên xem xét đến việc đưa con đến gặp bác sĩ. Hầu như mọi trường hợp đái dầm đều có thể chữa khỏi. Vẫn có một số ít các trường hợp đái dầm là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, đặc biệt nếu trẻ đã không đái dầm 6 tháng, nay bỗng đái dầm trở lại thì có thể bé đã mắc bệnh nào đó, cần phải đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Hoàng Hải
Theo WebMD
0 nhận xét:
Đăng nhận xét