Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Té ngã, một nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ

Ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em tại Việt Nam với tỉ lệ 4,7/100.000. nâng cao nhận thức về nguy cơ trẻ té ngã cho phụ huynh là điều quan trọng.
Ngã: nguyên nhân thứ hai gây tử vong
Điều tra tai nạn thương tích (TNTT) Việt Nam năm 2010 cho thấy rằng: ngã là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong trong tất cả các đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tại 53 tỉnh/thành phố có 551.380 trường hợp mắc TNTT đã có 4.665 trường hợp tử vong. Tỉ lệ mắc và chết ở lứa tuổi trẻ em (0 - 19) chiếm tỉ lệ cao nhất. Trong đó, té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này.
Một khảo sát do khoa Y tế Công cộng - ĐH Y Dược TP.HCM đã tìm hiểu kiến thức, thái độ, thực hành phòng tránh té ngã (PTTN) trên 251 phụ huynh có con học tại trường mầm non Vành Khuyên (Q.8, TP.HCM) cho thấy tỉ lệ phụ huynh có kiến thức không đúng về PTTN gần 30%, thực hành chung PTTN đạt 64,5%.
Kết quả cho thấy, kiến thức của phụ huynh về hậu quả té ngã là không đồng đều. Tỉ lệ phụ huynh cho rằng té ngã gây ra gãy xương chân, tay chiếm cao nhất (87,6%), thấp nhất là tử vong (40,2%). Điều này cho thấy phụ huynh nhận thức khá rõ về hậu quả của té ngã nhưng một số hậu quả tàn tật, tử vong lại đạt tỉ lệ thấp có thể là do phụ huynh vẫn chưa hình dung được những hậu quả khôn lường khác mà té ngã có thể gây ra cho trẻ.
Té ngã, một nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ
Thái độ tốt của phụ huynh về phòng tránh té ngã cho trẻ chiếm tỉ lệ khá cao. Trong đó, tỉ lệ phụ huynh có thái độ thực hành tốt phòng ngừa việc trẻ leo lên bàn ghế, cây cối chơi đùa chiếm tỉ lệ cao nhất (86,1%), nhất là việc lắp cửa chắn ở cầu thang (78,5%). Điều này có thể là do phụ huynh đã ý thức được những mối nguy cơ khá rõ ràng có thể gây té ngã cho trẻ. Bên cạnh đó một số biện pháp như: đeo đai an toàn cho trẻ lại có tỉ lệ thấp hơn.
Điều đáng nói, mặc dù hiểu được việc nguy hiểm đối với trẻ khi té ngã, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn thực hành an toàn cho trẻ sai. Khi đi lên xuống cầu thang, 35,9% phụ huynh cho biết chỉ theo dõi quan sát trẻ hoặc cho trẻ tự do leo trèo. Còn thực hành cách trông trẻ đúng cách khi cha mẹ bận việc, 22,7% cha mẹ để trẻ chơi một mình, lâu lâu trông chừng trẻ; 8% cha mẹ để trẻ chơi trong phòng hoặc ngồi trong cũi.
Đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ bị ngã
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ rất hiếu động, thường chạy nhảy leo trèo khỏi sự quản lý, kiểm soát của cha mẹ. Vì vậy, đôi khi trẻ té ngã là điều không thể tránh được. Trẻ bị té đau, không chỉ bằng một cục u nhỏ, đôi khi va chạm khiến trẻ bị gãy xương. Do đó, dù bạn có thể nhìn thấy hoặc chỉ cảm nhận, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để kiểm tra, hạn chế những tổn hại tiềm ẩn.
Tỉ lệ mắc và chết do tai nạn thương tích ở lứa tuổi trẻ em (0 - 19) chiếm tỉ lệ cao nhất
Tỉ lệ mắc và chết do tai nạn thương tích ở lứa tuổi trẻ em (0 - 19) chiếm tỉ lệ cao nhất
Ngay khi trẻ té ngã, người lớn cần hạn chế di chuyển trẻ, giúp trẻ cố định vết thương và bảo vệ phần bị thương tổn. Nếu trẻ bị gãy tay hoặc chân, bạn có thể dùng một cái mền bọc quanh, không quá lỏng hoặc quá chật. Nếu nghi ngờ trẻ bị tổn thương cột sống, cổ, hoặc chấn thương sọ não, không nên di chuyển trẻ mà nên gọi cấp cứu 115. Trong thời gian chờ đợi, bố mẹ nên bình tĩnh, vỗ về con để trẻ an tâm hơn, để trẻ không cử động hoặc vùng vẫy thái quá làm vết thương thêm tồi tệ.
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng cha mẹ cần thêm thông tin để tiếp cận và nâng cao thêm nhận thức về các nguy cơ té ngã như: phổ biến thêm các loại hình truyền thông: đài truyền hình, đài phát thanh, tờ rơi, áp phích… Qua đó, nhằm khuyến khích phụ huynh áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ như: sử dụng đai an toàn, ghế đặt cố định phía trước xe máy, lắp cửa chắn cầu thang…

AN QUÝ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons