Chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em (AD/ADHD) hay còn gọi là "hội chứng trẻ hiếu động" và "rối loạn hiếu động kém tập trung.
1. Chứng tăng động giảm chú ý là gì?
Chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em (AD/ADHD) hay còn gọi là “hội chứng trẻ hiếu động” và “rối loạn hiếu động kém tập trung” là một rối loạn có tính chất tâm lý thường gặp ở trẻ em, khởi phát sớm và kéo dài với các biểu hiện như: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém khả năng tập trung chú ý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em (AD/ADHD) hay còn gọi là “hội chứng trẻ hiếu động” và “rối loạn hiếu động kém tập trung” là một rối loạn có tính chất tâm lý thường gặp ở trẻ em, khởi phát sớm và kéo dài với các biểu hiện như: hoạt động quá mức, khó kiểm soát hành vi, kém khả năng tập trung chú ý gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và trong các mối quan hệ xã hội.
Trẻ không tập trung và hiếu động thường được chẩn đoán phát hiện ở lứa tuổi 4-6 tuổi, và bé trai bị nhiều hơn bé gái gấp 4-10 lần. Tuy nhiên, sau này tỉ lệ rối loạn này ở bé gái cũng tăng rõ rệt.
ADHD thường xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của trẻ (thông thường là trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời). Mức độ thay đổi theo từng cá nhân, nhưng có khuynh hướng giảm dần (ít nhất là trên vấn đề vận động) vào tuổi thiếu niên.
2. Chứng tăng động giảm chú ý được phân loại như thế nào?
Sổ thống kê và chẩn đoán DSM-IV của Hiệp hội Tâm lý Thần kinh Hoa Kỳ phân chia chứng Tăng động giảm chú ý thành 3 nhóm chính:
Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng phối hợp: Phân nhóm này được chẩn đoán nếu có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý và ít nhất 6 triệu chứng tăng động bồng bột tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng. Hầu hết những trẻ em và thiếu niên có rối loạn này đều thuộc dạng phối hợp.
Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về giảm chú ý: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng giảm chú ý (nhưng có ít hơn 6 triệu chứng về tăng động bồng bột) tồn tại trong một thời gian ít nhất là 6 tháng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý - Dạng trội về tăng động bồng bột: Phân nhóm này được chẩn đoán khi có ít nhất 6 triệu chứng về tăng động bồng bột (nhưng có chưa đến 6 triệu chứng về giảm chú ý) tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng.
3. Những dấu hiệu để nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý gồm những gì ?
Những đặc điểm lâm sàng để nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý:
Sự hoạt động thái quá : Trẻ hoạt động liên tục, múa tay chân, chạy nhảy leo trèo, không ngồi yên một chỗ, thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác…
Sự tập trung chú ý kém : Khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày và ngay trong lúc vui chơi. Trẻ thường không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp hoặc đưa ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi; không thể hoàn thành bài tập ở trường và ở nhà; dễ dàng bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh; hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.
Phối hợp, kiểm soát động tác kém: Trẻ hoạt động mang tính chất xung động tức thì, thường hay gây ồn ào, làm phiền người khác quá mức.
Những rối loạn hành vi khác đi kèm theo như: rối loạn giấc ngủ (thường là trẻ rất khó đi vào giấc ngủ), rối loạn lo âu...Các rối loạn này có thể nhiều hay ít tùy thuộc vào từng trẻ và môi trường xung quanh tác động đến trẻ.
Các rối loạn nêu trên xảy ra ở mọi nơi (ở nhà, trường học, bệnh viện, nơi công cộng…), trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả các mối quan hệ trong khoảng thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng.
4. Đâu là tiêu chuẩn khoa học để chẩn đoán tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ?
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-IV:
A. Có tiêu chuẩn (1) hoặc (2):
(1) Trong số các triệu chứng giảm chú ý sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:
(a) Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.
(b) Thường khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc trong vui chơi.
(c) Thường có vẻ không lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.
(d) Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu những hướng dẫn).
(e) Thường khó khăn khi tổ chức các công việc và các hoạt động.
(f) Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần liên tục (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).
(g) Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở, và các dụng cụ).
(h) Thường dễ dàng bị chia trí bởi các kích thích bên ngoài; (i) Thường quên làm các công việc hằng ngày.
(2) Trong số các triệu chứng tăng động - bồng bột sau đây, có ít nhất 6 triệu chứng tồn tại trong thời gian ít nhất là 6 tháng, đến độ không thích nghi và không phù hợp với trình độ phát triển:
Tăng động
(a) Tay chân ngọ nguậy, ngồi không yên.
(b) Thường rời bỏ chỗ ngồi trong lớp học hoặc trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên.
(c) Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức đương sự có cảm giác bồn chồn chủ quan).
(d) Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí cần phải giữ yên lặng.
(e) Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể "đang lái môtô".
(f) Thường nói quá nhiều.
Bồng bột
(a) Thường buột miệng trả lời khi người khác chưa hỏi xong.
(b) Thường khó chờ đợi đến phiên mình.
(c) Thường làm gián đoạn hoặc quấy rầy người khác (xen vào các cuộc nói chuyện hoặc các trò chơi).
B. Một số triệu chứng tăng động - bồng bột hoặc triệu chứng giảm chú ý gây ra suy giảm chức năng được thấy hiện diện trước 7 tuổi.
C. Tình trạng giảm chức năng do các triệu chứng này được thấy hiện diện trong ít nhất 2 môi trường khác nhau (ở trường, ở nơi làm việc, hoặc ở nhà).
D. Phải có bằng chứng rõ ràng về tình trạng suy giảm chức năng đáng kể về lâm sàng trong hoạt động xã hội, học tập hoặc nghề nghiệp.
E. Nhữngtriệu chứng không phải chỉ có xảy ra trong rối loạn phát triển lan tỏa, Tâm thần phân liệt hoặc trong Rối loạn tâm thần khác và chúng không được giải thích rõ bởi một rối loạn tâm thần khác.
5. Nguyên nhân của hội chứng tăng động giảm chú ý là gì?
ADHD là một trong những hội chứng mắc phải từ thời thơ ấu được nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn chưa xác định rõ ràng được nguyên nhân.Có thể xếp các nguyên nhân được tìm thấy hiện nay vào 3 nhóm nguyên nhân chính:
Nguyên nhân thực thể:
Tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em hoặc các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị hiếu động, kém tập trung.
Tai biến lúc sanh: như sanh non tháng, thiếu oxi lúc sanh( bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Do di truyền: đa số những trẻ em mắc chứng không tập trung-hiếu động thì trong gia đình của chúng có ít nhất một thành viên mắc chứng này. Hơn nữa, 1/3 số người đàn ông bị chứng hiếu động-thiếu tập trung khi còn nhỏ, thì con họ sau này cũng mắc phải chứng này.
Nguyên nhân tâm lý: Lo lắng, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình.
Các nguyên nhân khác: Như chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trẻ ngủ hay ngáy, hoặc có rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều quá hoặc khó ngủ)…
6. Chứng tăng động giảm chú ý này về lâu dài có gây nguy hại gì không?
Thường những trẻ em mắc chứng không tập trung hiếu động lại mắc những chứng khác như:
Trầm cảm: Người lớn và trẻ em đều bị như nhau, nhất là những gia đình có nhiều người mắc chứng này.
Thiếu tự tin: Làm cho trẻ khó thích nghi với môi trường sống và học đường.
Hội chứng Tourette: Đó là những rối loạn thần kinh, biểu hiện bằng tật giật cơ, với những cử động không tự ý .
Rối lọan lo âu: Lo lắng và nóng nảy kèm theo nhịp tim nhanh, thở nhanh, chóng mặt…
Gặp rắc rối trong học tập: 20% trẻ mắc chứng không tập trung- hiếu động cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.
Hay khiêu khích, gây sự: Thái độ thù ghét, hung tợn.
7. Phòng ngừa bằng cách nào?
Vì nguyên nhân gây ra chứng này vẫn chưa rõ ràng, cho nên rất khó có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nên phòng tránh không cho trẻ bị chấn thương vào đầu hay bị nhiễm trùng thần kinh trung ương và không cho trẻ tiếp xúc với kim loại nặng (chì).
Mặt khác, người mẹ khi mang thai cần phải chú ý không được hút thuốc, uống rượu hay dùng chất ma túy, nếu được, càng tránh tiếp xúc với những chất độc trong môi trường càng tốt.
8. Trẻ tăng động giảm chú ý có thể được hỗ trợ như thế nào?
Các biện pháp trị liệu cơ bản:
Điều trị bằng chế độ ăn uống: Nên cho trẻ ăn những thức ăn nào mà ít gây ra dị ứng, có thể cải thiện được sự tập trung chú ý của trẻ. Nên tránh những loại thức ăn sau: Sữa & các sản phẩm từ sữa, lúa mì, bắp, đậu nành, trứng, sô-cô-la, đậu phộng; các lọai thực phẩm có thêm phụ gia nhằm ổn định thực phẩm, hóa chất và phẩm màu, cam, quít.
Dùng thuốc: Khi đã chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc methylphenidate (Ritalin®), thuốc này giúp kích thích hệ thần kinh trung ương làm cải thiện khả năng tập trung của trẻ. Thường không dùng thuốc này cho trẻ trước tuổi đi học.
Liều dùng từ 20-60 mg mỗi ngày, và thuốc sẽ có tác dụng trong vòng 30 phút. Dùng thuốc này có thể gây ra những thay đổi về thói quen ăn uống của trẻ. Nên tôn trọng những thay đổi này, tránh ép trẻ ăn khi không đói, hoặc không nên từ chối cho trẻ ăn khi trẻ đòi ăn.
Sau khi điều trị bằng thuốc này khoảng 4 tuần trẻ sẽ tập trung và trầm tĩnh hơn, kết quả học tập trong lớp tốt hơn. Hiệu quả của thuốc khi dùng lâu dài vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tác dụng phụ khi uống thuốc này là nhức đầu, ăn uống không ngon miệng, mất ngủ, đái dầm, bứt rứt, trầm cảm và hại cho gan..
Ngoài ra còn có thuốc atomoxetine( Strattera ® ) được FDA của Mỹ công nhận, cũng có hiệu quả như Ritalin nhưng ít tác dụng phụ hơn. Đây là điều nên hết sức cân nhắc khi áp dụng.
Tâm lý trị lịêu
Một số trẻ em bị chứng không tập trung hiếu động sẽ hết đi khi trẻ lớn lên, một số khác thì chứng này có thể tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, nhờ vào các phương pháp điều trị giúp kiểm soát được chứng bệnh này, và người bệnh có được cuộc sống bình thường.
Các biện pháp điều trị này bao gồm: tâm lý trị liệu, hỗ trợ từ phía gia đình, nhóm hỗ trợ, cha mẹ trẻ nên có kiến thức để giúp đỡ những trẻ hiếu động. Cách tốt nhất là phối hợp giữa cha mẹ, thầy cô giáo, bác sĩ và nhà tâm lý trong việc điều trị cho trẻ:
Vì trẻ em hiếu động thường gặp phải những vấn đề về tập trung chú ý, vì vậy các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần phải diễn đạt một cách rõ ràng để cho trẻ dễ tiếp thu trong học tập và phải đảm bảo là trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trẻ hiếu động rất dễ bị phân tán do đó tốt hơn là nên giao cho trẻ những công việc đơn giản. Nếu như công việc hay trò chơi có tính phức tạp, thì nên phân chia ra thành từng giai đoạn để trẻ dễ hiểu và dễ thực hiện.
Trẻ hiếu động đặc biệt rất nhạy cảm với những kích thích từ môi trường bên ngoài. Do đó cần phải tổ chức thành nhóm hoặc giao công việc dạy dỗ trẻ cho những người có tính kiên nhẫn và biết hoạt náo. Khi chú ý xem tivi cũng vậy, những hình ảnh xáo động và những bài nói chuyện trên tivi dễ ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ. Dó đó cần phải tránh.
Khi làm bài tập ở trường hay những công việc khác, cần bố trí cho trẻ nơi yên tĩnh để không làm cho trẻ bị phân tán.
Trẻ nên cho ngủ đầy đủ: tối thiểu từ 8-9 tiếng mỗi ngày, và ban ngày nên cho trẻ ngủ trưa.
Vì trẻ hiếu động đòi hỏi thầy cô giáo phải biết kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Không nên la mắng trẻ. Điều quan trọng là người giáo dục trẻ nên biết được những mặt hạn chế cũng như nhu cầu của trẻ để đưa ra biện pháp giáo dục trẻ một cách thích hợp.
Trẻ hiếu động thường không biết nguy hiểm là gì. Chính vì vậy mà người dạy trẻ cần phải theo dõi trẻ sát sao hơn bình thường. Khi bạn cần tìm một người giữ trẻ như thế, bạn nên chọn người có kinh nghiệm và có kỹ năng nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra cho trẻ.
Dùng bạo lực, la hét hay đánh đập trẻ thường không mang lại lợi ích gì mà lại làm cho trẻ bị "lờn mặt" đi. Lúc này tốt hơn là nên yêu cầu trẻ vào phòng đóng cửa lại là vừa. Cách giải quyết này cũng làm cho bạn và trẻ lấy lại bình tĩnh.
La mắng hay quở trách sẽ gây thêm rối loạn hành vi của trẻ. Trẻ hiếu động thường gặp phải vấn đề trầm trọng về khả năng tự tin của chúng. Điều quan trọng là làm thế nào để chỉ ra cho trẻ điều đó để chúng trở nên tốt hơn, chứ không nên nhắc đi nhắc lại về những sai lầm mà trẻ mắc phải. Hãy rộng lượng và khuyến khích trẻ!
Các biện pháp khác:
Xoa bóp(massage): Xoa bóp đặc biệt có lợi giúp thư giãn đối với những thanh thiếu niên bị chứng rối loạn không tập trung-hiếu động. Trẻ được điều trị bằng phương pháp mát-xa thư giản giúp trẻ trầm tĩnh hơn, ngủ ngon hơn, tránh được những cơn ác mộng khi ngủ, cải thiện được hành vi, biết lắng nghe, vâng lời cha mẹ hơn
Phương pháp Tomatis: Nguyên tắc của phương pháp này là dùng âm nhạc để điều trị cho trẻ mắc chứng rối loạn không tập trung và hiếu động, được khởi xướng bởi một bác sĩ người Pháp tên Alfred A. Tomatis. Theo ông, đây là một phướng pháp cho kết quả rất tốt.
Chính âm nhạc làm cải thiện khả năng nghe của trẻ, bằng cách kích thích não bộ giúp trẻ tập trung vào âm thanh mà không bị phân tán. Vì vậy, người ta thường cho trẻ nghe nhạc Mozart, hòa tấu, thậm chí nghe giọng nói của người mẹ.
Phương pháp Tâm vận động: Phương pháp này đòi hỏi một số trang bị về phòng ốc, các dụng cụ giáo dục đặc biệt và những kiến thức chuyên môn. Ở Pháp, Tâm vận động (Psychomotricité) là một chuyên ngành của trị liệu tâm lý, các chuyên viên tâm vận động được đào tạo với kỹ năng và kiến thức chuyên môn để có thể trị liệu cho từng độ tuổi khác nhau.
Theo Chuyên viên tâm lý Phạm Văn Thượng
Trung tâm Hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
Trung tâm Hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét