Nguyên nhân gây lé
Nguyên nhân lé mắt ở trẻ em là do sự bất thường hoạt động giữa thần kinh trên não và các cơ quanh mắt. Nếu cơ này hoạt động không đều nhau, một cơ yếu hay cơ khác mạnh hơn, sẽ làm hai mắt nhìn theo hai hướng khác nhau.
TS.BS Nguyễn Thị Xuân Hồng cho biết, lé có hại loại: Lé bẩm sinh và lé do nguyên nhân nào đó (mắc phải, hay hậu đắc).
Lé bẩm sinh xảy ra ở trẻ dưới sáu tháng tuổi, một số bé khi sinh ngạt hay sinh khó cũng bị lé.
Tật lé ở trẻ em cần được đưa đi khám và điều trị để tránh nguy cơ giảm hoặc mất thị lực cho trẻ. Ảnh internet
Lé mắc phải là do các bệnh lý tai mắt như đục thủy tinh thể, cườm nước (glaucoma), tật khúc xạ, ung thư... Người lớn bị lé thường do các nguyên nhân như liệt thần kinh do nhiễm siêu vi, các u não chèn ép, bệnh lý mạch máu như cao huyết áp, tiểu đường.
Lé mắt chia làm ba nhóm: nhóm lé ngang (lé trong, lé ngoài), lé đứng (đứng trên, đứng dưới), lé xoáy (xoáy trong, xoáy ngoài). Độ viễn thị cao sẽ gây lé trong, độ cận thị cao sẽ gây lé ngoài. Ngoài ra còn có các dạng kết hợp giữa ba nhóm lé trên.
Bên cạnh đó còn có trường hợp lé giả. Có hai nguyên nhân gây nên lé giả. Thứ nhất do góc nhìn lệch trục với cơ thể học của mắt nên nhìn giống như mắt bị lé, nhưng đó là tình trạng sinh lý bình thường của mắt. Thứ hai do cấu tạo khuôn mặt ở người Châu Á thường có mũi tẹt và mắt một mí nên ở một số người, nếp mí góc trong hạ xuống che bớt tròng trắng mắt trong gây cảm tưởng mắt lé trong.
Một trường hợp bị lé trong. Ảnh internet
Tác hại
Lé mắt có tác hại nhiều mặt như: chức năng thị giác, tâm lý và thẩm mỹ.
Về chức năng thị giác sẽ ảnh hưởng đến thị lực (mắt lé thường xuyên sẽ dẫn đến giảm thị lực và gây mù mắt), ảnh hưởng hợp thị hai mắt ( không phân định được khoảng cách, không nhìn được hình nổi).
Về mặt tâm lý, các bé bị lé thường bị có mặc cảm do hay bị mọi người chọc ghẹo. Vì vậy, các trẻ bị lé thường thiếu tự tin, sống khép mình. Nếu điều này xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển tâm lý của trẻ. Bé nào thuộc tuýp thần kinh yếu sẽ càng thu minh lại, ngược lại bé thuộc túyp thần kinh mạnh sẽ hung bạo hơn.
Điều trị
Kết quả điều trị lé mắt hiện nay rất khả quan, khoảng 90% trường hợp hết lé hoàn toàn sau điều trị. 10% còn lại không khỏi hoàn toàn là do có những bất thường cả về thần kinh và sọ mặt.
Bác sĩ Nguyễn Chí Trung Thế Truyền- BV Mắt TP.HCM cho biết: trẻ bị lé dưới 2 tuổi khả năng phục hồi thị lực sau điều trị là 100%, còn sau 2 tuổi thì chỉ phục hồi về mặt thẩm mỹ, còn thị lực là không thể có 100% . Vì vậy, BS Truyền khuyên: “Nếu có lé bắt buộc phải điều trị, không bao giờ tự hết được. Phụ huynh không nên tự điều trị theo cách dân gian”. BS Truyền còn cho biết thêm, thông thường trẻ dưới sáu tháng tuổi do hệ thống cơ vận nhãn và thần kinh điều khiển chưa ổn định nên nếu có lé thì chưa có giá trị chẩn đoán. Nhưng nếu bé trên sáu tháng tuổi mà thấy bé có lé thì phải đưa bé đi khám ngay.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Xuân Hồng, tùy từng nguyên nhân gây lé sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu lé bẩm sinh, bất thường cơ thì cần phải phẫu thuật. Lé do viêm nhiễm cần điều trị thuốc. Còn lé do nguyên nhân tật khúc xạ có thể đeo kính và chỉnh hết lé. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp lé do tật khúc xạ cần phải phẫu thuật.
Phẫu thuật lé là làm mạnh cơ bị yếu hoặc làm yếu cơ quá mạnh. Phẫu thuật lé có hai hình thức: gây mê toàn thân nếu trẻ nhỏ dưới 10 – 12 tuổi và tiêm tại chỗ. Gây mê phải nằm viện khoảng 3 ngày, còn gây tê tại chỗ thì về trong ngày. Phẫu thuật lé không có biến chứng nguy hiểm. Sau mổ, mắt chỉ đỏ, vết mổ lành sau 1 tuần. Bệnh nhân sinh hoạt và ăn uống bình thường.
Tật lé có thể bị tái lại nếu tinh thần căng thẳng kéo dài hoặc độ khúc xạ thay đổi mà không điều chỉnh kính đúng. Do vậy, nên đưa trẻ đến tái khám ở chuyên khoa mắt nhi tối thiểu mỗi năm một lần để được can thiệp kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét