Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Phòng tránh cơn hen cho trẻ

Hen được định nghĩa như một bệnh đặc trưng bởi sự tăng đáp ứng của khí quản và phế quản với các kích thích khác nhau và biểu thị bằng sự co hẹp các đường khí đạo, dẫn tới ho và khó thở (hẹp lòng phế quản). Bệnh gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ em.
Phòng tránh cơn hen cho trẻ 1
 Hen phế quản ở trẻ em có thể phòng ngừa được.
Vai trò của các cơ chế dị ứng trong số phần lớn các bệnh nhân bị hen, có thể dị ứng mùa, thời tiết, cây cỏ, bụi nhà, phấn hoa, lông thú, rêu mốc... là những tác nhân hay gây nên bệnh cảnh này. Nhưng dù do bất kỳ nguyên nhân nào, chúng ta cũng không nên để bệnh hen trở thành ác tính, nặng, gây tử vong. Thường hen có thể phòng ngừa được nếu các tác nhân là yếu tố khởi phát cơn hen được nhận biết và loại trừ. Ở đây, phải nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp kiểm soát môi trường cả ở nhà lẫn nơi làm việc, ngăn chặn không cho cơn hen phát sinh:
Tránh xa khói thuốc lá: Người bị bệnh hen tuyệt đối không được hút thuốc lá và những người xung quanh người bệnh hen cũng không được hút thuốc. Qua một số nghiên cứu tác hại của việc hút thuốc đối với chứng hen đã khuyên rằng không được hút thuốc, nhất là khi cửa nhà đóng kín.
Đây là điều tối quan trọng, bởi nếu một người hút thuốc trong nhà có bệnh nhân hen sẽ dẫn tới tình trạng hen nghiêm trọng hơn, nhất là trẻ em. Cần thận trọng khi người lớn sử dụng những chất có mùi thơm khác lạ dễ kích ứng làm xuất hiện cơn hen như mùi keo xịt tóc, mùi nước thơm xịt phòng...
Không đốt lửa sưởi trong nhà, củi cháy trong nhà thì khói bụi có thể gây cơn hen. Nếu cần đốt lửa sưởi, phải đảm bảo giảm đến mức tối đa những bụi nhỏ thoát ra trong phòng và vào phổi bệnh nhân.
Không ra ngoài gió lạnh, vì khi mở cửa bước ra ngoài đột ngột thay đổi nhiệt độ có thể lên cơn hen. Bởi vậy, bệnh nhân bị hen khi trời lạnh không nên ra ngoài, nếu phải ra ngoài thì phải mặc ấm, dùng khăn choàng rộng hoặc khẩu trang che mũi, miệng. Nếu có điều kiện thì thay đổi môi trường sống ở những nơi khí hậu ấm áp, khô ráo.
Nằm giường kê đầu cao hoặc gối cao khi ngủ để tránh hiện tượng trào ngược dịch vị axit vì hiện tượng này có thể gây cơn hen.
Thận trọng với thức ăn hàng ngày, nếu đã biết đồ ăn nào, thực phẩm nào trẻ bị dị ứng thì không bao giờ dùng, nhưng một số thực phẩm mới lần đầu dùng thì bệnh nhi nên thận trọng. Qua nghiên cứu thực tế, người ta thấy sữa, trứng, đồ ăn liền là những món ăn thường gây hen. Nếu có thể hãy tránh xa bếp ăn, bởi một số người bệnh không cần phải ăn món ăn kiêng mà chỉ ngửi mùi thức ăn cũng có thể lên cơn hen.
Cần kiểm soát lượng muối vào cơ thể, bản thân muối không gây hại, nhưng nếu ăn nó nhiều sẽ có hại. Người bình thường đã không nên ăn mặn (không quá 5g muối/ ngày) nên người bị hen càng thận trọng, ăn mức độ vừa phải.
Cẩn thận với đồ gia vị, chất kích thích như rượu bia, đồ khô, tôm khô, trái cây khô... có chứa các chất có thể gây cơn hen.
Sử dụng cà phê hoặc ca cao lúc cần: trường hợp người bệnh lên cơn hen mà không đem thuốc theo thì uống 2 ly cà phê đặc hoặc cacao nóng hoặc dùng 1-2 thanh socola có thể là phương thuốc hữu hiệu tạm thời trong khi tìm kiếm thuốc điều trị.
Hoạt động thể lực vừa phải, tránh để trẻ nô đùa, chạy nhảy quá sức sẽ mệt mỏi, thở hụt hơi có thể gây cơn hen, cần thở đằng mũi là tốt nhất, vì nếu thở bằng miệng thì cổ họng sẽ bị khô, lạnh và gây hen.
Bơi lội để làm tăng độ ẩm ướt cho cổ họng: về mùa hè người bị hen cần bơi lội thường xuyên, đều đặn hàng ngày. Đây là phương pháp tập luyện lý tưởng nhất với người bị hen, vì nhờ nó có độ ẩm ướt cao, cổ họng sẽ không khô ráo nên ngừa được cơn hen.
Cần để ý thường xuyên theo dõi bệnh của con em mình, cần phát hiện sớm những dấu hiệu báo động cơn hen và cần có sự can thiệp kịp thời để bệnh không phát triển nặng thêm, gây nguy hiểm đến tính mạng. 
   BS. Lê Thu Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons