Con tôi 12 tuổi, vừa qua cháu bị đau bụng, sốt, vàng da, đi khám siêu âm bác sĩ nói cháu bị sỏi mật. Tôi băn khoăn tại sao trẻ nhỏ đã bị sỏi? Xin hỏi nguyên nhân do đâu? Có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
Đỗ Thị Thoa (Hà Giang)
Sỏi mật thường gặp ở người lớn, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em. Một công trình nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức cho thấy, nếu đường mật có một dị vật như xác giun, trứng giun thì sau chừng 3 năm, sỏi đã được tạo thành. Có nghĩa nếu trẻ bị giun chui ống mật lúc 3 tuổi thì đến 6 tuổi trẻ đã có thể bị sỏi. Sỏi mật là bệnh hay tái phát nên bệnh nhân vào viện nhiều lần, có khi phải mổ nhiều lần. Nếu chỉ có một hòn sỏi ở đường mật chính thì sau khi mổ lấy sỏi, rửa sạch các đường mật thì tái phát ít hơn. Nhưng nếu có nhiều sỏi ở đường mật chính và cả các đường mật trong gan thì khó điều trị hơn và dễ tái phát hơn. Đặc biệt sỏi ở trong gan nhất là sỏi càng xa đường mật chính thì khó lấy hoặc không lấy được. Trong trường hợp nhiều sỏi, nhiễm khuẩn dai dẳng và xơ hóa vùng gan có sỏi thì phương pháp điều trị là cắt bỏ phần gan.
Sỏi mật thường gây một số biến chứng nguy hiểm là nhiễm khuẩn đường mật, biến chứng vào tụy gây viêm tụy cấp hoặc biến chứng chảy máu đường mật. Đây là giai đoạn muộn dễ tử vong, vì vậy bệnh cần được điều trị sớm. Để phòng bệnh cần hướng dẫn trẻ biết giữ vệ sinh tránh nhiễm giun. Nếu ở vùng có nguy cơ nhiễm giun cao (nơi trồng màu có dùng phân tươi bón) thì nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
BS. Nguyễn Văn Quế
0 nhận xét:
Đăng nhận xét