Dị ứng thực phẩm là phản ứng tiêu cực với thực phẩm xảy ra do cơ thể không chấp nhận một loại thực phẩm nào đó. Dị ứng thức ăn có thể xảy ra với nhiều triệu chứng khác nhau, như ngứa ngáy, nổi mẩn trên da, mề đay... Trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở. Tình trạng dị ứng với thức ăn ở trẻ em chiếm một tỉ lệ khá cao, biểu hiện thường trầm trọng và rầm rộ hơn người lớn.
Biểu hiện của dị ứng thực phẩm ở trẻ em. Ảnh: TL
|
Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm là tình trạng tổn thương ở da như: nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số ít trường hợp dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và gây tử vong, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi.
Dị ứng thực phẩm đôi khi có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như thái độ chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn... Tình trạng này cũng hay xảy ra ở trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ thấy con mình không muốn ăn mà không thể tìm ra nguyên nhân, càng ép ăn trẻ càng chán ăn một hay vài loại thực phẩm nào đó. Hiện tượng trên kéo dài lâu ngày có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng là hải sản, trứng, sữa bò...
Cách phòng tránh dị ứng cho trẻ
Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về lĩnh vực dị ứng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng sữa bò nói riêng, cũng như tại sao lại có một số trẻ bị dị ứng còn một số trẻ khác lại không. Nếu trẻ bị dị ứng thực phẩm, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng của trẻ, cả ở nhà lẫn ở trường. Trước hết, hãy theo dõi để biết trẻ mẫn cảm với loại thực phẩm nào. Khi đi mua thực phẩm cho trẻ, hãy đọc kỹ các thành phần của sản phẩm. Tất cả những người trông nom trẻ (kể cả cô giáo) cần được thông báo về tình trạng dị ứng này. Cần có tư vấn bác sĩ để có cách chăm sóc trẻ và chuẩn bị một số thuốc men cần thiết tại nhà. Sau một thời gian, có thể tình trạng dị ứng sẽ hết đi, nhất là trong trường hợp dị ứng sữa và trứng.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện đặc biệt như khó thở dữ dội, trụy tim mạch... sau khi ăn, đó là biểu hiện của sốc phản vệ cần phải đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Trần Quốc Ninh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét