Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Hãy bình tĩnh khi trẻ bị sốt cao co giật

Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ em trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Sốt cao thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng. Nếu trẻ sốt cao liên tục sẽ rất nguy hiểm vì có thể xảy ra các cơn co giật.
Xử trí khi trẻ bị co giật
Co giật xảy ra thường do bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương (viêm màng não, viêm não). Tuy nhiên, thường gặp hơn là sốt cao co giật lành tính. Sốt cao co giật lành tính thường chỉ xảy ra ở những trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi, trong gia đình có anh (em) hoặc bản thân bệnh nhi đó trước đây đã bị sốt cao co giật.
 
Khi trẻ bị co giật, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và đặt trẻ nằm nghiêng sang phải để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, không gây tắt đường thở khi bé đang co giật. Cần cởi bỏ quần áo, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của bé đối với trẻ nhỏ. Thuốc paracetamol được ưu tiên lựa chọn vì có tác dụng hạ sốt nhanh và dung nạp tốt nhất. Khi sử dụng dạng thuốc đặt hậu môn, cần chú ý thực hiện đúng thao tác: đặt đầu nhọn của viên thuốc vào trước và bóp hai mép hậu môn lại trong vài giây. Chú ý chọn loại thuốc có hàm lượng paracetamol phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ, nếu viên thuốc bị nhão do điều kiện bảo quản không tốt thì phải chọn loại khác có cùng hàm lượng đã được để đông cứng trong tủ lạnh trước đó. Chỉ nên sử dụng paracetamol liều 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ. Tuyệt đối không được sử dụng aspirine. Lưu ý: không nên cùng lúc vừa cho uống vừa đặt thuốc hạ sốt.
Khi trẻ liên tục sốt cao, việc dùng paracetamol phải tuân theo liều lượng quy định là 15mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ trong mỗi 6 giờ. Tức là mỗi 6 giờ cho trẻ dùng thuốc một lần. Ví dụ trẻ nặng 20kg thì cứ cách 6 giờ cho trẻ dùng một lượng paracetamol là 300mg. Điều cần ghi nhớ là không nên nôn nóng cho trẻ dùng đồng thời nhiều loại thuốc hạ sốt sẽ dẫn đến vượt quá liều quy định, bởi vì paracetamol dùng liều cao liên tục gây độc cho gan, làm tiêu tế bào gan. Ngay cả các dạng thuốc đặt hậu môn hoặc thuốc dán thì khả năng vượt quá liều quy định vẫn có thể xảy ra, cho nên dùng dạng thuốc hạ sốt nào cũng cần quan tâm đến tổng liều paracetamol có vượt quá ngưỡng quy định hay không.
Sử dụng các biện pháp vật lý
Ngoài việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như trên, các bà mẹ cần lưu ý rằng để hạ thấp nhiệt độ cho cơ thể trẻ, còn có các biện pháp vật lý không dùng thuốc. Nếu nhiệt độ của trẻ vượt quá 38,5oC, cần để trẻ ở trần trong phòng thoáng khí nhưng phải kín gió. Có thể để nhiệt độ phòng ở khoảng 20oC nếu dùng điều hòa. Cho trẻ uống nhiều nước. Nên pha 1 gói oresol 27,5g vào một lít nước nguội rồi cho trẻ uống từ từ từng ít một. Nếu trẻ vẫn tiếp tục sốt cao, cần cho trẻ tắm trong chậu nước ở nơi kín gió mà nhiệt độ của nước trong chậu thấp hơn nhiệt độ của cơ thể trẻ khoảng 2oC. Nhiều bà mẹ thường sợ khi trẻ đang sốt thì không được đụng đến nước. Nhưng đây chính là biện pháp hạ sốt tốt nhất khi trẻ đang sốt cao. Tất nhiên, cần chú ý giữ cho trẻ ở tư thế thoải mái, không bị ảnh hưởng đến các chức năng sinh tồn khác.
Nếu trẻ sốt cao nhưng vẫn tỉnh táo thì không nên quá lo lắng. Đắp khăn ướt lên trán của trẻ hoặc dùng nước mát lau người cho trẻ cũng làm dịu và hạ sốt rất tốt. Nên nhớ rằng, liệu pháp vật lý tắm dịu sốt cho trẻ phối hợp với dùng thuốc đúng quy định sẽ có hiệu quả tốt và an toàn cho trẻ.
ThS. LÊ QUỐC THỊNH
Tuyệt đối không dùng cùng lúc nhiều loại thuốc hạ sốt vì dễ gây tai biến nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của trẻ em vốn đang còn tiếp tục hoàn thiện. Không vắt chanh vào miệng trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường thở. Tuyệt đối không quấn kín trẻ, không lau mát bằng nước đá với rượu. Bình tĩnh xử trí như hướng dẫn trẻ sẽ hạ sốt từ từ. Sau đó, nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử trí với các biện pháp điều trị khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons