This is featured post 1 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 2 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
This is featured post 3 title
Replace these every slider sentences with your featured post descriptions.Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these with your own descriptions.
Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014
Xử trí đúng cách khi trẻ bị sặc
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Sặc ở trẻ em xảy ra khi dị vật (thức ăn, nước, sữa, hạt đậu, bi...) lọt vào đường hô hấp của trẻ (trong y văn gọi là hội chứng xâm nhập đường thở) là một tai nạn hết sức phổ biến, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi.
Vì sao sặc dị vật thường xảy ra ở trẻ nhỏ (từ 1 - 3 tuổi)?
Ở tuổi này ý thức nhận biết thế giới chung quanh bắt đầu phát triển và trẻ có xu hướng cảm nhận những vật lạ bằng cách cho vào miệng như ngậm, mút, cắn, nhai đồ vật nhưng lại chưa có răng hàm nên trẻ hay ngậm hoặc nuốt luôn sau đó. Trẻ còn nhỏ tuổi cũng có thói quen khóc, nô đùa... trong khi miệng còn ngậm thức ăn hoặc ngậm đồ vật. Sặc cũng hay xảy ra ở những trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bị các bệnh đang phải dùng các thuốc an thần, chống co giật, trẻ đang bị suy hô hấp do bệnh phổi hoặc tim, trẻ có những rối loạn về nuốt bẩm sinh và xét về giới tính, trẻ em nam bị sặc dị vật hô hấp chiếm khoảng 2/3 số ca (có lẽ do trẻ nam hiếu động hơn trẻ nữ). Bên cạnh đó, trẻ ít tuổi khi bị sặc thường nguy hiểm hơn do đường dẫn khí của phổi (khí phế quản) còn nhỏ nên dễ bị hẹp tắc bởi dị vật và sức chịu đựng tình trạng thiếu ôxy cấp yếu hơn trẻ lớn.
Phương pháp vỗ lưng, ấn ngực cấp cứu khi trẻ nhỏ bị sặc dị vật vào đường thở.
Biểu hiện sặc ở trẻ
Ở người lớn, khi bị sặc, dị vật có xu hướng vào bên phổi phải do nhánh phế quản bên phải to hơn, thẳng hơn và dốc hơn bên trái. Ở trẻ em thì ngược lại, hai nhánh phế quản phải và trái tương đối đều nhau cả về kích thước lẫn độ thẳng (hai nhánh đối xứng nhau cho đến khi trẻ 15 tuổi) và dốc nên tần suất dị vật vào phổi phải và trái gần tương tự như nhau. Các biểu hiện của sặc ở trẻ bao gồm các triệu chứng như trẻ đang ăn hoặc chơi đùa, đột ngột ho sặc sụa, nôn ọe, tím tái, khò khè, thở rít, thở chậm hoặc ngừng thở nếu nặng. Người trông trẻ cũng có thể quan sát thấy trẻ ngậm dị vật hoặc thức ăn trước khi bị sặc. Đối với các trường hợp điển hình, việc xác định trẻ bị sặc không có gì khó khăn nhưng trong một số trường hợp như khi trẻ đang bị khó thở do bệnh phổi, trẻ bị sặc nước, thức ăn với số lượng ít... thì việc cảnh giác loại trừ nguyên nhân sặc luôn phải được đặt ra. Bên cạnh đó, các biện pháp cận lâm sàng như chụp Xquang tìm dị vật hoặc hình ảnh phổi viêm xẹp, nội soi khí phế quản bằng ống soi mềm cũng là những biện pháp hữu ích giúp chẩn đoán tính chất, mức độ tổn thương phổi do sặc ở trẻ.
Làm gì khi trẻ bị sặc?
Sặc ở trẻ là một cấp cứu tối khẩn cấp bởi vì nếu bị suy hô hấp nặng, trẻ sẽ nhanh chóng tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị tổn thương bởi tình trạng thiếu ôxy quá lâu. Có hai tình huống xảy ra, trường hợp nhẹ, sau khi có biểu hiện ho sặc nhưng trẻ vẫn thở đều, hồng hào, khóc to, nghe không có tiếng khò khè hoặc tiếng thở rít, cần bình tĩnh bế trẻ lên, móc hết thức ăn hoặc dị vật trong miệng trẻ sau đó đưa ngay đến trung tâm y tế gần nhất. Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước sau: làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra (thủ thuật Heimlich đối với trẻ nhỏ) bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú). Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị sặc, cần nhanh chóng tiến hành cấp cứu bằng thủ thuật trên đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chung quanh và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất sau đó. Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật (nếu còn) bằng chiếu chụp Xquang phổi và nội soi khí phế quản.
Lời khuyên của thầy thuốc
Dù ở gia đình hay nhà trường, vấn đề dự phòng sặc ở trẻ luôn phải được đặt ra. Khi cho trẻ nhỏ ăn, hạn chế nô đùa, hỏi chuyện trẻ; cho trẻ ăn thức ăn thích hợp theo tuổi; cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn; khi ăn nên bế trẻ hoặc để trẻ ngồi, không cho ăn khi trẻ đang nằm, khi trẻ còn ngái ngủ, khi đang khóc; đối với trẻ lười ăn, không chịu há miệng khi cho ăn, một số bà mẹ thường bịt mũi để trẻ phải há miệng ra, điều này hết sức nguy hiểm bởi trẻ sẽ hít vào kèm luôn cả thức ăn qua đường miệng. Khi trẻ đang bị khó thở do bệnh lý phổi, tim, hết sức chú ý khi cho ăn vì trong trường hợp này trẻ rất dễ bị sặc hoặc bị trớ, nôn. Không cho trẻ chơi với những đồ vật như hòn bi, hạt quả... khi trẻ còn nhỏ. Các bà mẹ, những người chăm sóc trẻ, cô giáo tại các trường mầm non phải được tập huấn về phương pháp cho trẻ bú mẹ, ăn uống sao cho đúng cách cũng như cách phát hiện và xử trí cấp cứu các tình huống sặc xảy ra ở trẻ em.
Theo thống kê, các loại dị vật đường thở hay gây sặc ở trẻ em là thực phẩm như hạt lạc, hạt cơm, hạt ngô, hạt các loại quả (na, táo, hồng...) rau, thịt băm, sữa, cháo và những loại dị vật không phải thức ăn bao gồm bi, đinh ốc, hòn tẩy nhỏ, đầu bút chì, viên thuốc, viên đạn đồ chơi... Dị vật to tuy khó gây sặc hơn nhưng lại nguy hiểm hơn do có thể gây bít tắc đường hô hấp lớn.
Trước khi kỹ thuật nội soi đường hô hấp ra đời, tỷ lệ tử vong ở trẻ do sặc dị vật chiếm tới 20% tổng số tử vong chung. Người ta cũng nhận thấy, 80% tỷ lệ sặc dị vật đường hô hấp là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi.
TS.BS. Vũ Đức Định
Hen phế quản ở trẻ em: Phòng bệnh là quan trọng
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Ngày nay, do môi trường ngày càng ô nhiễm nên hen phế quản ở trẻ em ngày càng gia tăng. Phòng bệnh giữ vai trò quan trọng, trong đó nền tảng từ gia đình là yếu tố quyết định.
Hen phế quản trong dân gian gọi là suyễn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày nay có khoảng 10% số trẻ em dưới 15 tuổi bị suyễn và khoảng 25.000 trẻ em chết vì suyễn mỗi năm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trẻ bị hen suyễn không nên ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt, nhất là những loại có các chất hóa học; tránh các loại thức ăn mà trẻ dễ bị dị ứng như: tôm cua, bò gà, bột ngọt, đồ hộp, lòng trắng trứng. Với trẻ còn bú, cần cho trẻ bú sữa mẹ để tận dụng tốt nguồn kháng thể từ mẹ, để phòng mọi bệnh tật trong đó có hen phế quản. Với trẻ lớn hơn, cần tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là táo, rau tươi vì có nhiều chất antioxidants như vitamin C sẽ có lợi về nhiều mặt trong đó có phòng và chữa hen. Cần bổ sung chế độ ăn nhiều cá, có nhiều acid béo omega 3 và không no có tác dụng làm giảm bớt các phản ứng viêm và chữa hen phế quản.
Khi ta tiếp xúc với các yếu tố gây cơn hen, đường thở bị viêm, niêm mạc đường thở bị phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc lòng phế quản, dẫn đến các dải cơ quấn quanh phế quản co thắt lại làm cho lòng phế quản hẹp lại, gây cản trở lưu thông của dòng khí thở vào và thở ra. Điều này gây nên các triệu chứng của cơn hen với các biểu hiện khó thở, nghe có tiếng rít, tiếng khò khè trong lồng ngực.
Về nguyên nhân, các nhà khoa học ghi nhận hen phế quản có liên quan mật thiết đến tình trạng dị ứng từ các phấn hoa, lông thú, bụi nhà, thuốc men, nhiễm trùng đường hô hấp, do thay đổi nhiệt độ theo mùa, do khói từ thuốc lá hoặc bếp củi hay lò sưởi, chất bảo quản thực phẩm và phụ gia, chất tạo màu, do cơ địa dị ứng với một số chất đạm từ thức ăn như: tôm cua, cá biển, nước mắm… Gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ ghi nhận việc dùng bừa bãi hoặc quá liều các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin nhóm B đã làm tăng dị ứng mắc hen phế quản ở trẻ em.
Về triệu chứng, hen phế quản của trẻ em đa dạng, có một số trẻ bị bệnh nhẹ và thoáng qua, một số bị liên tục, xảy ra một lần trong ngày; với các biểu hiện như: thở khò khè, ho, khó thở, tức ngực và đôi khi có đờm trong cổ họng.
Về phòng bệnh, hen phế quản là bệnh mãn tính đường hô hấp, để lại nhiều di chứng cho trẻ em, cho nên phòng bệnh là việc làm không thể thiếu cho mỗi gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc dị nguyên, tức là yếu tố gây nên hen phế quản. Do đó, để phòng tránh cơn hen phế quản cho trẻ, trước hết ta cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: khói, bụi từ việc sử dụng bếp than, bếp củi hay hút thuốc lá trong nhà, nhang khói. Không nuôi chó mèo hoặc các loại vật nuôi có lông khác vì trẻ dễ hít phải các loại lông thú cũng phát sinh cơn hen. Không cắm hoa trong phòng ngủ của trẻ bị hen, không để trẻ chơi ở những nơi có nhiều hoa; không để những chất nặng mùi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Duy trì không khí sạch và trong lành, mở rộng cửa sổ khi trời nóng ngột ngạt, khi có khói bếp hoặc trong phòng có mùi khó chịu, đóng cửa sổ nếu không khí bên ngoài nhiều khói xe, khói nhà máy, bụi phấn hoa; chỗ ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, cần phơi nắng chăn, gối, nệm thường xuyên, để đảm bảo không bị ẩm ướt để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Không cho thú vật lên giường hoặc vào nơi trẻ ngủ.
Về sử dụng thuốc, với trẻ bị hen phế quản thì thuộc cơ địa dị ứng nên rất dễ dị ứng thuốc nhất là kháng sinh, nên khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ, điều hết sức lưu ý là khi bé khám bệnh cần khai báo với bác sĩ là trẻ bị hen phế quản để bác sĩ cân nhắc khi sử dụng thuốc cho trẻ, chọn thuốc thuộc nhóm ít gây dị ứng nhất cho bé. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ ghi nhận, việc dùng bừa bãi hoặc quá liều các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin nhóm B đã làm tăng dị ứng hóa và khả năng mắc hen phế quản ở trẻ em. Về tắm cho trẻ bị hen phế quản cần tắm nơi không có gió lùa, tắm nước ấm, tắm nhanh, lau khô ngay vì để lạnh đột ngột cũng là nguy cơ xuất hiện cơn hen cho trẻ.
Tinh hoàn ẩn, phải làm gì?
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Con trai tôi 5 tháng tuổi, khi sinh cháu khỏe mạnh, đủ tháng, nặng 3,3kg. Nhưng từ lúc sinh ra, cháu chỉ có 1 tinh hoàn ở bìu. Tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ nói còn 1 tinh hoàn ẩn, phải theo dõi tiếp một thời gian nữa. Xin hỏi nguyên nhân do đâu?Liệu cháu có phải mổ không?
Phan Thị Hoài Anh (Nghệ An)
Bình thường, trong thời kỳ bào thai 2 tinh hoàn nằm ở phía sau sát 2 quả thận, khi thai nhi 8 tháng, cả 2 tinh hoàn đã di chuyển từ bụng qua bẹn xuống bìu khi trẻ chào đời. Trẻ sinh non, 20% tinh hoàn ở trên cao, một năm sau 50% số đó xuống tiếp. Còn ở trẻ đủ tháng, 3% không sờ thấy tinh hoàn khi sinh và 2% trong số đó sẽ xuống tiếp. Như vậy còn 1% tinh hoàn không xuống sau 1 năm. Nguyên nhân thường gặp là do rối loạn nội tiết hoặc bất thường về di truyền. Nhiều trẻ được sinh ra với tinh hoàn ẩn nhưng lại không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, cần xác định là tinh hoàn ẩn hay lạc chỗ. Tinh hoàn đứng lại ở vị trí bất kỳ nào trong bẹn gọi tinh hoàn chưa xuống bìu. Có trường hợp tinh hoàn di chuyển ra khỏi lộ trình qui định ( bụng - bẹn - bìu) thì gọi là tinh hoàn lạc chỗ. Điều trị tốt nhất là trước 2 tuổi. Có thể điều trị bằng nội tiết 1 hoặc 2 đợt (khoảng 10 - 20%) có kết quả, số còn lại sẽ mổ để hạ tinh hoàn xuống bìu. Nếu là tinh hoàn lạc chỗ thì chỉ có phẫu thuật để đưa về đúng vị trí.Trường hợp của bé 5 tháng còn một tinh hoàn chưa xuống bùi nên cần theo dõi thêm là đúng. Nếu lúc 1 tuổi tinh hoàn bên kia vẫn không sờ thấy được thì bạn nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa nhi để được xử trí đúng. Nên nhớ trong bụng nhiệt độ luôn cao hơn trong bìu 1 - 2oC, như vậy nếu tinh hoàn ở đó sẽ không phát triển, teo dần và mất chức năng sản xuất tinh trùng.
BS. Nguyễn Kim
Xử trí khi trẻ co giật động kinh
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Trẻ mắc bệnh động kinh thường ngất trong giây lát kèm theo giật cơ. Các bộ phận thường co giật là tay, đầu, cổ. Một số bé đang cầm đồ vật thì đánh rơi trong vô thức, đầu gật nhẹ, ngón tay máy liên tục. Cũng có khi bé la hét, nôn mửa hoặc tím tái thoáng qua. Nếu người lớn không biết cách xử trí, có thể gây hại cho bệnh nhi.
Khi trẻ bị bệnh động kinh cần theo dõi liên tục.
Khi phát hiện trẻ lên cơn động kinh, bạn cần thực hiện theo những điều sau:
- Nhanh chóng dùng vật dụng thích hợp đặt giữa 2 hàm răng tránh người bệnh cắn lưỡi.
- Nên bình tĩnh đặt trẻ nằm xuống, đầu hơi cao và ngiêng về một bên để tránh bị sặc đường thở. Nếu bé đang có thức ăn trong miệng thì nên móc ra, không cho ăn uống bất kỳ thứ gì khi trẻ đang bị cơn.
- Nới lỏng quần áo, cởi bớt khăn quàng, thắt lưng… để trẻ dễ thở. Mở phòng cho không khí thoáng mát.
- Không ôm ghì chặt, không đặt vật cứng vào giữa hai hàm răng của trẻ vì dễ làm bé bị gãy răng hoặc tổn thương lợi.
- Bình tĩnh theo dõi biểu hiện cơn động kinh của trẻ: cơn co cứng hay co giật, giật toàn thân hay cục bộ, màu sắc da và môi của trẻ có tím tái không, có trợn mắt không hay mắt nhìn về một phía, đầu có quay sang một bên không, có ngừng thở trong cơn không, gọi trẻ có biết gì không…
- Thông thường, các cơn động kinh diễn ra rất nhanh, do vậy bố mẹ nên bình tĩnh theo dõi cơn của trẻ. Sau khi trẻ ổn định mới cho đi khám bác sĩ. Nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, cần cho trẻ đi khám sớm.
Theo dõi liên tục, rất cần gần gũi ngay sau khi bệnh nhi ra khỏi cơn co giật vì lúc này trẻ chưa tỉnh hẳn, dễ có hành vi vô ý gây nguy hiểm và tạo ra cảm giác an toàn, hết đau đớn sợ sệt và bất hạnh.
Những điều cần tránh là thái độ hốt hoảng quá mức; tránh tụ tập quá đông quanh bé; không được cố đè để kiềm chế cơn co giật; không vắt chanh vào miệng, cạo gió...
Những trẻ bị động kinh cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị thuốc chống động kinh. Gia đình cần cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn, đi khám định kỳ, theo dõi diễn biến sức khỏe và cơn động kinh của trẻ, có sổ nhật ký ghi chép lại những lần trẻ bị cơn, theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Phụ huynh cũng cần ghi nhận đặc điểm của cơn co giật như thời gian co giật, kiểu co giật, biểu hiện của bé trong và sau cơn co giật. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ co giật trên 10 phút, bệnh nhân không tỉnh, rối loạn nhịp thở. Nếu điều trị sớm, trẻ có cơn động kinh có thể hồi phục sau thời gian dùng thuốc. Việc làm này giảm khả năng sa sút trí tuệ của các bé.
Cần phân biệt co giật do động kinh với co giật do những nguyên nhân khác, như sốt gây co giật, co giật kèm sốt do nhiễm trùng hệ thần kinh vì viêm não, viêm màng não; co giật do thiếu ôxy não, thiếu máu não, rối loạn chuyển hóa hoặc nhiễm độc. Trong các trường hợp này, cơn co giật thường dưới 5 phút, sau đó bé hoàn toàn tỉnh táo và không bị yếu liệt bộ phận nào trong cơ thể.
Bác sĩ Lê Khánh
Trẻ ăn sáng thế nào để học tốt?
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày cho cả người lớn và trẻ em bởi cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động trong cả ngày. Vì vậy, cho dù bạn bận rộn như thế nào vào các buổi sáng, đừng bỏ qua việc chuẩn bị bữa điểm tâm và bảo đảm con bạn phải ăn sáng tại nhà trước khi trẻ rời nhà đến trường. Bằng cách này, bạn sẽ giúp trẻ tăng cường hiệu suất hoạt động về thể chất lẫn tinh thần và nhất là năng lực học hỏi cho trẻ suốt cả ngày đó.
Nguồn năng lượng để khởi động ngày mới
Bữa ăn sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động thể chất, tinh thần cũng như tăng khả năng học hỏi của trẻ bởi vì bữa ăn sáng là nguồn cung cấp năng lượng chính của não, sau một khoảng thời gian dài từ 10 hoặc 12 giờ kể từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước, bữa ăn sáng là nguồn cung cấp lượng cacbon hydrate phức hợp (đường đa) có nhiều trong ngũ cốc, bánh mì, một số rau củ như khoai tây, cà rốt và củ cải... Các loại thực phẩm kể trên đều chứa các loại đường sẽ được cơ thể hấp thụ và tiêu hóa từ từ, tạo nên nguồn năng lượng dài hạn để giúp duy trì các hoạt động thể chất của trẻ trong một ngày dài.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em thường xuyên ăn sáng khả năng học hỏi tốt hơn so với các trẻ em không ăn sáng.
Trẻ có ăn sáng sẽ vượt trội bạn học của chúng ở khả năng:
- Chú tâm, tập trung nghe thầy cô giảng bài trên lớp học.
- Trí nhớ tốt và phát biểu trôi chảy.
- Hành vi xã hội đúng mực.
- Gia tăng niềm vui và sự yêu thích đến trường và quan tâm nhiều đến việc học.
Một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ:
- Đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng hàng ngày của mình.
- Duy trì một cân nặng và chiều cao lý tưởng.
- Có sức khỏe tốt hơn và ít mắc bệnh phải nghỉ học.
Một bữa ăn sáng lành mạnh sẽ gồm những thực phẩm nào?
Bữa ăn sáng đủ chất và lành mạnh là một bữa ăn giàu cacbon hydrate phức hợp (đường đa) có trong các loại ngũ cốc: gạo, mỳ, ngô, khoai củ..., cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất, có nghĩa là vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Bữa sáng với sữa và bánh ngũ cốc, một quả trứng, chuối là bữa ăn đầy đủ cho trẻ khởi đầu ngày mới.
Không nên ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt có ga.
Nhưng với thời gian rất ngắn làm thế nào các bà mẹ có thể chuẩn bị một bữa sáng cho con thật nhanh gọn nhưng lại đủ chất? Dưới đây là một số thực đơn ăn sáng để các mẹ tham khảo:
Cuối cùng và quan trọng nhất đừng quên rằng cha mẹ sẽ luôn là tấm gương tốt cho con trẻ. Vì thế, nếu cả hai người cùng ngồi vào bàn ăn sáng thì trẻ chắc chắn không thể bỏ bữa sáng được.
ThS. BS. Lê Thị Hải
Phòng chống bệnh tay - chân - miệng mùa tựu trường
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Trong những ngày này, các cấp học trong cả nước đã bắt đầu bước vào năm học mới. Đây cũng là thời điểm mà theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số dịch bệnh trong trường học, nhất là tay chân miệng (TCM) dễ bùng phát do tính chất lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm cao...
Tháng 9 - nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có khoảng 17.410 trường hợp mắc dịch TCM tại 62/63 tỉnh thành, một số trường hợp tử vong. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã có gần 6.100 ca TCM và 4.500 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Đặc biệt, khoảng 30% số ca bệnh nhập viện chủ yếu ở các quận/huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Bình Tân, quận 8.
Hình thành thói quen rửa tay cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Tại BV Nhi đồng 1, BS. Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, trong những tuần qua, chỉ có rải rác vài ca TCM phải vào điều trị nhưng đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khu khám bệnh của BV này vẫn luôn đông bệnh nhi do phải tiếp nhận nhiều ca bệnh về hô hấp, tiêu hóa, TCM, sốt xuất huyết... ở mức độ nhẹ đến từ các tỉnh lân cận.
Theo các bác sĩ nhi khoa, tháng 9 sẽ là thời điểm đáng lo ngại bởi nhiều dịch bệnh có thể cùng tăng cao như TCM, sốt xuất huyết, hô hấp... “Thời điểm nhập học, nhiều trẻ tập trung tại các trường có thể tạo cơ hội cho bệnh lây lan. Bệnh TCM, sốt xuất huyết cũng sẽ tăng vì đỉnh dịch thường nằm ở cuối mùa mưa. Tuy nhiên, nhiều trẻ chưa đi học cũng mắc TCM vì bị lây truyền từ phụ huynh. Do vậy, cha mẹ nên hết sức lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc con. Nếu trẻ sốt đến ngày thứ hai hoặc sốt quá cao mà không hạ dù đã dùng thuốc, cần đưa đến bệnh viện ngay để được theo dõi chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp” - BS. Tiến khuyến cáo.
Hình thành thói quen rửa tay
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh TCM, sốt xuất huyết, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh TCM, sốt xuất huyết trong mùa tựu trường. Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh vào mùa khai trường, Sở Y tế giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP triển khai tháng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng từ ngày 1/9 - 1/10/2014. Trung tâm Y tế dự phòng các quận/huyện phối hợp với Phòng giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo như: khử khuẩn hàng tuần, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, không để muỗi sinh lăng quăng sinh sôi... Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh địa phương, trọng tâm là khu vực trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, “bệnh lười rửa tay” chính là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ mắc bệnh rất cao. Khi đi học, trẻ tiếp xúc nhiều với phấn, bảng, giẻ lau... nhưng không phải trẻ nào cũng có thói quen rửa tay ở trường nên khả năng trẻ mắc bệnh do lây nhiễm virut, vi khuẩn từ tay qua miệng vào cơ thể là rất cao. Do đó, trẻ đi học có nhiều nguy cơ mắc các bệnh phổ biến như viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm, bệnh TCM, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus... Hiện nay, mặc dù số ca bệnh TCM chưa có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh đang rình rập trẻ trong mùa tựu trường. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm trẻ; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ; thực hiện ăn chín, uống sôi, không cho trẻ ăn chung thìa, bát.., trong đó một việc rất nhỏ nhưng có hiệu quả cao về phòng chống dịch bệnh là giáo viên cần chỉ dạy, hướng dẫn cho học sinh, trẻ nhỏ hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh...
Thanh Hà
Các biện pháp phòng ngừa bệnh TCM bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng...) với trẻ em bị bệnh TCM cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.
- Che miệng, mũi khi hắt hơi và ho.
- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách.
- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.
5 thói quen ngủ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bé
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Ngoài chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của bé. Nếu bé nhà bạn có một trong những thói quen dưới đây, bạn nên giúp bé từ bỏ ngay từ bây giờ.
1. Trẻ vẫn ngậm ty trong khi ngủ
Nhiều mẹ đã quen với việc cho bé ngậm ty khi đi ngủ mà không biết rằng việc này có thể gây nguy hiểm cho bé. Vẫn ngậm ty trong khi ngủ có thể khiến bé vô tình hút luôn cả sữa mẹ mỗi khi hít thở. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé khó ngủ hơn hẳn. Thậm chí, có thể làm bé bị ngạt thở trong khi ngủ. Bên cạnh đó, việc ngậm ty trong khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng và nướu của bé.
2. Cảm giác lo sợ khi đi ngủ
Bạn có bao giờ hù dọa để bé đi ngủ không? Nếu có, bạn đang vô tình tạo ra cho bé một thói quen xáu rồi đấy! Người lớn luôn tin rằng, những câu nói như “Nếu con không ngủ, con sẽ bị…” sẽ giúp bé sợ hãi, ngoan ngoãn nghe lời và nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn. Thật ra, việc hù dọa bé như vậy có ảnh hưởng đến thần kinh của bé, bé sẽ không thể ngủ sâu. Đối với nhiều bé, việc này còn khiến bé gặp ác mộng khi ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé.
3. Ngủ trễ
Bạn có biết thói quen ngủ trễ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé? Vì trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là thời gian các hoóc-môn tăng trưởng của bé tiết ra nhiều nhất. Nếu trong thời gian này bé không ngủ thì các hoóc môn này sẽ tiết ra ít hơn, là bé không phát triển chiều cao được.
4. Đung đưa bé khi ngủ
Những khi bé giật mình hay quấy khóc, bạn thường bế bé lên đung đưa trên tay hay vỗ nhẹ lưng cho bé? Việc này có thể khiến bé ngủ trở lại nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm khác đối với sức khỏe bé. Não bé trong giai đoạn này còn rất yếu và dễ tổn thương. Đối với những trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, việc rung lắc này có thể khiến bé bị xuất huyết não, nhiều trường hợp thậm chí có thể gây ra tử vong cho bé.
5. Nằm sấp khi ngủ
Đã có rất nhiều trường hợp bé bị tử vong do nằm sấp khi ngủ. Tuy nằm sấp không phải là nguyên nhân chính gây nên đột tử ở bé nhưng cũng có ít nhiều liên quan.
Nằm sấp khiến cho bé dễ bị ngạt thở do ở giai đoạn này trẻ vẫn chưa có khả năng tự mình nhấc nổi đầu hay tự trở mình trong khi ngủ. Hơn nữa, nằm sấp còn khiến cho nội tạng của bé bị chèn ép, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Theo Web Trẻ thơ
Dinh dưỡng cho trẻ ốm
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Con tôi 1,5 tuổi, thi thoảng cháu vẫn bị ốm, sốt, ho, tiêu chảy. Ngoài việc dùng thuốc theo đơn bác sĩ thì tôi được biết chế độ chăm sóc đặc biệt làăn uống sẽ giúp phục hồi sức khỏe của trẻ rất nhanh. Xin bác sĩ tư vấn cho chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Nguyễn Thanh Hà (Thanh Hóa)
Về chế độ dinh dưỡng khi trẻ ốm, tùy từng bệnh có những kiêng khem hay bồi dưỡng đặc biệt. Tuy nhiên, khi trẻ ốm người mẹ cần chú ý một số vấn đề sau: Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn với số lượng mỗi bữa ít hơn. Thức ăn cho trẻ ốm cần nấu loãng và giàu chất dinh dưỡng hơn. Khi trẻ ốm không cần kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh. Khi trẻ ốm cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Súp, nước cháo muối, dung dịch oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Trẻ bị tiêu chảy tránh cho ăn các thực phẩm có nhiều đường, nước ngọt có gas vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời cần tránh thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô đỗ gây khó tiêu. Khi trẻ ốm người mẹ và gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn được nhiều. Với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, bị sổ mũi gây khó thở cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng bông gạc để giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng. Gia đình cần tập trung quan tâm chăm sóc trẻ khi trẻ ốm, trẻ sốt phải theo dõi nhiệt độ hay trẻ bị tiêu chảy thì cần theo dõi số lần đi ngoài... như vậy sẽ sớm phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
BS. Việt Lân
Nói gì khi con bị bệnh?
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Chia sẻ với trẻ về căn bệnh
Nhiều người cho rằng, trẻ con không thể hiểu về bệnh tật và không cần phải hiểu. Họ sợ rằng trẻ sẽ thêm lo lắng. Vì thế, họ đã giấu trẻ về căn bệnh. Nhưng sự né tránh đó khiến trẻ cảm thấy hoang mang, phải phỏng đoán những gì đang diễn ra với mình. Cần nói chuyện với trẻ về căn bệnh mà trẻ đang mắc phải. Diễn giải cho con hiểu trên cơ sở khoa học, không nên miêu tả bệnh một cách chung chung. Người thân cần học thêm kiến thức về bệnh. Có kiến thức y khoa, việc giải thích cho trẻ về bệnh sẽ dễ dàng và chính xác hơn. Nói với trẻ vừa đủ về những triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Khi cung cấp quá nhiều thông tin, trẻ sẽ dễ bị ngộ nhận.
Cần giải thích một số giả thuyết về nguyên nhân của bệnh. Không nên khẳng định và đổ lỗi cho trẻ khi nói về nguyên nhân. Trẻ sẽ có cảm giác tội lỗi, mặc cảm và tự dằn vặt mình. Hãy công nhận cảm xúc buồn đau khi bị bệnh của trẻ. Hãy nói với trẻ rằng, bệnh tật là điều không ai muốn và không dễ tránh khỏi. Có nhiều căn bệnh do bẩm sinh, do môi trường, do tác động khách quan, nhưng nếu biết cách phòng tránh và tự bảo vệ thì sẽ giảm bớt hậu quả. Nên khuyến khích cho trẻ tham gia vào quá trình điều trị. Với sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ nên giải thích cho trẻ biết cần làm gì. Việc tuân thủ mọi yêu cầu chữa trị sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục hơn. Khi trẻ biết vai trò quan trọng của mình trong quá trình điều trị, sẽ chủ động hơn, có tinh thần trách nhiệm với bản thân, cảm nhận được giá trị của mình hơn.
Trải nghiệm cùng trẻ
Hãy cho trẻ cơ hội trao đổi những trải nghiệm của mình về những ngày bị bệnh tật. Khi được chia sẻ những cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Khi được lắng nghe và ghi nhận, được khuyến khích, trẻ sẽ thấy lạc quan hơn. Từ những trải nghiệm của bản thân về bệnh tật, trẻ sẽ thông cảm với những người cùng cảnh ngộ, và cũng giúp những người khác hiểu và biết cách phòng tránh bệnh tật, giữ gìn sức khỏe hơn. Trẻ cũng hiểu thêm về giá trị của sức khỏe, cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của mọi người đối với mình.
Hãy cùng trẻ lên những kế hoạch cho những ngày sau khi khỏi bệnh. Kế hoạch chi tiết và thú vị sẽ tạo cho trẻ cảm giác hào hứng. Có những điều trước khi bị bệnh, trẻ chần chừ chưa làm; nay hãy cùng lên “chương trình hành động” để trẻ có động lực chữa lành bệnh. Có thể, bệnh tật sẽ để lại một số di chứng, hãy cho trẻ lường trước để trẻ không bị thất vọng, hụt hẫng.
Khẳng định tình yêu thương
Đừng quên nói rằng, bạn rất hiểu và thương yêu trẻ. Nhưng sự chăm sóc nên giữ đúng mực để trẻ không dựa dẫm, nhõng nhẽo, thậm chí đôi khi có yêu sách. Hãy để cho bé có cơ hội tự chăm sóc mình, bạn chỉ làm thay những việc mà biết chắc bé không thể làm được. Trẻ sẽ tìm thấy được ý nghĩa tích cực trong từng sự cố gắng của mình. Hãy nói với trẻ bằng thái độ lạc quan, hài hước để cảm thấy bệnh tình vơi bớt.
Võ Thị Minh Huệ (Chuyên gia tâm lý)
Cách nào biết trẻ bị viêm xoang?
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Trẻ nhỏ bị viêm xoang là một biến chứng của viêm đường hô hấp trên. Trẻ thường bị viêm mũi với các triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành viêm xoang. Nhưng làm sao để biết trẻ bị viêm xoang? Câu trả lời có trong bài viết sau đây.
Ở người trưởng thành, các cặp xoang đã phát triển đầy đủ, là một hệ thống rỗng trong các xương hàm, xương sàng, xương trán, xương bướm trong não, tương ứng gọi là xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm. Còn ở trẻ nhỏ, từ khi mới sinh ra đã có sẵn xoang hàm ở trong xương gò má, xoang sàng nằm ở trần giữa 2 hố mắt nên trẻ thường bị viêm xoang ở 2 vị trí này. Khi trẻ lớn lên, các xoang khác mới phát triển dần như người trưởng thành.
Các vị trí xoang dễ bị viêm ở trẻ em.
Trẻ bị viêm xoang chủ yếu là do nhiễm khuẩn từ họng, mũi, phế quản... vào xoang. Đối với trẻ hay bị viêm mũi, viêm họng, amidal, viêm đường hô hấp trên mà không được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì rất dễ dẫn đến viêm xoang.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm xoang
Trẻ nhỏ thường bị viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng: sốt, ho, sổ mũi, quấy khóc. Các triệu chứng này thường giảm và tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Nếu thấy các triệu chứng trên kéo dài hơn hoặc diễn tiến nặng hơn thì rất có thể trẻ đã bị viêm xoang cấp tính với những biểu hiện như sau: trẻ có triệu chứng như cảm cúm kéo dài 10 - 14 ngày. Sốt 3 - 4 ngày liên tục. Sổ mũi đục, xanh hoặc vàng. Trẻ kêu đau họng, ho, khạc đờm, khò khè, khó thở, nôn, buồn nôn. Trẻ nhỏ thì quấy khóc, mệt mỏi. Sưng quanh mắt. Một số trẻ có biểu hiện ho, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau đầu và nghẹt mũi kéo dài hơn 2 tuần mà chưa được điều trị dứt điểm. Trường hợp trẻ thường xuyên mắc bệnh viêm đường hô hấp tái phát nhiều lần trong một năm, có thể trẻ đã bị viêm xoang mạn tính.
Cha mẹ khi thấy con có các triệu chứng nói trên thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt, nhất là đối với các bé dưới 6 tuổi để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ.
Hầu hết các trường hợp trẻ đến khám, bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng kết hợp với việc soi đèn khám tai, mũi, họng, ấn một số điểm trên mặt bệnh nhi để xác định điểm đau, sưng tấy... Bác sĩ chuyên khoa có thể soi bằng dụng cụ chuyên khoa đặc biệt để nhìn được vào trong hốc mũi, các hốc rỗng của xoang để định bệnh. Xét nghiệm cần thiết như cấy mủ, cấy chất nhầy của xoang nhằm tìm vi khuẩn để có thể chẩn đoán chính xác bệnh và vi khuẩn gây bệnh. Đối với một số trường hợp đặc biệt, bệnh diễn tiến nặng hoặc khó chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp Xquang để phát hiện tổn thương bệnh lý của xoang.
Chăm sóc, điều trị viêm xoang cho trẻ
Trong thời gian điều trị viêm xoang cho trẻ, cha mẹ cần chú ý vừa cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vừa tích cực dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi thường xuyên cho trẻ nhằm rửa mũi và giúp trẻ xì sạch những dịch viêm trong mũi của trẻ. Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng việc cho ăn uống đầy đủ chất và lượng. Chú ý cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều các loại hoa quả chứa vitamin A, C, nhóm B.
Điều nên tránh là cha mẹ không nên tự ý mua cho trẻ dùng các loại thuốc chống sung huyết mũi dạng phun sương hoặc thuốc chống nghẹt mũi khi không có chỉ định của bác sĩ vì làm như vậy có thể ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch hoặc gây ra tình trạng chảy mũi bù trừ hay làm cho trẻ bị khô mũi quá mức.
Biện pháp phòng bệnh
Bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ thường xảy ra sau khi trẻ bị viêm nhiễm mũi, họng hoặc sau cảm cúm. Vì vậy, cần phòng tránh tốt các bệnh này để giảm thiểu nguy cơ viêm xoang cho trẻ. Muốn thế, cần huấn luyện cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên hoặc sau khi tiếp xúc với đồ chơi, đồ vật trong phòng để tránh bị lây các bệnh qua tay bẩn. Trong nhà ở, cần thường xuyên quét, lau sạch bụi bẩn ở đồ nội thất và sàn nhà. Thường xuyên mở của sổ, bật quạt giúp thông thoáng không khí trong phòng. Vào những ngày thời tiết lạnh của mùa thu đông, cần mặc ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm vùng cổ. Khi trẻ ra ngoài hay đi học, luôn luôn đeo khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi, vi khuẩn lây bệnh từ môi trường.
BS. Đinh Lan Anh
Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng
Thứ Tư, tháng 11 26, 2014
doanh nhan
No comments
Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng dù nguyên nhân nào thì hậu quả cũng là trẻ bị thiếu năng lượng và chất dinh dưỡng làm trẻ không tăng cân, chiều cao và giảm trí thông minh.
Do đó, chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng có nguyên tắc chung là làm tăng năng lượng và tăng chất dinh dưỡng.
Tăng dầu mỡ: vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.
Nấu đặc: vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp. Nhưng trẻ sẽ khó ăn do đó ta dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc neopeptin theo chỉ định của bác sĩ nhỏ vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra và trẻ sẽ dễ ăn hơn.
Tăng bữa ăn: ngày ăn 5 - 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Nên ăn thêm bữa phụ, ví dụ như sau khi ăn bữa chính nếu trẻ ít hơn nửa chén thì ta cho trẻ uống nửa ly sữa, nửa cốc sữa chua, nửa quả chuối..., vì làm như vậy trẻ đỡ chán ăn.
Tại sao lại một nửa mà không phải là một? Vì chỉ cần cho trẻ ăn thêm vừa sức của trẻ, không nên ép ăn hết khi trẻ đã chán. Vì làm thế, trẻ sẽ nôn thức ăn ra và sẽ rất “sợ ăn” dẫn tới biếng ăn sau này. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡngnên cho ăn thêm một bữa tối trước khi đi ngủ.
Tăng cường chất dinh dưỡng: thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng trẻ phải ăn cả xác thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý băm nhỏ, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Trẻ thường ăn nhạt và không thích có nhiều mùi gia vị. Những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt băm, cá băm, rau cũng nên xắt nhỏ.
Lưu ý không nên cho trẻ uống nước trái cây trước khi ăn hoặc coi nước trái cây là một bữa phụ vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong trong nước và có đường nên sẽ làm trẻ “ngang dạ” không muốn ăn bữa chính.
Ngoài ra, khi trẻ đã bị suy dinh dưỡng thì trẻ cần bổ sung một số vi chất dinh dưỡng (vitamin và muối khoáng), nên trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khám và theo dõi sức khỏe để cho thuốc thích hợp. Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con vì tuy là “thuốc bổ” nhưng nếu dùng không đúng cũng sẽ gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ.
BS. NGUYỄN NGỌC LAN