Là bệnh nhiễm trùng hay gặp thứ hai, chỉ sau viêm nhiễm đường hô hấp, nếu không được chữa trị kịp thời, viêm đường tiết niệu sẽ khiến bé nhà bạn phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Mẹ đoảng, con bệnh…
Vừa qua, BV Nhi Trung ương tiếp nhận một ca bệnh khá đặc biệt. Bệnh nhân là một bé gái chưa đầy một tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật mạnh, quấy khóc liên hồi… Bước đầu thăm khám, bác sĩ thấy “vùng kín” của bé tấy đỏ. Gia đình cho biết, hiện tượng này đã xuất hiện mấy hôm nay nên đã tự mua thuốc chống hăm về bôi cho bé, nhờ đó đã… đỡ nhiều.
Ảnh minh họa
|
Sau khi giảm sốt và chống co giật, bé được đưa đi làm xét nghiệm nước tiểu. Kết quả cho thấy, đường tiết niệu của bé bị viêm nhiễm nặng và bệnh đang có dấu hiệu lan xuống bàng quang. Đến lúc này, gia đình mới hoảng hốt vì cứ ngỡ những vết tấy đỏ kia chỉ là hăm do đóng bỉm hàng ngày. Cũng may, bé được gia đình đưa vào cơ sở uy tín nên đã phát hiện ra bệnh trước khi để lại những hậu quả nặng nề hơn.
Là người từng thăm khám cho nhiều bệnh nhi bị viêm đường tiết niệu, BS Hồ Mai Hoa, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội cho biết: “Khi nghe chuẩn đoán lâm sàng là bé có thể bị viêm đường tiết niệu, hầu hết các gia đình đều không tin vì họ nghĩ đây là bệnh của người lớn, bệnh chỉ xảy ra với những người đã và đang có hoạt động tình dục, chứ trẻ con thì không thể. Tuy nhiên, thực tế thì trẻ em vẫn có thể mắc bệnh này nếu không được vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách”.
Theo BS Hoa, viêm đường tiết niệu là bệnh do vi khuẩn gây ra. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, từ trai đến gái. Theo các số liệu thống kê, ở Việt Nam, viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng hay gặp thứ hai, chỉ sau nhiễm trùng về hô hấp.
Dù bệnh hay xảy ra với người lớn, song ở trẻ nhỏ, tỷ lệ nhiễm bệnh cũng dao động từ 2,4-2,8%, hay gặp nhất là ở trẻ dưới một tuổi do thường xuyên đóng bỉm. Bởi vì khi đóng bỉm, phân và nước tiểu lẫn nhau, vi khuẩn dễ chui lên đường tiểu gây bệnh. Ở trẻ lớn hơn, viêm đường tiết niệu thường xảy ra khi trẻ vệ sinh cơ quan sinh dục không sạch sẽ hoặc chùi mông đít sau khi đi đại tiện không đúng cách.
Cụ thể, thay vì chùi từ trước ra sau, bé không biết nên đã chùi từ sau ra trước, khiến vi khuẩn ở phân có cơ hội xâm nhập vào đường tiểu. Chính bởi vậy, “nếu mẹ đoảng, mẹ thiếu kiến thức, mẹ không hướng dẫn con cẩn thận thì các bé rất dễ mắc bệnh”, BS Hoa khẳng định.
Cần nhận biết sớm các dấu hiệu
Theo BS Hoa, do bộ phận sinh dục và đường tiết niệu rất gần nhau nên chỉ cần lơ là trong việc vệ sinh “vùng kín” là các bé sẽ dễ dàng mắc bệnh. Tỷ lệ này ở bé gái cao gấp 5 lần bé trai nên các mẹ có con gái cần đặc biệt chú ý.
Ở trẻ nhỏ, viêm đường tiết niệu thường khó phát hiện và thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện bất thường ở bé. Chẳng hạn, khi thấy bé đi tiểu nhiều lần trong ngày mà mỗi lần chỉ được chút ít hay khi xi bé tiểu, nếu thấy bé phải rặn tiểu hay kêu đau, kiểm tra không thấy vết xước quanh đó, rất có thể bé đang bị viêm đường tiết niệu. Đặc biệt, trẻ bị viêm đường tiết niệu nước tiểu thường có mùi hôi khác thường, rất khó ngửi nên cha mẹ cũng cần chú ý đến dấu hiệu này.
Ngoài ra, bé cũng có thể bị sốt cao không rõ nguyên nhân hay kém ăn, không lên cân, hay quấy khóc… Với các bé lớn hơn, khi bị viêm đường tiết niệu, do cảm giác khó chịu, bé thường có xu hướng sờ vào cơ quan sinh dục. Với các bé đang đóng bỉm, khi thay bỉm, cha mẹ cần xem có cặn trắng ở bỉm hay không. “Các biểu hiện này có thể bùng phát rầm rộ hay diễn biến âm thầm nên cha mẹ thường chuẩn đoán nhầm bệnh cho con.
Đặc biệt, khi trẻ còn quá nhỏ (dưới 3 tuổi), do không biết miêu tả những triệu chứng mà mình đang gặp phải nên cha mẹ thường bắt bệnh theo phán đoán của mình. Việc này là vô cùng nguy hiểm. Thế nên, nếu thấy các biểu hiện không bình thường ở trẻ, cách tốt nhất là đưa trẻ đi khám, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về điều trị”, BS Hoa khuyến cáo.
Vẫn theo BS Hoa, nếu không được chữa trị kịp thời trong giai đoạn cấp, viêm nhiễm ở đường tiết niệu có thể lan sâu vào trong, dẫn đến viêm bàng quang, viêm thận, tạo sỏi ở thận. Đối với trẻ nam, đường tiết niệu cũng là đường sinh dục nên nó sẽ dẫn đến viêm đường sinh dục, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đối với trẻ nữ, viêm đường tiết niệu không được chữa trị kịp thời sẽ gây viêm âm đạo, nặng hơn là viêm cổ tử cung, tắc vòi trứng…
Để phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ, theo bác sĩ Hoa, cha mẹ cần dạy bé cách đi vệ sinh tự chủ, tránh tình trạng tè dầm, ị đùn. Mỗi lần đi vệ sinh, cần chùi từ trước ra sau, tuyệt đối không để chất bẩn có cơ hội xâm nhập vào đường tiểu của bé. Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho bé ăn nhiều rau, hoa quả, uống nhiều nước để giúp hệ bài tiết của bé hoạt động tốt hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét