Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Ðề phòng viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ

Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do virut gây nên. Bệnh có thể gây suy hô hấp hoặc tử vong nếu phát hiện muộn. Hiện nay, do thời tiết chuyển mùa, số trẻ mắc bệnh tăng cao. Để giúp các bậc cha mẹ phát hiện sớm, đưa con đi khám và điều trị kịp thời, Báo Sức khỏe&Đời sống giới thiệu bài viết sau đây.
Nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản khi chuyển mùa
TS. Lê Thị Hồng Hanh - Phó trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20 - 30 trẻ vào điều trị, trong đó 50-60% bị viêm tiểu phế quản. Còn tại phòng khám ngoại trú chuyên khoa hô hấp của bệnh viện, mỗi ngày cũng tiếp nhận 70 - 100 bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp, trong đó 40 - 50 trẻ bị viêm tiểu phế quản. TS. Hanh nhấn mạnh: Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các phế quản cỡ nhỏ và trung bình do virut gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, rất hay gặp và dễ mắc lại ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời sẽ cho kết quả tốt, trái lại, chẩn đoán muộn có thể khiến bệnh tình nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
Tiểu phế quản bình thường (trái) và tiểu phế quản viêm (phải).
Tiểu phế quản bình thường (trái) và tiểu phế quản viêm (phải).
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là tổn thương viêm cấp tính các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm gọi là các tiểu phế quản. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn, chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất là 3 - 6 tháng tuổi. Bệnh làm cho các phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn. Do đó, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu oxy.
Tác nhân gây bệnh là virut, hay gặp nhất là virut RSV, có 2 điểm đặc biệt: một là chúng có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch. Hai là: người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm RSV nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Trong khi trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa đối với các tỉnh phía Nam và mùa lạnh ở các tỉnh phía Bắc.
Dấu hiệu trẻ bị viêm tiểu phế quản
Một trẻ bị bệnh sẽ có triệu chứng cảm trong 2 - 3 ngày đầu như sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn, kèm theo khò khè, có thể bị khó thở với biểu hiện thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực. Nặng hơn nữa, trẻ có thể bỏ bú, tím tái.
Thường thấy trẻ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, vẫn có 20% trường hợp bệnh kéo dài nhiều tuần lễ. Biến chứng hay gặp là suy hô hấp, viêm phổi do bị bội nhiễm vi khuẩn; xẹp phổi do tắc đờm; viêm tai giữa.
Cần chú ý các trường hợp bệnh nặng: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Những trẻ này có yếu tố nguy cơ cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản.
Nghiên cứu gần đây cho thấy: có mối liên quan giữa viêm tiểu phế quản với bệnh suyễn: sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn nên trẻ dễ bị diễn tiến thành suyễn sau này.
Chăm sóc và điều trị
Chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản: cần cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Mẹ nên cho trẻ bú thành nhiều bữa nhỏ hay cho trẻ ăn làm nhiều bữa để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Chú ý cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước bởi thiếu nước sẽ làm đờm trở nên cô đặc làm bệnh nặng hơn. Uống nhiều nước giúp loãng đàm, dịu ho. Làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở và bú tốt hơn. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi 1-2giọt/lần, 2-3 lần/ngày. Cho trẻ uống thuốc đúng như chỉ dẫn của bác sĩ. Các dấu hiệu bệnh nặng cần đưa đi khám ngay là: trẻ tím tái, bú kém, bỏ bú, không uống được, ngủ li bì, khó đánh thức; khó thở, thở nhanh, thở co kéo lồng ngực.
Lời khuyên của bác sĩ

Viêm tiểu phế quản có thể gây tử vong cho bệnh nhi, vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Cha mẹ và gia đình cần thực hiện các biện pháp đề phòng đơn giản và hiệu quả như sau: tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác. Cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ vì virut lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp. Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trời lạnh hoặc giao mùa, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để quá nóng gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi đi tiêm chủng. Tránh cho bé hít phải khói thuốc, khói xe, khói bếp.


Nguyên nhân làm trẻ bị sốt

Sốt không phải là một bệnh nhưng lại là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ, trong đó sốt do nhiễm trùnghoặc do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, phụ huynh cần đặc biệt chú ý để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho trẻ. Nguyên nhân gây sốt ở trẻ thường được ghi nhận như sau:
Nhiễm siêu vi: nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt ở trẻ em. Bệnh thường khỏi sau 5 - 7 ngày. Có rất nhiều loại siêu vi gây bệnh cho trẻ em nhưng nguy hiểm nhất là siêu vi gây bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu.
Nhiễm vi trùng: thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản. Có thể là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như bệnh tả, bệnh kiết lỵ, bệnh thương hàn… hoặc những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm màng não do não mô cầu, nhiễm trùng máu do phế cầu…
Một số tác nhân gây nhiễm trùng khác có thể làm trẻ bị sốt như: nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm lao.
Nguyên nhân không do nhiễm khuẩn thường gặp trong những tình huống sau:
- Tăng nhiệt độ do trẻ được ủ ấm quá kỹ.
- Tiêm chủng cũng làm trẻ bị sốt, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị sốt sau khi được tiêm chủng những loại vắcxin trong năm đầu đời.
- Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, cha mẹ không nên quá lo lắng.
- Một số trẻ có thể bị sốt do thuốc, bệnh lý rối loạn miễn dịch, bệnh lý ác tính


Mối nguy hiểm khi sử dụng oxy già sát trùng vết thương

Theo Men's Health, nước oxy già (Hydrogen peroxid) có tác dụng tẩy uế, làm sạch vết thương và khử mùi. Ngoài ra, người ta dùng dung dịch này kết hợp với những chất khử khuẩn khác để tẩy uế tay, da và niêm mạc; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và hốc tủy răng, nhỏ tai để loại bỏ ráy tai, cầm máu nhẹ.
Tuy nhiên, nước oxy già có thể dẫn đến những hậu quả không ngờ nếu bạn quá lạm dụng nó,
1. Dùng oxy già để sát trùng vết thương hở
Theo bác sĩ ở trung tâm y tế Đại học Wexner, bang Ohio, Mỹ, oxy già có thể làm tổn thương cả các tế bào da khỏe mạnh, khiến quá trình lành vết thương diễn ra chậm hơn. Thay vì sát trùng vết thương hở bằng oxy già, bạn hãy rửa vết thương với nước sạch, thấm khô và dùng thuốc mỡ để ngăm sự xâm nhập của vi khuẩn vào vết thương. Cuối cùng, bạn dùng một miếng gạc sạch bao phủ vết thương để tránh những tác động từ môi trường.
2. Dùng oxy già để rửa ống tai
Nhiều người cho rằng, oxy già có thể khiến ráy tai mềm ra và dễ dàng được làm sạch hơn. Tuy nhiên, ống tai rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Mọi vết xước hay nước lọt vào tai đều có thể gây nhiễm trùng ống tai nghiêm trọng. Các bác sĩ khuyên rằng bộ phận này có thể tự làm sạch.
Oxy già có thể khiến ráy tai mềm và dễ dàng lấy ra hơn. Tuy vậy, bạn cần hết sức cẩn trọng khi đưa dung dịch này vào ống tai và cần chú ý thấm khô nước. Mọi chất lỏng đều có thể gây ra ù tai, mất thính lực hoặc điếc hoàn toàn.
Mối nguy hiểm khi sử dụng oxy già sát trùng vết thương
3. Sát trùng vết mụn, lở loét
Ngoài công dụng sát trùng, oxy già có thể tẩy mở các vết nám, sẹo mụn... Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra những tác dụng phụ như ung thư, thay đổi kết cấu tế bào da nếu dùng nhiều lần trong thời gian dài. Dung dịch oxy già nồng độ đậm đặc có thể gây tổn thương mô, tế bào da...
Các chuyên gia khuyên bạn nên pha loãng dung dịch có nồng độ 27%, 30% trước khi dùng và không sử dụng oxy già liên tục trong thời gian dài.
Ngoài ra, chúng cũng có thể gây kích ứng bỏng da và niêm mạc đối với khoang miệng, da mặt... Thói quen súc miệng hoặc rửa miệng bằng oxy già loãng trong thời gian dài có thể gây phì đại nhú lưỡi (còn gọi là hiện tượng lưỡi có lông). Tuy nhiên, hiện tượng này không nguy hiểm đối với sức khỏe.
Chú ý khi sử dụng oxy già:
- Tránh dùng để rửa vết thương ở các khoang kín của cơ thể như đại tràng, đường ruột... do oxy được giải phóng ra không có đường thoát sẽ gây ra tắc khí mạch, vỡ đại tràng, viêm trực tràng, viêm loét đại tràng và hoại tử ruột…

- Không dùng để rửa các vết thương đang lên da non, vùng da dễ bị tổn thương bởi tính sát khuẩn mạnh có thể gây tổn hại nghiêm trong hơn cho mô và tế bào, khiến vết thương khó lành và để lại sẹo.


Xác định và cách nhận biết trẻ bị sốt

Nếu việc xử trí và chăm sóc trẻ bị sốt không đúng cách đôi khi có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Chính vì lý đó, phụ huynh cần biết những thông tin quan trọng về sốt ở trẻ em để có cách chăm sóc trẻ sốt “đúng” và “phù hợp” hơn giúp trẻ mau chóng lành bệnh. Đó cũng là mơ ước chính đáng của các bậc phụ huynh.
Sốt là một triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bình thường nhiệt độ của cơ thể con người nằm trong khoảng từ 36,5 - 37,50C. Về mặt sinh học, trẻ em cũng có nhiệt độ như người lớn nhưng ở trẻ do trung tâm điều hòa thân nhiệt chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sốt và sốt cao.
Khi nhiệt độ cơ thể trẻ vượt quá 37,50C (đo ở vùng nách) mới được gọi là sốt. Nhưng trẻ chỉ được dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt tăng lên từ 38,5 - 390C.
Những trường hợp trẻ sốt dưới 38,50C, cha mẹ chỉ cần đắp khăn thấm nước ấm, cho trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh không cho trẻ mặc nhiều quần áo, thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ và đặc biệt cần bổ sung đầy đủ lượng nước uống cho trẻ. Sốt là phản ứng có lợi chống lại sự phát triển của vi khuẩncũng như những tác nhân gây bệnh khác, tuy nhiên sốt cao có thể gây co giật.
Cha mẹ có thể nhận ra trẻ đang bị sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng. Phụ huynh cũng có thể nhìn thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường. Mắt trẻ không còn linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, trẻ có thể bị lạnh run, tăng tiết mồ hôi.
Chính xác nhất cha mẹ nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại của trẻ (sốt nhẹ hoặc sốt cao), dựa vào phân loại sốt ở trẻ thường dùng dưới đây:
Xác định và cách nhận biết trẻ bị sốt
- Khi nhiệt độ từ 37,5 - 38,50C là sốt nhẹ.
- Khi nhiệt độ từ 38,5 - 390C là sốt vừa.
- Khi nhiệt độ từ 39 - 400C là sốt cao.

- Khi nhiệt độ >400C là sốt rất cao.


Nhận biết bé bị viêm VA

Thường xảy ra ở trẻ từ 6-7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Biểu hiện của bệnh: Trẻ bị sốt trên 38oC, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Trẻ cũng bị ngạt mũi. Bệnh thường kèm theo ho, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều. Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc... Điều trị bằng thuốc giảm sốt, chống ngạt mũi, chảy mũi. Nếu thấy mũi cháu có mủ vàng xanh mới cần dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Viêm amidan cấp: Viêm amidan cấp không khó phát hiện, nhiều khi bản thân bố mẹ cũng tự phát hiện ra. Biểu hiện bệnh khi thấy người mệt mỏi, kém ăn, cảm giác ớn lạnh. Sốt 39-40˚C. Trẻ đau họng khi nuốt, nhất là lúc ăn uống nên hay muốn nôn. Đôi khi trẻ kêu đau lên tai khi nuốt. Đôi khi xuất hiện ho từng cơn do kích thích hoặc ho có đờm do có dịch xuất tiết ở họng. Giọng nói có thể thay đổi. Trẻ nhỏ thường thở khò khè, ngáy to. Hơi thở hôi. Những đợt viêm amidan cấp diễn biến khoảng 7 ngày, sau 3-4 ngày bệnh nhân hết sốt. Nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể lan xuống thanh quản, phế quản hoặc gây các biến chứng như áp-xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons